- Góp ý cho dự thảo Luật Tiếp cận thông tin hôm nay (2/7), ông Nguyễn Bốn Bảy (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) nói: "Dân không đói ăn, đói mặc mà đói thông tin. Có thể xếp chúng tôi vào diện nghèo hoặc cận nghèo với thông tin".
Ông Bảy cũng đề nghị sửa tên luật thành "Luật Cung cấp và tiếp nhận thông tin", vì cái tên "Luật Tiếp cận thông tin" đồng nghĩa với việc người dân dường như chỉ "mon men" tiếp cận chứ không thực sự được nhận đầy đủ thông tin.
"Lòng dân không an"
Ông Trần Dân, Vụ pháp chế - Bộ Công an (trái): Chúng tôi không nhận được đề nghị tổng kết việc công khai, cung cấp thông tin. Ảnh: NL
Cầm trên tay tập tài liệu được chuẩn bị công phu với thuyết minh về nhiều bộ luật tiến bộ của thế giới, ông Trần Dân (Vụ Pháp chế, Bộ Công an) thắc mắc, không hiểu ban soạn thảo có kịp tổng kết việc thực hiện công khai thông tin đã được quy định trong các bộ luật khác lâu nay, để tìm ra bất cập hay không?
"Sẽ khó đưa ra những quy định khả thi nếu không căn cứ vào yêu cầu cuộc sống", ông Dân nói.
Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa giải thích: "Chúng tôi đã đi khảo sát thực tiễn, soạn ra một báo cáo dày 60 trang, đang xin ý kiến Bộ trưởng". Bà Thoa nói hai tuần tới, ban soạn thảo có thể gửi bản báo cáo tới tay ông Dân.
Ông Dân vẫn tiếp tục hỏi, ngoài việc đi khảo sát, không hiểu tại sao ban soạn thảo không yêu cầu các bộ, ngành tổng kết thực tiễn như vẫn làm khi thiết kế các bộ luật khác.
"Như Bộ Công an phụ trách hai phần việc là điều tra hình sự và quản lý xuất nhập cảnh, cư trú... nhưng chúng tôi không nhận được đề nghị tổng kết việc công khai, cung cấp thông tin trong hai phần việc này", ông Dân bày tỏ.
Từ đại diện bộ ngành, cho đến người dân và chuyên gia... đều khẳng định chuyện bưng bít thông tin không chỉ làm thiệt hại tiền bạc, của cải mà còn ảnh hưởng đến lòng tin nơi dân, là mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và lạm quyền.
Trong khi Pháp lệnh Dân chủ cơ sở chưa hiệu quả thì đa số các cơ quan đều "vin" vào Pháp lệnh bí mật nhà nước để giữ kín thông tin.
Việc bưng bít thông tin diễn ra rõ nhất trên các lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi. "Lòng dân hiện nay không an vì tham nhũng, vì khiếu nại đất đai. Mà 80% các vụ khiếu nại đất đai là do chính quyền không thông tin đến dân", ông Bảy nói.
"Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chia sẻ thông tin"
"Quyền tự do thông tin rải rác trong các luật nhưng không lại được với Pháp lệnh bí mật nhà nước". GS-TS Nguyễn Đăng Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội
Theo dự thảo luật, ngay đối với thông tin không thuộc diện mật, cơ quan nắm giữ thông tin vẫn có quyền từ chối cung cấp “khi có căn cứ để khẳng định là lợi ích công sẽ bị phương hại nếu cung cấp thông tin”.
Mặt khác, dự thảo chỉ quy định các cơ quan quyền lực (Quốc hội, HĐND), cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp có trách nhiệm công khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngay các tổ chức sử dụng công sản cũng phải công khai thông tin.
"Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ bao nhiêu tài sản quốc gia, lại có tác động mạnh đến các công trình, dự án lớn nhà nước, như Tập đoàn Than - Khoáng sản, nhưng tại sao lại không bị buộc phải công khai thông tin?", ông Hoàng Ngọc Giao - Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật nói.
Giám sát cơ quan từ chối cung cấp thông tin
Ông Nguyễn Bốn Bảy: Đây là cơ chế mà không ai chịu trách nhiệm. Ảnh: NL
Ông Hoàng Ngọc Giao đề xuất luật cần định lượng các hình thức xử phạt trong trường hợp công chức từ chối tiết lộ thông tin. Nếu phạt hành chính thì khung hình phạt bao nhiêu? Trường hợp nào bị truy tố, ai sẽ xử lý?
Ông Nguyễn Bốn Bảy kể, khi lập dự án xây cầu Nhật Tân, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội phải lấy ý kiến dân trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhưng sau hơn 3 năm, dân vẫn "đứng ngoài cuộc".
"Đây là cơ chế mà không ai chịu trách nhiệm", ông Bảy than.
Ngay ban soạn thảo cũng nói e dè, các cơ quan nắm giữ thông tin không muốn cung cấp hoặc trì hoãn. Điều này khiến các quy định của luật dễ trở thành những tuyên bố hình thức, làm giảm sút lòng tin của dân.
Có một số lựa chọn như thực hiện giám sát trong nội bộ, nghĩa là dân có thể khiếu nại lên cơ quan cấp trên nếu công chức bộ, ngành đó từ chối cung cấp thông tin. Một số nước như Hàn Quốc lập Ủy ban giám sát độc lập.
Ban soạn thảo chọn phương án giao cho một cơ quan Quốc hội giám sát. Dự kiến, có thể nâng cấp Ban Dân nguyện thành một ủy ban, giám sát việc thực hiện quyền tiếp nhận thông tin.
Dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình để Quốc hội thảo luận lần đầu tiên vào kỳ họp cuối năm nay.
-
Lê Nhung