- Ủy ban quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNVNONN) cho hay đang phối hợp xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai. Theo đó, sẽ cho phép nhiều đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Tại buổi giao ban trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ Ngoại giao với Đại sứ Việt Nam tại Pháp và Singapore chiều 6/8, ông Đặng Hồ Phát, Vụ trưởng Vụ 1 - UBNVNONN khẳng định Luật sửa đổi sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn, cho nhiều đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Ảnh: XL
Ủy ban này cũng đang phối hợp xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch 2008. Ông Phát cho hay, lẽ ra Nghị định này phải ban hành ngay khi Luật chính thức có hiệu lực (từ 1/7) song do một số vấn đề nên đã bị chậm lại.
Theo quy định, để có thể mua và sở hữu nhà ở trong nước, kiều bào phải chứng minh điều kiện tối thiểu có quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, Luật Quốc tịch ban hành quy định "tất cả mọi công dân Việt Nam đang sống ở nước ngoài trong thời hạn 5 năm phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam".
Khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc. Trong khi đó, trước khi sửa đổi luật, chỉ có 140 trường hợp kiều bào mua nhà thành công.
Để thực thi các quy định liên quan đến việc kiều bào mua và sở hữu nhà ở trong nước theo luật sửa đổi, cần thiết phải ban hành sớm Nghị định hướng dẫn Luật Quốc tịch. Trong khi đó, từ 1/9 tới, Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành.
Tại buổi giao ban trực tuyến, ông Phát cũng cho hay UBNVNONN đang chuẩn bị đón đoàn kiều bào về nước tham quan nhân dịp Quốc khánh 2/9. Trong chương trình, kiều bào sẽ đi thăm Điện Biên Phủ, dự lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng.
Chuẩn bị cho Hội nghị người Việt toàn thế giới lần thứ nhất, UBNVNONN thông báo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Singapore cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mời rộng rãi các thành phần kiều bào trí thức, doanh nhân, các cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, xã hội, tôn giáo, thể dục thể thao, truyền thông, người có công v.v...
Những nhân vật cao cấp trong chế độ cũ có tinh thần dân tộc, muốn tham gia Hội nghị trong tinh thần xây dựng và hoà hợp dân tộc cũng sẽ được mời tham dự.
-
X.Linh