221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1182728
Giảm tăng trưởng, Chính phủ phải cơ cấu lại thu chi
1
Article
null
Giảm tăng trưởng, Chính phủ phải cơ cấu lại thu chi
,

 - Việc Chính phủ dự kiến giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5% và tăng bội chi ngân sách lên 8% GDP là phản ứng tích cực. Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, tài khóa - Ý kiến của chuyên gia kinh tế và đại biểu QH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Lê Quốc Dung:

Lúc đó, QH còn lạc quan...

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Lê Quốc Dung: Đại biểu QH phải được tạo điều kiện để có cơ hội phát biểu, tranh luận, với những ý kiến trái ngược nhau. Ảnh: VA

Tại kỳ họp QH thứ 4 vừa qua, cũng có nhiều ý kiến đưa ra dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Nhưng QH vẫn thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% và bội chi 4,3%?

- Lúc đó QH còn lạc quan, xem xét tình hình và tác động của kinh tế thế giới chưa thấu đáo nên không lường hết khó khăn lâu dài.

Đây cũng là một bài học. Vì nếu dự đoán tốt, cập nhật tình hình và phân tích thông tin tốt thì sẽ tìm ra được con số sát thực hơn.

Đến lúc này, tình hình buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, cắt giảm ngân sách và chi tiêu cho hiệu quả. Cùng với điều chỉnh hai chỉ tiêu này, Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, tài khóa, nguồn tiền. Cái gì đang vênh, phải kê lại.

Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp sẽ phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được QH quyết. Làm thế nào để tránh lặp lại, thưa ông?

- Quan trọng nhất là đại biểu QH phải được cung cấp đủ thông tin, số liệu và Chính phủ nên đưa ra nhiều phương án, tình huống cho QH lựa chọn.

Thứ hai, phải có sự phân tích tình huống thấu đáo. Thứ ba, đại biểu QH phải được tạo điều kiện để có cơ hội phát biểu, tranh luận, với những ý kiến trái ngược nhau.

Ngoài ra, QH phải đổi mới theo hướng mời chuyên gia cung cấp các dự báo tình huống và thông tin để đại biểu trước khi bấm nút có thông tin sống động, thực tế.

Mặt khác, ngoài phương án đã thống nhất, QH vẫn nên xây dựng các phương án dự phòng cho tình huống phát sinh, để giúp cho điều hành của Chính phủ chủ động hơn. Chẳng hạn theo phương án hai, ba thì nên làm từng bước như thế nào? Điều chỉnh, cắt giảm cái gì trước, sau? Tất cả phải như một phương án tác chiến.

Còn để tình hình diễn biến đến đâu, mới đưa ra Quốc hội lấy ý kiến đến đấy thì thực tế sẽ luôn phức tạp, không đi đến đâu và chúng ta sẽ mất hết cơ hội. Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Ủy ban Kinh tế sẽ đề xuất cách làm mới này.

Trong phiên họp toàn thể vừa rồi, Ủy ban đã thống nhất quan điểm là sắp tới, Chính phủ không nên đặt nặng vấn đề các chỉ tiêu mang tính thành tích, số lượng. Nên đi vào chất lượng, hiệu quả và cấu trúc lại nền kinh tế cho phát triển bền vững. Ủy ban đánh giá suy giảm kinh tế sẽ còn kéo dài.

Cá nhân ông dự đoán tăng trưởng sẽ ở con số bao nhiêu? Liệu QH điều chỉnh xuống 5% trong tình hình còn biến động thì có đạt được mục tiêu mới này không?

- 5% vẫn là con số khó đạt. Do tốc độ tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 3,1% nên đang có nhiều dự đoán. Có ý kiến nói, tăng trưởng 6 tháng cuối năm thường cao hơn nhưng đó là với điều kiện xuất khẩu mạnh.

Năm nay, tình hình xuất khẩu khó khăn. Chỉ trông cậy vào nông nghiệp thì không thể kéo lại được.

Điều chỉnh xuống là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc và đánh giá sát tình hình. Vì tình huống tác động đến kinh tế thế giới hiện nay là chưa thể lường hết được, càng ngày tác động càng sâu.

Tôi cho có lẽ giữ mức 3,5% đã là cố gắng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Điều hành kinh tế không thể chờ đến khi họp QH

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Bội chi 8% nhưng có tạo công ăn  việc làm không? 

Việc điều chỉnh chỉ tiêu GDP là hợp lý, chủ động và thiết thực. Hàng loạt nước đã phải giảm chỉ tiêu. Không nên tiếp tục chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng quá cao để rồi không đạt được và phải đưa ra hàng loạt biện pháp như tăng đầu tư trong khi chọn lựa những dự án phát huy hiệu quả là rất khó.

Việt Nam nằm trong số các nước dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng này nên chúng ta không thể tiếp tục giữ mục tiêu tăng trưởng cao như Nghị quyết QH thông qua là 6,7%. Chưa kể, đây là chỉ tiêu mang tính chất định hướng.

Cuối năm ngoái, khi lạm phát được kiềm chế, dự báo chưa tốt nên QH đã thông qua chỉ tiêu khá cao. Nhưng lần này, khi tình thế thay đổi, Chính phủ đã chủ động muốn điều chỉnh. Như vậy, thay vì đã dự báo chưa sát, lại cố chạy theo để giữ bằng được, chúng ta đã chọn cách đỡ tệ hơn là sẽ điều chỉnh lại.

Bên cạnh đó, kiến nghị QH điều chỉnh tăng mức bội chi là cần thiết. Thực tế, Chính phủ cũng đang chi tiền cho gói kích cầu. Vì  điều hành kinh tế không thể chờ đến khi họp QH mới đưa ra bàn thảo. 

Nhiều năm nay, QH đều không muốn liên tiếp để mức bội chi quá rộng, dưới 5%. Nhưng đến năm nay, chúng ta phải chi tiền nhiều.

Bởi vì khi DN gặp khó khăn, ngân sách nhà nước phải quan tâm hỗ trợ để khi khôi phục lại, DN tiếp tục đóng góp nhiều hơn. Lúc đó mới tính tới giảm bội chi. Lên đến 8% là con số không ai mong muốn.

Điều quan trọng là người dân mong Chính phủ kiểm soát chặt chẽ khoản tiền bỏ ra, chi tiêu hợp lý và mang lại kết quả thực sự. Tiền rót vào đâu? Bội chi 8% nhưng có tạo công ăn  việc làm không? Có giúp các ngành kinh doanh sản xuất qua được khó khăn không?

Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các ngân hàng thương mại giải trình rõ số tiền cho vay đã xuống đến đối tượng nào. Có đúng các đối tượng mà gói kích cầu hướng tới không? Ở nhiều địa phương tôi đi khảo sát vừa qua, DN nhỏ và vừa vẫn gặp khó.

Chỉ có làm rõ như vậy thì mặc dù bội chi ngân sách lên tới 8% nhưng dân mới thấy tiềm năng tạo được việc làm, DN nhỏ và vừa mới có niềm tin. 

  • Lê Nhung 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
/script>