- Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay đã chuẩn bị để trả lời trước Quốc hội về vấn đề khai thác bô-xít. Vấn đề môi trường là hoàn toàn giải quyết được.
>> Đại dự án bô-xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
Theo Bộ trưởng Nguyên, Việt Nam có trữ lượng bô-xít đứng thứ hai trên thế giới, theo khảo sát là 6 tỷ tấn, sắp tới có khả năng lên 8 tỷ. Các điều kiện để khai thác nguồn tài nguyên này rất thuận lợi.
Còn quan ngại về công nghệ
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (trái): Báo cáo đánh giá môi trường mà chưa được duyệt thì chưa khởi công dự án. Ảnh: LN
Đi khảo sát dự án thí điểm khai thác bô-xít Nhân Cơ, Bộ TN-MT đã yêu cầu phải hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, Bộ yêu cầu phải bổ sung những nội dung gì? Bao giờ chủ đầu tư phải hoàn thành?
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án Nhân Cơ đã được trình hội đồng một lần rồi nhưng chưa được thông qua, phải điều chỉnh, bổ sung 8 điểm.
Sau khi bổ sung xong, hội đồng có duyệt hay không thì bây giờ phải đợi, đó là nguyên tắc. Hiện họ (Tập đoàn Than Khoáng sản VN - TKV - PV) đang bổ sung nhưng chưa trình lại.
Vấn đề thứ nhất là điều kiện hoàn thổ như thế nào, tôi sẽ trả lời trước Quốc hội nghe cho đầy đủ hơn. Vấn đề thứ hai là về xử lý bùn đỏ, bãi chứa bùn đỏ.
Vấn đề thứ ba là nước, đặc biệt là khi vào mùa mưa xuống nước chảy, các khu lọc nước chưa đạt tiêu chuẩn. Tiếp nữa là phải xem xét tiếp tiêu chuẩn nước thải. Tiêu chuẩn của anh phải là nước thải đạt loại B, anh có cam kết được hay không thì tôi cho làm, còn công nghệ thì tốn nhiều nước lắm.
Bộ có đưa ra khuyến cáo nào về xử lý ô nhiễm môi trường?
- Vấn đề môi trường là hoàn toàn giải quyết được.
Với những thẩm định của Bộ, với những yêu cầu đưa ra và TKV cam kết là làm được. Chỉ có một số quan ngại về công nghệ và kỹ thuật, hai là về vốn đầu tư.
Nếu chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường thì liệu khả năng khởi công dự án Nhân Cơ có bị chậm?
- Chậm hay không thì không biết nhưng khi báo cáo đánh giá môi trường mà chưa được duyệt thì chưa được khởi công.
Như vậy, sau khi dự án được phê duyệt, Bộ TN-MT sẽ giám sát như thế nào? Bởi theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH, rất cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ thiết kế, xây dựng và vận hành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường?
- Chúng tôi sẽ thành lập một tổ giám sát bao gồm cả Bộ Tài nguyên - Môi trường, TKV, đại diện của tỉnh và của cả nhà máy để giám sát từ khâu bắt đầu chuẩn bị khởi công xây dựng.
Quy hoạch kỹ thăm dò, khai thác khoáng sản
Tại phiên khai mạc Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói, để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, chú ý công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản. Lựa chọn công nghiệp khai thác khoáng sản làm điểm mạnh có phải là khôn ngoan trong bối cảnh này?
- Ngày xưa, trong sách giáo khoa lúc nào cũng nói rằng Việt Nam khoáng sản đa dạng, nhưng trữ lượng thấp. Khi đó trình độ công nghệ, kinh phí, đội ngũ cán bộ.. chưa tìm kiếm, thăm dò, làm quy hoạch được như bây giờ, chỉ chân đất mà đi thăm dò.
Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây với công nghệ hiện đại, chúng ta đã phát hiện ra Việt Nam có 7 loại khoáng sản đứng nhất nhì thế giới.
Đó là đá vôi và đá trắng; thứ 2 là bô-xít; thứ 3 là than. Trước đây chỉ nói đến than Quảng Ninh, những hiện giờ có than của đồng bằng sông Hồng. Rồi titan, đất hiếm, phóng xạ....
Chúng ta sẽ có một chiến lược khai thác tài nguyên khoáng sản của Việt Nam, coi đây như một nguồn lực rất lớn đóng góp cho phát triển kinh tế.
Vừa rồi, chúng ta cũng đã khai thác. Nhưng khoáng sản khác với những cái khác, phải có quy hoạch kỹ, nhiều khi những cái ta nhìn thấy trên mặt đất chưa phải là lớn mà cái nằm trong lòng đất mới là nhiều.
Qua đánh giá khoa học, bây giờ Việt Nam phải quy hoạch, khảo sát lại khoáng sản. Ở đây không chỉ quy hoạch khai thác mà phải là quy hoạch thăm dò đánh giá cho hết trữ lương đi. Đánh giá rồi mới quy hoạch khai thác, chế biến. Từ đó dùng trong nước bao nhiêu và xuất khẩu là bao nhiêu, sẽ tính tiếp.
Thứ hai, trước đây ta chủ yếu xuất thô. Bây giờ xu hướng chung của các nước có mỏ hiện nay là khai thác đi đôi với chế biến. Nếu ta xuất thô 1, đầu tư tốt thì chế biến hiệu quả gấp 10 lần. Hiệu quả kinh tế cao, mở mang được rất nhiều ngành nghề, công ăn việc làm cho xã hội, tạo ngành công nghệ cho đất nước.
Trước đây, vì ta chưa hội nhập nên chưa biết khoảng sản là bao nhiêu. Nhưng bây giờ hội nhập rồi thì khoáng sản của ta rất có giá trị.
Trong khoảng thời gian 50 - 100 năm, thế giới khai thác hết các dạng khoáng sản rồi, cạn kiệt rồi, thì Việt Nam còn khoáng sản, đó là một thế mạnh. Nói như thế không phải là khai thác một cách bừa bãi mà ta phải có quy hoạch. Quy hoạch này sẽ chia ra từng bước, từng loại khoáng sản, loại nào khai thác đến đâu.
-
Lê Nhung - Vân Anh