Tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại (1926-1945) viết trên giấy cỡ 21,5x31cm, một phần trong đó mang nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vừa được nhà nghiên cứu Phan Thuận An tìm thấy, bàn giao cho Bộ Ngoại giao hôm 26/6.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (trái) trao tờ Châu bản gốc cho đại diện Bộ Ngoại giao.
Dưới triều Nguyễn, Châu bản là loại văn bản hành chính do bộ phận văn phòng làm việc bên cạnh nhà vua soạn thảo, dâng lên vua phê chuẩn. Thời vua Bảo Đại, các Châu bản được đánh máy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp và nhà vua thường phê chuẩn bằng tiếng Việt với chữ “chuẩn y” và ký tắt hai chữ BĐ (Bảo Đại). Sau đó, văn bản này được các nhân viên của văn phòng nhà vua sao chép ra để gửi đi thi hành. Còn bản chính được lưu trữ ở tòa nhà Đông Các, tức thư viện của Hoàng gia.
Tờ Châu bản có chữ ký của vua Bảo Đại được tìm thấy tại Phủ Ngọc Sơn công chúa (con gái vua Đồng Khánh và là em ruột vua Khải Định), có nội dung: Vào ngày 10/2/1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ, vì họ đã có công trong việc dẹp loạn “man di” ở miền núi và có công trong “việc lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”.
Đến ngày 15/2/1939, Tổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Quỳnh dâng lên hoàng đế Bảo Đại để nhà vua duyệt và nhà vua đã phê vào văn bản là “chuẩn y”. Một lần nữa văn bản này khẳng định, dưới triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
(Theo Gia đình&Xã hội)