- Dư luận bàn rôm rả về kiến nghị bổ sung “quyền điều tra” cho đại biểu Quốc hội. Một đề xuất không khả thi và việc bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội là một việc vi hiến. Tuy nhiên, Quốc hội có thể lập ra các ủy ban để điều tra những việc nhất định (cũng phải được quy định rõ).
Không khả thi
Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trong một buổi thảo luận. Ảnh: VA |
Trong toàn bộ Hiến pháp hiện hành (1992) chỉ có một từ “điều tra” duy nhất xuất hiện trong điều 98: “Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp; trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định cho trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc tại kỳ họp sau của Quốc hội hoặc cho trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Người phụ trách của các cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”.
Như vậy, đại biểu Quốc hội chỉ có quyền chất vấn những người và các tổ chức được nêu đích danh trong điều 98. Mọi việc chất vấn khác, nhất là chất vấn những người không được nêu đích danh tại điều đó, đều là vi hiến. Chính vì thế, việc bổ sung “quyền điều tra” cho đại biểu Quốc hội là trái với Hiến pháp hiện hành, chưa nói đến tính không khả thi của kiến nghị.
Tất nhiên, do Quốc hội có quyền lập hiến theo Hiến pháp hiện hành nên muốn tránh sự vi hiến thì cần thay đổi Hiến pháp. Thực ra, cần có một Quốc hội lập hiến với nhiệm vụ duy nhất là soạn thảo Hiến pháp mới và đưa dự thảo ra trưng cầu dân ý. Ngay sau khi Hiến pháp được toàn dân thông qua (có điều khoản về sửa đổi Hiến pháp và việc sửa đổi sau đó không thể trao toàn quyền cho Quốc hội) thì Quốc hội lập hiến đó giải tán và tiến hành bầu Quốc hội mới một cách dân chủ, công khai.
Mọi hoạt động của Quốc hội (kể cả ra luật mới) đều phải tuân thủ Hiến pháp đã được nhân dân thông qua. Thế mới đảm bảo được Nhà nước là “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” như nêu trong điều 2 của Hiến pháp hiện hành. Nhưng đó là việc xây dựng Hiến pháp mới, một việc rất cần thiết và hình như cũng đang nằm trong chương trình nghị sự.\
Ngại nói đến phân quyền nên chỉ nói đến phân công
Các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm với cử tri của mình, song họ không thể ôm đồm đi giải quyết những vụ việc cụ thể của một vài cử tri nào đó, thí dụ như tìm cách hay tác động để giải quyết khiếu kiện của họ, và vì thế muốn có thêm quyền “điều tra”. |
Vấn đề muốn bàn ở đây là vấn đề phân quyền, phân trách nhiệm và nói rộng ra là phân công lao động nói chung. Quốc hội có việc của Quốc hội. Các cơ quan hành pháp có việc của hành pháp và các cơ quan tư pháp cũng vậy. Khi các cơ quan này làm lẫn lộn công việc của nhau, thì không những hoạt động không hiệu quả mà còn có thể gây ra rối loạn trong hoạt động chung. Việc phân quyền, phân trách nhiệm phải rạch ròi.
Chúng ta ngại nói đến phân quyền nên chỉ nói đến “phân công”. Và chính cái tư duy sợ phân quyền này là một cản trở lớn đối với cải cách. Phân quyền không có gì đáng sợ cả. Và kiến nghị trao thêm quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về phân quyền và phân trách nhiệm, về sự thiếu tính chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội phải hoạt động đúng với tư cách đại biểu Quốc hội, như các chính khách chuyên nghiệp. Việc lựa chọn và bầu họ cũng cần được cải tổ triệt để thì mới có thể nâng cao tính chuyên nghiệp của họ. Những người trong bộ máy hành pháp và tư pháp không được là đại biểu Quốc hội, các doanh nhân cũng vậy (muốn tham gia Quốc hội, những người đó phải từ bỏ công việc hành pháp, tư pháp hay kinh doanh của mình).
Đáng tiếc hiện nay còn quá nhiều đại biểu Quốc hội “kiêm nhiệm”, tức là thời gian chính của họ vẫn dành cho công việc hành pháp, tư pháp, giảng dạy hay kinh doanh. Việc này gây ra những xung đột lợi ích cần phải loại bỏ. Đấy là một lý do quan trọng làm cho chất lượng hoạt động của họ chưa tốt.
Dũng cảm nói "không" với việc không phải của mình
Các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm với cử tri của mình, song họ không thể ôm đồm đi giải quyết những vụ việc cụ thể của một vài cử tri nào đó, thí dụ như tìm cách hay tác động để giải quyết khiếu kiện của họ, và vì thế muốn có thêm quyền “điều tra”.
Đại biểu Quốc hội cũng phải có lòng dũng cảm nói “không” với những công việc không phải của mình. Phục vụ cử tri tốt nhất là làm đúng chức trách của mình. Công việc “điều tra” nhất quyết không phải là việc của đại biểu Quốc hội. |
Đại biểu Quốc hội cũng phải có lòng dũng cảm nói “không” với những công việc không phải của mình. Phục vụ cử tri tốt nhất là làm đúng chức trách của mình. Công việc “điều tra” nhất quyết không phải là việc của đại biểu Quốc hội. Quốc hội có thể lập các ủy ban nhất thời để điều tra những người mà Quốc hội có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm (theo điều 88 Hiến pháp) và thực hiện nghiêm minh các quyền đó của Quốc hội, làm thế là làm hết trách nhiệm với cử tri.
Tạo ra những khuyến khích để các đại biểu Quốc hội làm đúng chức trách của mình, làm tốt trách nhiệm với cử tri là việc rất quan trọng. Và một trong những khuyến khích ấy là việc ứng cử và bầu cử. Nếu việc ứng cử vẫn tiến hành theo quy trình “hiệp thương”, do trên “giới thiệu” xuống và người dân chỉ có quyền bầu những người đã được chọn ra trước, thì quyền lựa chọn của cử tri và quyền ứng cử của công dân bị cắt xén và khó có thể chọn ra các đại biểu thực sự của nhân dân và phải lo về lá phiếu, về những bức xúc của cử tri của mình.
Nói cách khác, các luật mang tính Hiến pháp như Luật Bầu cử cũng cần được cải tổ một cách triệt để và nếu Hiến pháp mới không quy định rõ ràng thì cũng không thể giao phó việc làm các luật đó cho riêng Quốc hội. Luật chủ yếu để hạn chế quyền lực của các cơ quan nhà nước và các viên chức của nó, để bảo vệ những quyền căn bản của công dân, chứ không phải chủ yếu để “quản lý” nhân dân.
Tóm lại, không thể bổ sung quyền “điều tra” cho các đại biểu Quốc hội. Nhưng việc thảo luận như vậy càng cho thấy tính cấp bách của việc sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi các bộ luật cơ bản của đất nước. Nhà nước có vai trò to lớn trong sự phát triển đất nước và việc sửa đổi hay xây dựng Hiến pháp mới, cũng như các luật cơ bản, là một trong những việc quan trọng nhất để Nhà nước có thể đóng góp vai trò cốt yếu của mình trong sự phát triển nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
-
Nguyễn Quang A