- "Thực sự các thành viên Chính phủ rất có tự trọng, rất day dứt, đau khổ khi công việc chưa tốt. Có những cái làm chưa tốt trước dân cũng rất day dứt, rất đau khổ chứ không phải không có trách nhiệm", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu giải trình yếu kém trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn, thực phẩm tại Quốc hội hôm nay (10/6).
Ăn gì cũng sợ ngộ độc
Đại biểu Nguyễn Thị Mai xót xa cảnh "tiền mất, tật mang" khi dân phải mua sữa giá cao, kém chất lượng. Ảnh: TTXVN |
Dẫn "ví dụ điển hình" về sữa, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) lo lắng tình trạng sản phẩm sửa hàng giả, kém chất lượng bị thu giữ có xu hướng tăng đáng kể.
Nếu như năm 2007 có 21.998 hộp thì năm 2008 có 71.728 hộp nhiễm melamin, hàm lượng protein thấp.
"Qua một số thông tin cho biết giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới, có thật vậy không? Cử tri rất trăn trở và bức xúc vì Nhà nước ta đã chi không biết bao nhiều tiền để xây dựng ngành chế biến sữa, có thể nói là hiện đại, thế mà người dân phải gánh chịu thiệt thòi trong khi các công ty sữa ngày càng giàu lên nhờ nhập sữa", bà Mai phát biểu.
Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) dẫn chứng số liệu nghiên cứu của bệnh viện K cho hay mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 đến 200.000 bệnh nhân ung thư. 35% trường hợp, tức khoảng 50.000 đến 70.000 người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm có hóa chất độc hại.
Đề cập thực trạng chung, đại biểu Kim Bé (Kiên Giang) nói "những hành vi chế biến, kinh doanh gian dối đã đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân". Lo ngại ảnh hưởng lớn đến duy trì nòi giống, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thậm chí so sánh nguy cơ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động hơn cả đại dịch AIDS hay tai nạn giao thông.
1 cái xúc xích, 5 bộ quản lý
Tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động khiến các đại biểu "truy" trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các bộ, ngành.
Không đại biểu nào chấp nhận tình trạng hiện có tới 5 bộ chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng về thực phẩm nhưng không có quy định nào nêu rõ vai trò, trách nhiệm "nhạc trưởng".
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Nhạc trưởng, nhạc công ai đúng, sai cái gì sẽ được kiểm điểm để làm tốt hơn". Ảnh: TSơn |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé ví von "một con gà, một mâm cơm của người dân có tới 5 bộ chức năng quản lý", "một công việc mà nhiều chủ thể quản lý sẽ dễ dẫn đến đùn đẩy, giống như câu nói dân gian là "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoc học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang cho rằng ví von"một cái xúc xích hay một con gà có 5 bộ quản lý" chỉ là "cách nói ấn tượng". Nhưng ông Vang thừa nhận, trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn, thực phẩm, nhất thiết phải có một nhạc trưởng là Bộ trưởng Y tế.
Bộ trưởng: Trách nhiệm vô hạn nhưng quyền hữu hạn
Thay mặt Chính phủ phát biểu sau một ngày lắng nghe đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận những thiếu sót, yếu kém trong quản lý về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Cam kết sẽ kiểm điểm trách nhiệm về những yếu kém trong quản lý, Bộ trưởng khẳng định: "Nhạc trưởng, nhạc công ai đúng, sai cái gì sẽ được kiểm điểm để làm tốt hơn".
Tuy nhiên, ông Triệu trần tình: "Một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng có một số tâm tư là trách nhiệm và quyền hạn đôi chỗ còn chưa tương xứng, chưa đồng bộ. Trách nhiệm là vô hạn, nhưng quyền là hữu hạn, chưa nói đến điều kiện hoạt động rất thiếu thốn".
"Thực sự các thành viên Chính phủ cũng rất có tự trọng, cũng rất day dứt, đau khổ khi công việc chưa tốt. Có những cái làm chưa tốt trước dân cũng rất day dứt, rất đau khổ chứ không phải không có trách nhiệm", Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Quốc Triệu kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, giao cơ chế rõ ràng giữa các cơ quan liên ngành quản lý, nếu không, "ngành nọ chỉ huy ngành kia rất khó".
Đối với các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, việc nhập lậu gia cầm, thực phẩm tươi sống, sản phẩm động vật qua biên giới vào nội địa vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc nhập lậu các nội tạng của động vật. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng lại mỏng, nên việc đấu tranh ngăn chặn thực phẩm nhập lậu gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cửa khẩu còn thiếu trầm trọng, nguy cơ dịch bệnh rất lớn. ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) |
-
Xuân Linh