- Công dân Việt Nam và người nước ngoài khi nộp đơn tại Việt Nam để xin nhập quốc tịch Việt Nam, trở lại quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam phải nộp một khoản lệ phí lần lượt theo mức là 3 triệu đồng và 2,5 triệu đồng.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 146 hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí giải quyết các việc liên quan đến quốc tịch.
Đây được xem là văn bản dưới luật đầu tiên hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua.
Theo quy định, khi Luật chính thức có hiệu lực, kiều bào sinh sống tại nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi định cư để giữ quốc tịch gốc. Thời hạn đăng ký sẽ kéo dài 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Ước tính khoảng 70% số kiều bào đang định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch Việt Nam. Theo quy định của luật, nếu không đăng ký giữ quốc tịch thì kiều bào phải đăng ký thôi quốc tịch Việt Nam.
Kiều bào về dự Tết âm lịch 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Việc phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nhằm giúp Nhà nước xác định được những ai trong số hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn muốn giữ quốc tịch Việt Nam, qua đó xác định rõ tình trạng quốc tịch của họ, tạo điều kiện để làm tốt công tác quản lý về quốc tịch, thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân định cư ở nước ngoài.
Ngoài mức phí chung nêu trên, có 5 trường hợp thuộc diện được miễn lệ phí liên quan đến quốc tịch:
Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc (người tham gia, người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; người hoạt động cách mạng xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam và các trường hợp khác mà việc nhập, việc trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)
Người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn theo quy định về chuẩn nghèo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người Lào di cư sang Việt Nam đã được cấp phép cư trú ổn định trước ngày 1/1/2009 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 của Thủ tướng.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người Campuchia lánh nan diệt chủng từ những năm 1978 đến 1983 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch gốc và đã từng được đăng ký tại các trại tị nạn ở Việt Nam do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) bảo trợ.
-
P.V - TTXVN