- Với việc Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai sáng nay (18/6), thêm nhiều đối tượng người người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Cơ hội cho 70% kiều bào còn quốc tịch
70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam còn quốc tịch gốc sẽ mua và sở hữu nhà ở trong nước? Ảnh: VNN |
Như vậy, có thể hiểu đối tượng nói trên, sẽ được mua và sở hữu nhà ở trong nước không hạn chế số lượng.
Khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc, tức cơ hội sẽ mở rộng hơn cho đông đảo kiều bào nói chung được mua và sở hữu nhà ở trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet bên hành lang phiên họp QH, ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH cho rằng, điều còn chưa rõ là điều kiện "cư trú 3 tháng trở lên". Theo ông, luật nên quy định rõ hơn là cư trú liên tục hay tính gộp các thời gian kiều bào có mặt tại Việt Nam trong một năm.
Cùng với sửa đổi quy định mở rộng đối tượng, điều 121 của Luật Đất đai sửa đổi kèm theo nhằm quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước. Một trong những quy định "thoáng" hơn trước đây đó là kiều bào được phép cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.
Trước sửa đổi luật, chỉ có 140 trường hợp kiều bào mua nhà thành công. Luật sửa đổi do QH thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/9 tới.
Theo luật sửa đổi, những đối tượng người Việt nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong nước như sau : 1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam (tức không hạn chế số lượng): a) Người có quốc tịch Việt Nam b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước. 2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam. |
-
Xuân Linh