- Theo dự thảo lần thứ nhất của Luật Tiếp cận thông tin đang được lấy ý kiến người dân, hầu hết các thông tin đều được công khai, chỉ trừ thông tin bí mật nhà nước, cá nhân và bí mật kinh doanh.
Công khai quy hoạch đất đai
Dự thảo luật đưa ra danh mục những thông tin bắt buộc phải công bố công khai rộng rãi cho mọi người dân được biết. Đó là tình hình quản lý, sử dụng ngân sách, báo cáo chi tiêu tài chính, kiểm toán, các chiến lược, chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương, ngành.
Người dân có quyền đến các cơ quan để hỏi thông tin về quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt là thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng như thông tin về các dự án đầu tư công bao gồm tổng ngân sách dự án, ngân sách cho thời hạn tương ứng, tiến độ và tình hình thực hiện...
Thông tin về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khoẻ, môi trường; thông tin về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động cũng phải được thông báo rộng rãi.
Các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin sẽ phải công khai địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử để người dân tiện liên hệ.
Thông tin đã được giải mật: Chỉ cung cấp có điều kiện
Những thông tin mà tổ chức, cá nhân không được tiếp cận gồm: Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, bí mật kinh doanh.
Theo đó, các cơ quan được yêu cầu có quyền xem xét, từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp thông tin liên quan đến việc hoạch định chính sách và hoạt động của cơ quan nhà nước mà việc cung cấp các thông tin đó có thể gây khó khăn phức tạp cho quá trình xây dựng chính sách.
Những thông tin nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích cộng đồng và việc cung cấp thông tin sẽ phương hại đến lợi ích công cũng nằm trong danh mục được giữ kín.
Ngoài ra, dự luật nêu rõ một số loại thông tin chưa được tiếp cận (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) là thông tin trong các quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo.
Những thông tin đã được công bố công khai trên website, số lượng thông tin yêu cầu cung cấp quá lớn... cũng sẽ bị từ chối cung cấp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định một số loại thông tin cung cấp có điều kiện như các thông tin thuộc bí mật nhà nước đã được giải mật hoặc thông tin về tình hình giải quyết các công việc theo yêu cầu của người dân.
Quốc hội giám sát quyền được biết
Theo dự thảo luật, thông tin có thể được cung cấp qua trao đổi trực tiếp, qua mạng điện tử, báo chí hoặc cho phép người dân được tiếp cận các bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu...
Trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày từ khi nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan chức năng phải thông báo cho người dân về quyết định chấp nhận hay từ chối cung cấp. Nếu chấp nhận, trong vòng 7 ngày sau phải cho người dân tiếp cận thông tin (trường hợp miễn thu phí).
Nếu không có thông tin thì phải trả lời cho người dân trong năm ngày làm việc từ khi nhận yêu cầu.
Để quyền tiếp cận thông tin của người dân được thực thi, đồng thời hạn chế việc các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin lạm dụng quyền hạn của mình từ chối cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không kịp thời cho người dân, dự thảo luật cũng đưa ra một số cơ chế theo dõi, đánh giá và giám sát.
Theo đó, dự thảo luật quy định Quốc hội giao cho một cơ quan của Quốc hội giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện trách nhiệm của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức.
Theo dự kiến, luật này sẽ được trình lấy ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp cuối năm nay.
-
Ngọc Lê