- Trong 2 ngày rưỡi chất vấn sẽ diễn ra cuối tuần tới, nhiều đại biểu QH cho hay sẽ tiếp tục hỏi các bộ trưởng về những vấn đề "cũ": vụ PCI, bảo vệ rừng thượng nguồn ở Tây Nguyên... Thậm chí, có những câu hỏi đã được nêu cho nhiệm kỳ Chính phủ trước. "Bộ trưởng cũ đã về nghỉ rồi, bộ trưởng mới lên thay thì vẫn phải hỏi lại".
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Xử lý vụ PCI còn chậm
Tôi sẽ tiếp tục chất vấn về vụ PCI (vụ hối lộ quan chức của Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương, Nhật Bản trong dự án dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM).
ĐB Nguyễn Minh Thuyết muốn Chính phủ báo cáo kết quả vụ PCI trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Tại kỳ họp trước, tôi đã chất vấn Thủ tướng và ông đã trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo xử lý vụ PCI. Điều này đã tạo lòng tin cho các đối tác của Việt Nam ở nước ngoài cũng như nhân dân. Nhưng việc điều tra thời gian qua quá chậm.
Tất nhiên, chúng ta hiểu đây là một vụ án phức tạp, không thể đốt cháy giai đoạn nhưng theo tôi, ít nhất cũng phải có những kết quả rõ rệt để nhân dân thấy và báo cáo trước kỳ họp QH này.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Nếu cần, sẵn sàng chất vấn 10 lần
"Kỳ họp này là lần thứ 3 liên tiếp tôi sẽ chất vấn về việc bảo vệ rừng thượng nguồn ở Tây Nguyên. Nếu có hỏi 10 lần, tôi vẫn tiếp tục hỏi, cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để", ông Xuân khẳng định.
ĐB Nguyễn Đình Xuân: Có những công ty chỉ 4 ngày tuổi mà được giao hơn 10 nghìn hecta rừng. Ảnh: VA
Điều gì khiến ông "truy" tiếp vấn đề này với Chính phủ?
- Vì vấn đề tôi chất vấn vẫn còn nằm trên giấy, chưa được giải quyết triệt để, chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chúng ta đang triển khai trồng 100 nghìn hecta cao su ở Tây Nguyên. Như thế, phải chặt 60 nghìn hecta rừng đang có. Rừng còn đa dạng sinh học, còn che phủ tốt hơn mấy lần cái gọi là rừng cao su mà chẳng có gì trong đấy cả, hơn nữa sở hữu chung lại chuyển sang sở hữu tư. Việc này tôi đã chất vấn khá nhiều lần.
Thực tế đã có những động thái ứng xử thận trọng hơn, đặc biệt là trong vấn đề giao đất, giao rừng cho các công ty tư nhân, các công ty cổ phần. Có những công ty mới chỉ 4 ngày tuổi mà được giao hơn 10 nghìn hecta. Việc phá rừng ở thượng nguồn nguy cơ rất rõ ràng là lũ ống, lũ quét.
Nguy cơ lớn đó và trách nhiệm cần thiết để giải quyết vấn đề này đến cùng ra sao, thưa ông?
- Tôi vừa gõ xong một câu hỏi cho bộ trưởng là nếu những nguy cơ đó trở thành sự thật sau khi đã được cảnh báo rất nhiều lần thì ai là người chịu trách nhiệm? Những sinh mạng bị chết, những tài sản bị cuốn trôi do thiên tai hay là có trách nhiệm quản lý Nhà nước, mà chính xác là của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?
Cách đây khoảng 5 năm, tôi có đặt câu hỏi làm sao để bảo vệ rừng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua đường Trường Sơn. Câu trả lời lúc đó rất dài dòng, chung chung, kết quả là hiện nay đang báo động về việc mất rừng hai bên đường.
Từ những nhiệm kỳ trước kéo dài đến nhiệm kỳ này có những cam kết, những biện pháp nhưng những biện pháp đó không thành sự thật. Bộ trưởng cũ đã về nghỉ rồi, bộ trưởng mới lên thay thì vấn đề vẫn phải hỏi lại.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk): Không phải bộ trưởng không nhớ lời hứa
"Tôi gửi câu hỏi đề nghị Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước châu Âu, châu Á, vốn bày tỏ sẵn sàng giúp Việt Nam làm một chương trình giáo dục ổn định, có tính hội nhập quốc tế, rồi mới sửa sách giáo khoa.
Tôi nhận được câu trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng rằng "mình phải có cái bản sắc riêng của chương trình học, tuy nhiên vẫn tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, còn phải sau năm 2015 mới sửa chương trình". Bộ trưởng đã không trả lời câu hỏi của tôi về việc "có chương trình tốt thì mới sửa sách giáo khoa".
ĐB Nguyễn Lân Dũng: Khâu mắc nhất là giám sát. Ảnh: VA
Chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, ông sẽ tiếp tục nêu vấn đề này như thế nào?
- Tại phiên chất vấn sắp tới, tôi sẽ hỏi lại việc có nên in nhiều bộ sách giáo khoa khi chương trình chưa ổn định không, mà đợi đến năm 2015 mới sửa chương trình thì có chậm quá không? Việc sửa chương trình có quá khó hay không? Theo tôi, khi mình đã nhờ các nước, họ gửi cho mình chương trình tham khảo thì việc đó đâu quá khó?
Tôi cũng sẽ nêu việc chương trình học chưa ổn định nhưng lại in nhiều bộ sách giáo khoa, gây lãng phí rất lớn. Các hội chuyên ngành đã góp ý rất nhiều về chương trình học hiện nay. Ví như cùng tuổi với trẻ em nước ngoài, nhưng chương trình học của trẻ em ở nước ta lẽ ra phải được thiết kế phù hợp, xấp xỉ, tại sao có cái nặng quá, có cái nhẹ quá? Bộ trưởng cũng không trả lời câu đó trong văn bản.
Là một trong những ĐBQH kỳ cựu, tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ nhiều lần trong các kỳ họp, ông nhận xét thế nào về những cam kết tại nghị trường và hành động hậu nghị trường của Chính phủ đối với những vấn đề cử tri nêu?
- Thực ra, Chính phủ đã rất quan tâm đến các vấn đề được đưa ra chất vấn và có thái độ trả lời nghiêm túc. Nhưng những vấn đề mà cử tri quan tâm vẫn còn đó.
Nói bộ trưởng không nhớ lời hứa cũng không đúng. Ông cũng nhớ nhưng làm chưa được. Kết quả chưa được đó còn phụ thuộc vào sự chuyển động chung của cả xã hội. Nhiều thể chế phải được luật hóa và phải có sự giám sát. Hiện nay khâu mắc nhất là giám sát. Không biết giao giám sát cho ai. Dự kiến giao giám sát cho Mặt trận Tổ quốc thì cũng chưa có thể chế.
-
Xuân Linh