- Kết luận hội thảo khoa học về các dự án bô-xít Tây Nguyên ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tiếp tục triển khai thí điểm dự án Tân Rai trên cơ sở tăng cường giám sát. Riêng dự án Nhân Cơ, Chính phủ phải đợi có báo cáo tác động môi trường bổ sung mới có thể xem xét triển khai tiếp. Chính phủ cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành bô-xít và đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các dự án này. Việc có thêm các dự án bô xít mới phải chờ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) theo quy định của Luật môi trường hoàn thành.
>> Đại dự án bô xít Tây Nguyên và ý kiến nhiều chiều
Đây cũng là kiến nghị của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật (VUSTA) cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giới chuyên gia độc lập trong các phản biện trước đó và tại hội thảo.
"Không phát triển với bất cứ giá nào"
Với 11 báo cáo khoa học và 23 ý kiến thảo luận, các đại biểu đã cùng mổ xẻ hiệu quả kinh tế, tác động môi trường - văn hóa - xã hội của các dự án bô-xít Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Không thể phát triển bằng mọi giá". Ảnh: Giang VT
Qua hội thảo, có thể thấy còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến chương trình bô-xít Tây Nguyên. Mặc dù việc nghiên cứu triển khai đã bắt đầu từ năm 1990 ở Tân Rai, nhưng sau mấy chục năm vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt, liên quan đến công nghệ, hiệu quả kinh tế và thị trường, Phó Thủ tướng nhận xét.
Ông Hoàng Trung Hải khẳng định, chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumina ở nước ta là đúng đắn và được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10. Việt Nam có nguồn tài nguyên bô-xít lớn, có tiềm năng để hình thành ngành công nghiệp khai thác, sản xuất alumina lớn.
“Tuy nhiên, không thể phát triển bằng mọi giá. Để phát triển thành công các dự án bô-xít, cần có giải pháp quản lý, thực hiện chặt chẽ và hiệu quả và không để tiềm năng này biến Tây Nguyên thành đói nghèo”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Nếu lỗ thì nhất định không làm"
Ông Hoàng Trung Hải thừa nhận rằng, trong điều kiện hiện nay khó có dự báo chính xác, nhưng theo báo cáo của TKV với tư cách là chủ đầu tư, dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động sẽ có lãi là 10,59%, dự án Tân Rai sẽ có lãi 12,45%.
Tuy nhiên, "nhiều ý kiến còn nghi ngại về hiệu quả của dự án nên sẽ giao Bộ Công thương đánh giá lại toàn diện 2 dự án, báo cáo Thủ tướng vì vấn đề bô xít được Thủ tướng đặc biệt quan tâm", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.
“Nếu lỗ thì nhất định không làm. Có người nói hiệu quả phải tính trên dài hạn, nhưng dù dài hay ngắn hạn cũng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế”, ông Hải cam kết.
Trước phản biện của các nhà khoa học về rủi ro kinh tế và tính khả thi của dự án đường sắt, Phó Thủ tướng cho rằng: Đây là vấn đề lớn cần được xem xét kỹ lưỡng. Dự án đường sắt Tây Nguyên - Bình Thuận hiện nay đang ở giai đoạn lập báo cáo đầu tư, còn nhiều vấn đề chưa rõ, cần xem xét trong cân đối chung tài chính và đầu tư quốc gia.
Nếu thực hiện đường sắt ảnh hưởng đến các tính toán kinh tế của dự án bô-xít thì phải làm lại và có giải pháp xử lý.
Điều chỉnh quy hoạch bô-xít theo hướng cập nhật dự báo
Trước yêu cầu của các nhà khoa học phải cập nhật và thời sự hóa quy hoạch ngành bô-xít trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, giá alumina trên thị trường sụt giảm mạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ: Quy hoạch bô-xít được chuẩn bị trong điều kiện kinh tế thế giới, khu vực phát triển nhanh, nhu cầu nhôm tăng nhanh, do đó dự kiến sản lượng lớn quá tham vọng.
Đến nay, do khủng hoảng, các ngành đều phải xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch theo con số dự báo mới. Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết. Nếu không điều chỉnh mà vẫn tiếp tục dự án thì sẽ không hiệu quả.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ xin tiếp thu và giao Bộ Công thương cập nhật lại với điều kiện hiện nay, nhất là phải có báo cáo môi trường chiến lược.
Đại diện nhà thầu Chalco (Trung Quốc) thuyết trình về công nghệ cho hai dự án. Ảnh: Giang VT
Theo ông Hải, các dự án bô-xít lớn đều trong giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị dự án. Với những dự án có sản lượng 1-2 triệu tấn alumina/năm, sẽ phải trình xin ý kiến Quốc hội.
Dự án Alumina Tân Rai và Nhân Cơ chỉ là các dự án thí điểm để tìm hiểu công nghệ, thị trường. Dự án Tân Rai đã được nghiên cứu từ những năm 90, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi về công nghệ, môi trường v.v. Dự án Nhân Cơ cần phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐMC) điều chỉnh và trình duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc phát triển dự án theo tư duy ngắn hạn, nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng khẳng định, các dự án đều có quá trình chuẩn bị dài, và triển khai trong 30-50 năm.
Ông cũng thừa nhận, không chỉ với quy hoạch bô-xít, mà với nhiều ngành, quy hoạch của chúng ta chưa đáp ứng về đánh giá tác động môi trường chiến lược, do chúng ta chuyển từ phát triển không có quy hoạch sang phát triển có quy hoạch. Điều này được Phó Thủ tướng lí giải là do thiếu vốn lập quy hoạch cũng như cơ quan tư vấn để thực hiện.
“Quy hoạch vẫn đang là vấn đề bất cập của Việt Nam mà Chính phủ đang chỉ đạo chỉnh sửa. Hơn nữa, ta lại phải quy hoạch lại quy hoạch, vì nhiều quy hoạch chồng chéo, không cần thiết và dàn trải”, ông Hoàng Trung Hải cho biết.
Giám sát chặt chẽ quá trình triển khai 2 dự án thí điểm
Trước những quan ngại của các nhà khoa học về việc mất rừng, chiếm đất và chất lượng công nghệ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tăng cường giám sát, phải đảm bảo hiệu quả mong muốn.
Diện tích chiếm đất của 2 dự án thí điểm không lớn (Tân Rai chỉ chiếm 0,29% diện tích của Lâm Đồng và Nhân Cơ là 1,53% diện tích của Đắk Nông); số hộ phải di dân không nhiều, nhưng vấn đề tác động môi trường đối với diện tích còn lại, đất nông nghiệp và đất sinh hoạt cần tính toán kỹ, có giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Chủ đầu tư phải có kế hoạch lấy đất và hoàn thổ cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện giám sát.
Nhà văn Nguyên Ngọc, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và nhiều nhà khoa học nghi ngại: Các nhà đầu tư đều nói những điều hay về xử lý môi trường, công nghệ nhưng trải nghiệm thực tế của Việt Nam lại khác. Vedan khi xây nhà máy cũng có những luận điểm để thuyết phục, nhưng DN tìm lợi nhuận là chính, trong khi năng lực kiểm tra, giám sát của ta quá yếu kém.
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Giang VT
Chia sẻ mối lo trên, Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề quan trọng là khả năng thu xếp tài chính, cân đối hiệu quả kinh tế của dự án, tính nghiêm túc của việc triển khai thực hiện và cần giám sát chặt chẽ.
Mặc dù hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ không thuộc diện dự án phải chịu sự giám sát cấp Bộ (do công suất nhỏ, khoảng 600,000 tấn/năm) nhưng trước những quan tâm, lo lắng của dư luận xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu 5 Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp giám sát chặt chẽ quá trình triển khai các dự án này.
Về vấn đề văn hóa, bản sắc dân tộc, ông Hoàng Trung Hải ghi nhận quan ngại của các nhà khoa học, nghiên cứu rằng những giải pháp đưa ra chưa thật sự an tâm. Phó Thủ tướng khẳng định, vấn đề này quan trọng hơn hiệu quả kinh tế. Cần có giám sát chặt chẽ trong quá trình di dân, tái định cư, đền bù đất đai, đào tạo chuyển đổi nghề, di dân theo nhóm, bản làng v.v...
Kết quả hội thảo sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã có thư gửi hội thảo.
Tiếp thu phản biện của các đại biểu tham dự Hội thảo, Chính phủ giao nhiệm vụ cho: Bộ Công thương: - Nghiên cứu đánh giá tình hình để điều chỉnh quy hoạch, phải thực hiện đánh giá với môi trường chiến lược theo luật định. - Chủ trì và phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường quản lý khai thác khoáng sản, bô-xít. - Thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ chứa bùn đỏ để giảm tác động môi trường. - Kiểm tra tính toán hiệu quả kinh tế của các dự án, đề ra giải pháp đảm bảo hiệu quả kinh tế. Bộ Tài nguyên - Môi trường: - Tăng cường thăm dò, đánh giá trữ lượng bô-xít. - Phối hợp với các địa phương thẩm định quy hoạch đất, kế hoạch hoàn thổ cuốn chiếu, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. - Tham gia cùng Bộ Công thương triển khai quy hoạch mới, tính toán tác động đối với lưu vực sông Đồng Nai. - Phối hợp cùng các địa phương giám sát xem xét việc thực hiện các cam kết môi trường của hai dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: - Giám sát việc thi công và chuyển giao công nghệ dự án. - Phối hợp cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giám sát di dân tái định cư, giám sát tác động môi trường văn hóa, dân tộc và để xuất các giải pháp triển khai. UBND hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông: - Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, chủ trương của Đảng và Chính phủ cho bà con rõ. - Cùng chủ đầu tư thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, quản lý mặt bằng, đền bù di dân tái định cư. Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV): - Tiếp tục triển khai thí điểm dự án Tân Rai. Với dự án Nhân Cơ, phải đợi phê duyệt đánh giá môi trường bổ sung mới được triển khai. - Thực hiện nghiêm túc quản lý khôi phục môi trường khai thác mỏ, giảm thiểu ảnh hưởng đến nông nghiệp, đảm bảo không lãng phí đất. - Tính lại hiệu quả và cân đối tài chính của dự án. Khác với hai năm trước, bây giờ khi đồng vốn là cả một vấn đề, Tập đoàn phải cân bằng, bố trí vốn cho từng giai đoạn đảm bảo hiệu quả kinh tế. - Lập thiết kế kỹ thuật cho hồ chứa bùn đỏ để thẩm định. |
-
Phương Loan - T.Lam