- Vấn đề chính bây giờ là làm sao tuyển chọn được một đội ngũ tinh hoa, có tài, có đức vào bộ máy quản lý đất nước. Vừa lựa chọn nhưng cũng vừa đào thải - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc trò chuyện với VietNamNet.
>> Làn sóng "chảy máu chất xám" khu vực công
Ông nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, nhân sự xuất phát từ thực tiễn đổi thay. Thưa ông, cần phải hiểu rõ thực tiễn đổi thay thế nào?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Thang Văn Phúc: Cán bộ rời bỏ khu vực Nhà nước có nguyên nhân do chưa thực sự có chính sách trọng dụng họ. Ảnh: XL |
Thời kỳ mới đòi hỏi một phương thức tổ chức phù hợp và một đội ngũ cán bộ tương ứng, đặc biệt từ năm 1986 trở đi, nhiều yêu cầu đặt ra trước những bước chuyển đổi cơ bản của đất nước.
Chúng ta nhận thức lại con đường đi lên CNXH, chuyển nền kinh tế sang sản xuất hàng hóa nhiều thành phần. Điều đó tạo ra những bước chuyển căn bản từ trong tư duy, nhận thức dẫn đến điều chỉnh hàng loạt chính sách thể chế, đặc biệt là điều chỉnh vai trò của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường, cũng như các bước đi hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính nền tảng kinh tế này đã tạo cơ sở cho những đổi mới thượng tầng kiến trúc. Đội ngũ cán bộ, công chức đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải thay đổi, chuyển biến. Phải đổi mới thực sự mới đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội.
Tư duy đổi mới theo nền kinh tế thị trường đặt ra những yêu cầu đổi mới trong công tác cán bộ như ông nói. Vậy những đổi mới thực sự cần thiết là gì? Tiêu chí về cán bộ, nhân sự theo yêu cầu thực tiễn đương đại?
Thời gian qua, chúng ta đã tìm mọi cách để thay đổi các cơ chế về quản lý cán bộ, công chức. Hiện nay Bộ Nội vụ và các bộ ngành đã xác định được gần 200 tiêu chuẩn ngạch, bậc của từng vị trí công chức trong từng vị trí, trong đó có những tiêu chí chung như phải yêu nước, trung thành với thể chế, nhà nước XHCN, có tri thức tương ứng với chức vụ đảm nhiệm. Cán bộ phải có nhân cách đạo đức, có tác phong mới, tư duy mới trong quản lý đất nước thời kỳ mới.
Tuyển thứ trưởng mới chỉ là đề xuất
Nguồn lực nào để đảm bảo đội ngũ cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn mới như yêu cầu, thưa ông?
Phải tự đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Chỉ tính riêng từ 2001-2005 đã đào tạo, bồi dưỡng khoảng 2,5 triệu lượt công chức dưới hình thức đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn. Mấy năm gần đây, trung bình hàng năm có khoảng 500 - 600.000 người được đào tạo bồi dưỡng. Rồi phải đào tạo mới, kể cả đào tạo tại quốc tế.
"Trên hết, người lãnh đạo phải có vai trò chủ yếu trong đánh giá đúng cán bộ, nhân sự tuyển dụng. Tuyển dụng họ, anh phải tạo môi trường làm việc và phấn đấu thăng tiến. Công bằng, dân chủ là trả đúng giá trị của họ và chừng nào anh làm được điều đó thì mọi thứ "êm". Trong khoa học quản lý người ta gọi đó là đánh giá đầu ra. Quản trị đất nước tốt cũng phải như vậy". |
Trong vấn đề tuyển chọn, sử dụng những người tinh hoa cũng có một số e ngại việc chưa cởi mở, cạnh tranh, chưa tận dụng hết khả năng của nhân lực, thậm chí có chuyện chạy chức, chạy quyền. Suy nghĩ của ông?
Một bộ phận cán bộ, công chức có khả năng, tri thức, kinh nghiệm xin chuyển ra ngoài nhưng thực sự đội ngũ này chủ yếu làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng... Họ trở thành một lực lượng cạnh tranh với lực lượng trong Nhà nước. Đã có 16.000 cán bộ, công chức ra khỏi khu vực Nhà nước. Đây là vấn đề lớn phải quan tâm vì không chỉ thu hút mà còn phải giữ cho được đội ngũ cán bộ tận tụy, trung thành với công vụ, với Nhà nước. Đó mới thực sự là chính sách thu hút tinh hoa vào khu vực công.
Về chức vụ, Trung ương đã cho phép làm thí điểm việc thi tuyển cạnh tranh vào các chức vụ cấp phòng ở huyện, sở. Cũng có bộ, ngành đề xuất thi tuyển cạnh tranh cấp vụ và kể cả thứ trưởng. Đây mới là đề xuất thôi.
Trả đúng giá trị, mọi thứ sẽ “êm”
Rất nhiều chính sách liên quan đến công tác cán bộ đã được ban hành. Như ông nói, mọi việc đang phải làm từng bước. Quá trình "vừa làm vừa hoàn thiện" sẽ hàn những khiếm khuyết ra sao, như trong chuyện 16.000 cán bộ công chức ra khỏi khu vực Nhà nước?
Cán bộ rời bỏ khu vực Nhà nước có nguyên nhân do chưa thực sự có chính sách trọng dụng họ. Đây là vấn đề rất lớn. Người có khả năng nhất ở vị trí này lẽ ra phải được tuyển chọn nhưng nhiều khi chưa làm được. Người làm trái công việc chuyên môn còn khá phổ biến, sẽ phải chuyển hóa dần dần.
Thứ hai là chính sách tiền lương không tương xứng, làm thiếu những động lực căn bản. Nguyên tắc của các nước, lương của công chức phải trên trung bình của xã hội và trong đó phải là trung bình trên của khối doanh nghiệp tương ứng. Như vậy phải đảm bảo làm sao để tiền lương công chức phải ở mức trung bình cao của lao động trong lĩnh vực tương ứng của khu vực tư. Nếu không đảm bảo được, những người giỏi, người tài sẽ không vào khu vực công mà chỉ là những người trung bình và thấp.
Để công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ thành công, sẽ không chỉ có vấn đề tiền lương?
Đúng vậy. Muốn thu hút được người tài phải trọng dụng họ đúng tầm, tôn trọng họ, tạo ra môi trường cho họ cống hiến, làm việc. Đó là yếu tố rất căn bản. Dần dần chính sách sẽ mở hơn, sẽ trả đúng công lao đóng góp của người ta mà theo hướng đó thì ta giữ được đội ngũ.
Theo ông, đổi mới căn bản nhất trong chính sách cán bộ là gì?
Tôi cho rằng đó là việc xử lý đầu ra, tức việc anh sử dụng tốt họ. Và chừng nào anh trả đúng giá trị sức lao động của họ thì lúc đó bài toán cán bộ, nhân sự của anh thành công. Nhưng trên hết, người lãnh đạo phải có vai trò chủ yếu trong đánh giá đúng cán bộ, nhân sự tuyển dụng. Tuyển dụng họ, anh phải tạo môi trường làm việc và phấn đấu thăng tiến. Công bằng, dân chủ là trả đúng giá trị của họ và chừng nào anh làm được điều đó thì mọi thứ "êm". Trong khoa học quản lý người ta gọi đó là đánh giá đầu ra. Quản trị đất nước tốt cũng phải như vậy.
-
Xuân Linh