- Với những yêu cầu bổ sung rất ngặt nghèo, khắt khe, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN chắc chắn phải tính toán lại các công nghệ và bổ sung kinh phí - Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường trình bày trước Quốc hội sáng nay (27/5).
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
Xử lý bùn đỏ
Những yêu cầu "ngặt nghèo và khắt khe" mà Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói liên quan trước hết đến vấn đề hoàn thổ.
Bộ đề nghị chia ra khai thác với 3 quy mô 7 ha, 10 ha, 20 ha và sau mỗi một quy mô thì hoàn thổ ngay. Sau đó sẽ khai thác tiếp. Thứ hai, toàn bộ đất đai sau khi đã tuyển thành quặng tinh thì lại mang hoàn thổ trộn với đất bùn và với những đất mùn khác.
Bộ TN&MT cũng đang chia ra các lô để làm sao trên lô có ít cây hoặc những cây không mọc được thì sẽ khai thác trước. "Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thành lập một công ty lâm sinh và đã cùng với UBND tỉnh Lâm Đồng lấy đất, chuẩn bị làm thí điểm", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (đứng): Sẽ lập giám sát ngay từ đầu dự án khai thác thí điểm bô-xít. Ảnh: TTXVN |
Giải tỏa lo lắng của nhiều đại biểu QH về việc khi tuyển quặng tinh, nước đỏ sẽ chảy và ảnh hưởng xuống vùng hạ lưu của miền Trung và Đông Nam Bộ, ông Nguyên giải thích: "Bộ TN&MT đã thẩm định và làm rất kĩ, toàn bộ nước thải sẽ được thu hồi, tái hoàn lại không để tình trạng nước đỏ và chảy xuống dưới vùng, đạt tiêu chuẩn cấp B".
Đối với vùng bùn đỏ, Bộ trưởng Nguyên nói, Công ty tư vấn của Pháp sang khảo sát đã cho rằng toàn bộ thung lũng cạnh khu Tân Rai, khi vét đất xong, lớp bao bì với đất sét ở dưới hoàn toàn có thể thải bùn đỏ được.
Trao đổi với VietNamNet bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho hay, những ý kiến đóng góp tại hội trường rất chân thành, nhiều sáng kiến tốt, đóng góp cho Chính phủ. Những băn khoăn của các đại biểu về những nội dung mà báo cáo Chính phủ về bô-xít chưa thỏa mãn đều đã được Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên giải đáp. Nếu QH và Thường vụ QH có Nghị quyết yêu cầu, Chính phủ sẽ có báo cáo cụ thể hơn, giải thích kỹ hơn, còn nếu QH thấy đã đầy đủ rồi, cạn nguồn rồi, không cần phải nói lại. |
Nhưng sau khi kiểm tra, Bộ TN&MT thấy kiến nghị của công ty tư vấn này "chưa đủ điều kiện" và đã "yêu cầu TKV làm thêm một số việc kỹ thuật để giải quyết vấn đề bùn đỏ". Trong đó, thiết kế để thi công bảo đảm độ động đất trên cấp 7, thay vì cấp 5 như thiết kế ban đầu.
"Tuy nhiên, cách giải quyết bùn đỏ này là của những công nghệ và của kỹ thuật trước năm 2000. Gần đây các nước như Trung Quốc, Brazin hoặc Úc đã nghiên cứu và đã tạo ra công nghệ hoàn toàn sử dụng bùn đỏ này để: Một là để tận thu sắt vì trong bùn đỏ này tới 45 hoặc tới 50% Fe2O3 tức là ôxit sắt và những loại khoáng sản khác có dính ở trong này. Chính vì vậy về vấn đề bùn đỏ, chúng tôi đã cho chạy mô hình như vậy cơ bản đã giải quyết được", Bộ trưởng giải thích.
Không chỉ 25 triệu USD
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh 3 việc phải làm tiếp.
Thứ nhất, TKV phải tính toán lại vốn đầu tư. "Với vốn đầu tư trước đây thì TKV tính toán đầu tư cho Tân Rai khoảng 25 triệu USD để giải quyết toàn bộ vấn đề về môi trường. Nhưng với những yêu cầu bổ sung và với những yêu cầu rất ngặt nghèo, khắt khe như thế này thì TKV chắc chắn phải tính toán lại các công nghệ của mình và sẽ phải bổ sung kinh phí".
Thứ hai, Bộ TN&MT đã thành lập một tổ chuyên giám sát tất cả các hạng mục của công trình này.
"Chúng tôi thành lập tổ giám sát ngay từ khâu thiết kế, thi công và các khâu hoàn thành từng bước một. Ví dụ nếu khai thác 10ha mà không hoàn thổ thì dứt khoát tổ giám sát này sẽ không cho mở mỏ để khai thác tiếp".
Liên quan đến môi trường, ông Nguyên thừa nhận đây là việc "hết sức phức tạp" và "cũng rất nhạy cảm" ở một vùng cao nguyên cao và lượng mưa hàng năm tới 2.000 - 2.800mm nước.
Khẳng định "đã tiếp thu đầy đủ" ý kiến của "rất nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học", người đứng đầu ngành cam kết: "Bộ TN&MT được sự chỉ đạo của Thủ tướng sẽ cố gắng và làm tốt nhiệm vụ của mình để Tân Rai - Nhân Cơ sẽ là những mô hình thực hiện tốt vấn đề môi trường, để sau này nhân rộng ra".
-
Xuân Linh - Lê Nhung