- Người dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La chậm được nhận tiền đền bù, số tiền đền bù thấp hơn nhiều giá trị tài sản mất. Trong khi đó, họ phải sống trên diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất lượng đất xấu hơn và chưa rõ phải chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp như thế nào.
Đây là kết quả giám sát "Việc thực hiện di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La" do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa thực hiện. Minh họa sinh động cho những kết luận này tại phiên thảo luận sáng nay (14/4) tại UBTVQH là các thước phim phóng sự về đời sống người dân khu tái định cư.
Buông lỏng kiểm tra
Các thành viên trong đoàn giám sát cho hay, đa số dân ở khu tái định cư đều than giá trị tài sản bị mất lớn hơn nhiều so với số tiền được đền bù. Nhưng vì dòng điện của đất nước, họ sẵn sàng chấp nhận.
Một góc khu tái định cư Nậm Cản, Mường Lay. Ảnh: Minh Huyền
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc K’sor Phước làm phép tính, Nhà nước bồi thường 50 - 70 triệu đồng để làm nhà mới nhưng chi phí xây nhà lên tới 200 - 300 triệu.
Trong khi đó, nhiều tài sản khác của dân bị mất mát, thiệt hại không tính xuể. Dân đã canh tác trên đất sản xuất lúa hàng trăm năm, nay chuyển đến nơi đất xấu, diện tích hẹp hơn, lại phải thay đổi tập quán sản xuất.
Trong khi việc làm Thủy điện đã lấy đi phần đất tốt nhất cho trồng trọt thì việc giao đất sản xuất cho dân ở nơi tái định cư mới đạt gần 40%. Ở 11 điểm tái định cư mà UBTVQH đến, đều chưa có các phương án phát triển sản xuất.
Ông K’sor Phước phản ánh, dân lo lắng về khả năng chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Do thiếu diện tích đất trồng lúa, các địa phương dự kiến sẽ chuyển sang trồng cây công nghiệp hoặc cây ngắn ngày như sắn, ngô và sang các ngành nghề phi nông nghiệp.
Nhưng, do chủ trương chuyển hướng sản xuất không rõ ràng nên đa số người dân đều than thở, ngoài chăn nuôi, không biết làm gì. Trong khi đó, diện tích đất mới đều nhỏ hơn hoặc bằng 400m2/hộ và bố trí kề sát nhau nên việc nhốt trâu bò, gia súc, gia cầm và làm vườn phát triển kinh tế phụ gia đình đều bất khả thi.
Ngay báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra, tái định cư quan trọng nhất là kiến tạo cuộc sống mới bền vững thì hầu hết số tiền đầu tư đều tập trung cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng (chiếm gần 85%). Chỉ có 4,8% đầu tư phát triển sản xuất và đời sống. 8.107 hecta diện tích đất trồng lúa nước đã ngập dưới lòng hồ.
Ông K’sor Phước kết luận, dân chưa bằng lòng về số tiền cũng như tiến độ đền bù, hỗ trợ là do việc thanh tra, kiểm tra còn bị buông lỏng. "Số tiền lớn, đối tượng phức tạp, địa bàn rộng lớn, tỉnh thì tập trung thiết kế, di dời còn các bộ cũng mới đi kiểm tra hướng dẫn thực hiện chứ chưa thanh tra, kiểm tra", ông Phước nói.
Nhận lỗi với Quốc hội về việc chậm trễ đền bù cho dân, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: "Công tác di dân vừa qua chủ yếu thừa vốn, giải ngân chậm. Đây là do cán bộ địa phương làm chậm, thủ tục giấy tờ phức tạp. Yêu cầu các tỉnh kiểm tra ngay, không để tình trạng dân di dời mấy năm rồi mà vẫn chưa được đền bù".
Hỗ trợ hậu tái định cư ít nhất 5 năm
Theo kế hoạch, quý 4/2010, tổ máy phát điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Việc di dân phải hoàn thành trước tháng 7/2010. Nhưng đến tháng 12/2008, mới di chuyển 12.846/20.849 hộ, đạt 61,6% kế hoạch.
TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhẩm tính, chỉ riêng quý I/2009 đã di dời được 1.00 hộ, còn lại hơn 6.000 hộ. Trừ 5 tháng mùa mưa, trong 7 tháng còn lại, vẫn giữ tiến độ 1.000 hộ/tháng là đạt mục tiêu.
Hoan nghênh đoàn giám sát đã đề xuất cơ chế, chính sách gỡ vướng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói, trong cuộc họp tháng 6 sắp tới, Ban chỉ đạo sẽ thảo luận về những đề xuất này. Trước mắt, do cơ chế vốn cho tái định cư để đầu tư xây dựng các đô thị (thị trấn, thị xã) còn chưa rõ ràng, Chính phủ sẽ có phương án giải quyết.
Ngoài ra, đoàn giám sát UBTVQH cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hậu tái định cư để có các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất trong thời gian ít nhất 5 năm và giám sát các nguồn vốn.
Di dân tái định cư Dự án thủy điện Sơn La là công việc khó khăn. Vùng thực hiện dự án rộng, địa hình phức tạp, mùa mưa kéo dài. Quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp rất ít, nhất là đất canh tác lúa nước. Số hộ phải di dời lớn mà chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, tập quán sản xuất khác nhau. Ngoài ra, đây cũng là dự án có số hộ phải di dời lớn nhất từ trước đến nay.
Có gỡ được những vướng mắc trên, công trình trọng điểm quốc gia này mới hoàn thành tiến độ, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
-
Lê Nhung