- Phá bỏ những rào cản trong tư duy, đưa ra những chính sách thông thoáng sẽ giúp phát huy nguồn lực doanh nhân Việt kiều, hiện mới chỉ được khai thác 30-50% - ông Nguyễn Hoài Bắc, doanh nhân Việt kiều Canađa trao đổi nhân Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm nay (10/8) tại Hà Nội.
Chính sách không thông thoáng, khó thu hút
Ông Nguyễn Hoài Bắc: Doanh nhân Việt kiều chính là những đại sứ kinh tế của đất nước. Ảnh: XL |
Chuẩn bị vận động, tổ chức từ năm 2006, đến hôm nay, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính thức ra mắt với hơn 200 thành viên. Thời điểm kinh tế suy giảm, cần huy động mọi nguồn lực nên dường như sự ra đời của Hiệp hội có ý nghĩa hơn, thưa ông?
- Theo tôi, lẽ ra chúng ta phải thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt kiều từ lâu rồi. Năm 1996, khi trở về Việt Nam, tôi đã làm một văn bản gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất thành lập “Việt Nam Tổng công ty Hải ngoại” hay như tên gọi bây giờ là Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Với quan điểm đặt Hiệp hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, tôi cho rằng đây sẽ là kênh giúp huy động nguồn lực vô cùng quý giá cho phát triển kinh tế. Kiều bào có thể đóng góp như một mũi xung kích quan trọng xây dựng đất nước.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết xác định kiều bào là nguồn lực không tách rời của đất nước. Với khoảng 3,5-5,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, họ là một kênh huy động trí tuệ khoa học công nghệ, những ý tưởng mới của thế giới. Có thể nói họ chính là những “đại sứ kinh tế” cho đất nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sau khủng hoảng, cạnh tranh FDI giữa các nước trở nên gay gắt.
Trong bối cảnh này, doanh nhân Việt kiều có thể đóng góp như thế nào cho đất nước?
- Tại sao người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước đầu tư? Bởi họ tâm huyết, ham muốn làm giàu và làm giàu trên chính quê hương mình, đóng góp cho đất nước phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, không thể khẳng định khi nào thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng và hậu khủng hoảng ra sao, lạm phát có xảy ra hay không.
Nhưng để vượt qua giai đoạn khó khăn, chính sách sẽ là kim chỉ nam, định hướng cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kiều bào phát triển, góp phần vực dậy nền kinh tế. Chính sách của Chính phủ buộc phải thông thoáng, nếu không, kiều bào sẽ dành nguồn lực đầu tư ở nơi khác. Phải nhìn nhận sòng phẳng như vậy.
Thực sự hành động
Đã có chính sách, cơ sở pháp lý thu hút kiều bào về nước đầu tư được ban hành khá rộng rãi trong những năm qua rồi, thưa ông?
- Muốn có sức bật, phải có nguồn lực. Để thu hút nguồn lực đầu tư, Chính phủ nên chào những gói giá trị cạnh tranh, gia tăng vượt trội. Các đại sứ kinh tế là kiều bào có thể làm tốt sứ mệnh nhưng điều quan trọng còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ.
Nếu chỉ nói bằng văn bản giấy tờ mà không thực sự hành động thì chúng ta vĩnh viễn tụt hậu và cuộc chạy của chúng ta cũng chỉ là trên giấy.
Tôi đã làm văn bản gửi cho Thủ tướng và Bộ LĐTBXH. Trong điều 126 khoản 2 của Nghị định Chính phủ năm 2007 có quy định cá nhân, tổ chức làm dịch vụ xuất khẩu lao động phải là người VN và 100% vốn VN. Trong khi chúng ta xã hội hóa giáo dục, bà con Việt kiều muốn đầu tư vào giáo dục, đào tạo dạy nghề và chúng ta luôn biết rằng nguồn nhân lực là khan hiếm.
Nghị định này vênh với Luật Doanh nghiệp.
Chúng ta phải nhìn nhận trong 2 năm qua, khi biến động về kinh tế, dòng vốn chảy vào Việt Nam rất thấp.
Bà con Việt kiều gửi về Việt Nam mỗi năm 8-10 tỷ USD, đây là những đồng tiền lãi ròng, khác hẳn với vốn FDI là những đồng lãi sẽ được chuyển ra nước ngoài.
GDP của chúng ta được khoảng 78 tỷ USD, trong đó có bao nhiêu là lãi ròng khi trừ đi chi phí đầu tư? Đó là một vấn đề.
Bà con Việt kiều không đòi hỏi một cơ chế tốt hơn mà chỉ muốn một cơ chế công bằng với người Việt ở trong nước.
Ông trông chờ gì ở vai trò của Hiệp hội doanh nhân Việt kiều?
- Hiệp hội có thể giúp kiến nghị những chính sách với Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng, muốn đặt doanh nhân Việt kiều hay kiều bào nói chung vào đúng vị trí của họ, phải phá bỏ những rào cản trong tư duy.
Theo tôi, chúng ta mới tận dụng được 30-50% nguồn lực kiều bào. Trong số 50% còn lại, có nhiều người có tiềm năng rất lớn nhưng giờ có phải là thời điểm để họ quay trở về chưa, đó cũng là câu hỏi nêu ra để xem xét.
Tham dự Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài ngày 10/8 tại Hà Nội có lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng khoảng 300 đại biểu. Trong đó có 150 đại biểu doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, 150 đại diện các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, tổ chức kinh tế, tài chính trong nước, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương. |
-
Xuân Linh