221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1203998
Nhà ở cho Việt kiều: Cởi ra, sao còn tính trói vào?
1
Article
null
Nhà ở cho Việt kiều: Cởi ra, sao còn tính trói vào?
,

 - Số lượng nhà Việt kiều được phép mua và quyền của chủ sở hữu với ngôi nhà đó là các vấn đề thu hút ý kiến thảo luận của các ĐBQH trong phiên thảo luận tổ chiều 22/5.

"Kỹ năng đặc biệt là gì?"

Liên quan đến các đối tượng được mua nhà theo Luật được điều chỉnh lần này, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng còn quá nhiều chi tiết mang tính “định lượng”, thậm chí là “vô định”: người có kĩ năng đặc biệt, người có công…

ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng đề nghị nới một số quyền cho Việt kiều. Ảnh: VA

Đồng tình,  ĐB Phạm Thị Loan hỏi: “Kĩ năng đặc biệt là gì? Ai cũng có thể tự nhận là mình có kĩ năng đặc biệt và tôi tin, ai cũng có”.

Ông Quyền cho rằng, cần đưa ra các định nghĩa rõ ràng về các khái niệm này, để dễ hơn cho thực hiện cũng như hướng dẫn. Nếu không, hướng dẫn để đạt đồng thuận không đơn giản.

Hơn nữa, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng cho rằng Luật Đất đai sửa đổi chưa đề cập rõ vấn đề nhiều người trước khi đi nước ngoài đã có nhà ở Việt Nam mà hình như chỉ điều chỉnh đối tượng là Việt kiều sắp mua nhà.

Không quản người nước ngoài, sao lo Việt kiều?

Liên quan đến số lượng nhà được mua và quyền với căn nhà đó, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói đã xem Việt kiều là bộ phận không tách rời của dân tộc, nên cần được xem xét công bằng và bình đẳng. Chuyện hạn chế họ mua nhiều nhà để ngăn mua bán, chuyển nhượng nhà đất là không cần thiết.

“Tại sao người nước ngoài vào, Kaengnam, Ciputra, lấy đất của ta, xây nhà, bán giá cao… thì không lo quản lí, hạn chế, mà lại sợ vài Việt kiều lợi dụng mua nhà đem bán?”, ông Đào nêu câu hỏi.

Hơn nữa, khi mua nhà, họ cần được trao cả quyền bảo lãnh về tài sản và quyền được góp vốn.

“Muốn cởi trói thì phải đến tận cùng vấn đề… Cho phép Việt kiều mua nhà rồi lại hạn chế số lượng nhà được mua, hạn chế quyền của họ, thì khác nào chúng ta mở ra rồi lại trói vào”, ông Đào nói.

Theo ông Đào, có nhiều cách để hạn chế chuyện chuyển nhượng, bằng chính sách thuế chẳng hạn.

Chia sẻ ý kiến này, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) bổ sung quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi. “Bà con mua nhà đấy, lỡ Nhà nước thu hồi và không bồi thường, thì nguy hiểm lắm”, bà Loan nói.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nêu cụ thể, Quốc hội nên xem xét nới rộng một số quyền của Việt kiều quy định trong điều 106, tức là họ phải được bồi thường khi Nhà nước thu hồi.

TS. Trần Du Lịch đồng tình và kiến nghị, trong khi điều 105, 107 Luật Đất đai sửa đổi áp dụng chung cho cả đối tượng Việt kiều thì tại điều 106 chỉ áp dụng 1 khoản là Việt kiều được cho thuê nhà khi không ở.

"Điều đó là vô lý vì họ đã bỏ tiền ra mua nhà, giá trị nhà phải gắn liền với đất. Như vậy, họ phải được Nhà nước bồi hoàn khi thu hồi", ông Lịch nói.

Theo ông Đào, cởi trói như vậy thì “may ra vài ba năm nữa mới có vài trăm người mua nhà” bởi đất của Việt Nam “đắt vô cùng”.

Nhất trí về chủ trương mở rộng quyền cho Việt kiều liên quan đến vấn đề nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền nói thêm: Về số lượng nhà được phép mua, thì có nhóm đối tượng khác nhau. Với người mang quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam, thì đối xử giống với người Việt trong nước. Còn người gốc Việt Nam nhưng không còn quốc tịch nữa, thì phải có sự phân biệt, chỉ được mua một nhà ở riêng rẽ hoặc nhà chung cư.

Về quyền với nhà ở đó, cũng có ý kiến nói rằng do trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt kiều khác với người trong nước, và cũng cần hạn chế chuyện mua đi bán lại.

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đúng là Việt kiều là chủ thể sở hữu đặc biệt, “việc hạn chế một số quyền, nếu nói có được không, thì câu trả lời là được. Nhưng có nên không? Câu trả lời là không”.

  • Hoàng Phương - Hà Yên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;