- Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Technocom, được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Đại hội thành lập Hiệp hội sáng nay (10/8) ở Hà Nội.
Ông Vượng cũng là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam toàn Ucraina.
Ảnh: XL
Tại Đại hội, các đại biểu cũng bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Cảnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn T&MTrans, doanh nghiệp Việt kiều Nga làm Phó Chủ tịch thường trực và bầu 8 phó chủ tịch khác.
Hơn 200 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, hơn 40 đại biểu của các cơ quan trung ương và địa phương, gần 80 đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong nước đã tham dự Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nói: "Doanh nghiệp Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, là lực lượng tiên phong trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp kiều bào là một nguồn lực quan trọng, là tiềm năng lớn trên con đường phát triển của cộng đồng người Việt Nam nước ngoài nói riêng và đất nước nói chung".
Phó Thủ tướng cho rằng việc thành lập Hiệp hội là "cột mốc đầu tiên, quan trọng trên con đường xây dựng một mạng lưới đại đoàn kết, tập hợp doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới, hướng tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hùng mạnh, có vị trí xứng đáng và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước".
Ông khẳng định lại chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, hiện có khoảng 3.000 dự án đầu tư của doanh nghiệp kiều bào ở trong nước, với tổng giá trị vốn khoảng 2 tỉ USD.
Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đặt trụ sở tại Hà Nội và có các chi hội, chi nhánh văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác về lĩnh vực có liên quan.
Chính sách, chủ trương chung của trung ương về thu hút doanh nghiệp Việt kiều đầu tư về trong nước là rất tốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở cấp địa phương vẫn chưa thực sự khai thông, rõ ràng. Đối với những doanh nghiệp kiều bào mới trở về nước, họ hay gặp những vướng mắc, trở ngại về thủ tục hành chính. Có những vấn đề cấp địa phương cho là nhỏ, nhưng đối với doanh nghiệp lại là vấn đề lớn và là trở ngại. Đã có nhiều thay đổi trong những năm qua nhưng tôi cho rằng việc thực hiện chính sách phải thông thoáng, rõ ràng hơn. Nếu không, sẽ lãng phí nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp kiều bào.
Theo tôi, vấn đề lớn khi thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp kiều bào là thông tin và hướng dẫn kiều bào tiếp cận các kênh thông tin. Ở Việt Nam hiện nay, việc xúc tiến thành lập doanh nghiệp đã đơn giản, rõ ràng hơn trước rất nhiều. Do chưa tiếp cận nhiều thông tin nên kiều bào không nắm rõ tình hình khiến thành trở ngại. Để làm được điều này, sở ngoại vụ các tỉnh có thể chủ động tích cực thiết lập các kênh thông tin, hướng dẫn cho bà con kiều bào nắm rõ hơn chính sách, thực tiễn phát triển ở địa phương. Ngoài ra, cần tổ chức nhiều kênh thông tin rộng rãi khác để bà con có thể trực tiếp tiếp cận, nắm rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Tôi hy vọng thông qua hợp tác cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước sẽ góp phần tăng cường các hoạt động xuất khẩu, đầu tư và hình thành mạng phân phối hàng hóa của người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Hiệp hội cũng sẽ trở thành cánh tay nối dài của cộng đồng kinh doanh trong nước, trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho mạng lưới xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam. |
-
Xuân Linh