- Bên lề cuộc họp toàn thể Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội kết thúc hôm nay (8/5) tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho hay, thời gian tới sẽ huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời giảm tỷ trọng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này.
Giảm chi xây dựng cơ bản
Thưa ông, dự kiến từ năm 2010, sẽ thực hiện giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản để giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước. Nhưng Chính phủ sẽ dùng biện pháp gì để giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản?
Ảnh: VnMedia
Theo nguyên tắc, bội chi là do mình đi vay. Vay thì không thể dùng cho chi thường xuyên được mà sẽ dùng vào việc đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng cơ bản. Khi mình giảm bội chi thì phần vay cho đầu tư sẽ giảm.
Để làm được việc này, về lâu dài, Chính phủ phải cơ cấu lại ngân sách. Hiện nay ngân sách rất eo hẹp, nhưng cơ cấu ngân sách vẫn chưa hợp lý. Phần chi cho giáo dục, an sinh xã hội, cho khoa học… còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Chúng ta phải huy động được nguồn lực xã hội vào đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời giảm tỷ trọng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực này.
Trước đây, trong việc chi cho đầu tư xây dựng cơ bản như đường xá, cầu cống… hoàn toàn lấy từ ngân sách Nhà nước. Sắp tới, sẽ xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ bản. Hệ thống đường cao tốc, hệ thống cảng biển cũng có thể cho doanh nghiệp đầu tư vào dưới các hình thức khác nhau như BOT, BT…
Có nghĩa là cho tư nhân, các thành phần kinh tế trực tiếp tham gia vào đầu tư xây dựng cơ bản. Nhà nước chỉ là người quản lý, không phải bỏ tiền ra đầu tư mà vẫn có hạ tầng.
Phần ngân sách trước đây, lẽ ra phải dùng vào đầu tư xây dựng cơ bản, giờ dành để đầu tư vào an sinh xã hội, giáo dục, y tế…
Chấm dứt đầu tư dàn trải
Thời gian tới sẽ yêu cầu tạm dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện các dự án xây dựng chưa đủ thủ tục, chưa có khả năng hoàn thành?
Hiện chúng ta có hàng trăm nghìn dự án từ cấp trung ương tới địa phương. Nhưng nguồn vốn của chúng ta có hạn. Thời gian tới, các cơ quan quản lý phải rà soát lại các dự án để đầu tư tập trung.
Những dự án kéo dài nhiều năm sẽ phải tập trung vốn đầu tư cho xong, không thể để tình trạng này kéo dài. Ngoài ra, những đơn vị đầu tư chưa đủ thủ tục sẽ tạm thời không được bố trí vốn.
Không bố trí vốn thì có nghĩa là không thể triển khai. Bao giờ đủ thủ tục và đầu tư xong hạng mục trước thì mới được cấp vốn đầu tư tiếp theo.
Có nghĩa là sẽ đầu tư tập trung và dứt điểm. Không thể để tình trạng đầu tư dàn trải tiếp diễn trong thời gian tới.
Phân cấp mạnh cho địa phương
Trung ương sẽ phân cấp mạnh hơn cho bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc bố trí, điều chuyển vốn giữa các dự án thuộc các lĩnh vực có trong danh mục đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ?
Đây thực chất là biện pháp cải cách thủ tục hành chính. Trước đây, việc này các cơ quan trên không được phép làm, tiền cho dự án A là chỉ dành cho dự án A. Bây giờ có thể linh động điều chuyển vốn giữa các dự án với nhau. Ví dụ dự án A triển khai chậm thì những cơ quan này có thể lấy số tiền của dự án A chuyển sang cho dự án B để làm dứt điểm dự án B.
Tuy nhiên, phân cấp cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Làm như vậy, tính hiệu quả của đồng tiền sẽ cao hơn và thời gian quyết định nó sẽ nhanh.
Được biết, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, sắp tới các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ phải thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết. Cụ thể là cắt giảm những gì, số tiền cắt giảm này sẽ được sử dụng vào việc gì, thưa ông?
Đây cũng là vấn đề thuộc trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Ví dụ hội họp cũng phải cắt giảm, đi công tác trong nước cũng như nước ngoài phải tính toán lại, rồi những việc chi tiêu chưa thực sự cần thiết, chưa thực sự cấp bách có thể lùi lại để tập trung cho yêu cầu khác như dành tiền đó chi cho người nghèo, những người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái kinh tế bị mất việc làm.
-
Đoàn Quý - Xuân Linh