- Tại phiên họp chiều 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về quy định người gốc VN được cấp giấy miễn thị thực, đang tạm trú hợp pháp tại VN có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Quy định trên nằm trong nội dung sửa đổi điều 126 của Luật Nhà ở liên quan đến người VN định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN, được Chính phủ trình UBTVQH thẩm tra, cho ý kiến.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền: Cần phân biệt về quyền, nghĩa vụ về sở hữu nhà và sử dụng đất giữa công dân VN ở trong nước và người VN định cư ở nước ngoài. Ảnh: LAD |
Băn khoăn độ "mở"
Các ủy viên UBTVQH băn khoăn độ “mở” về loại đối tượng cũng như số lượng nhà ở được sở hữu.
Đối tượng hưởng quyền lợi sẽ gồm những người có quốc tịch VN, người gốc VN với điều kiện nhấn mạnh phải “đang tạm trú hợp pháp tại VN”. Ngoài ra còn có đối tượng là những người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu, người kết hôn với công dân VN ở trong nước.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận băn khoăn về khái niệm người gốc VN căn cứ theo Luật Quốc tịch sửa đổi mới đây, mà ông suy thẳng “đó là người nước ngoài”.
Nếu vậy, điều 126 sẽ vướng với Nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà ở VN. Theo đó, đối tượng này sẽ thực hiện quyền lợi của mình theo quy định nào, điều 126 hay Nghị quyết thí điểm, hay áp dụng cả hai?
Trong điều 126 dự thảo sửa đổi cũng quy định rõ người gốc VN không thuộc các trường hợp đặc biệt (về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, có công đóng góp cho đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học, người có kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu, người kết hôn với công dân VN ở trong nước) sẽ chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ, nếu có giấy miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp tại VN.
Ông Thuận băn khoăn: Dự thảo điều luật chưa quy định rõ ràng nhóm trường hợp đặc biệt sẽ được sở hữu số lượng nhà ở bao nhiêu, hay được sở hữu không giới hạn như người VN trong nước.
Được cho thuê nhà khi vắng mặt?
Dự thảo điều luật sửa đổi cũng đã bỏ quy định người VN định cư ở nước ngoài phải về VN cư trú từ 6 tháng trở lên, thay vào đó là “tạm trú hợp pháp trong nước”.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền đồng tình cho rằng điều kiện liên quan đến tạm trú sẽ loại trừ nhóm đối tượng tham gia hoạt động chống phá Nhà nước VN.
Hơn nữa, quy định cư trú từ 6 tháng trở lên không có tính khả thi do hiện nay VN chỉ cấp thị thực cho người VN định cư ở nước ngoài khi trở về nước là thời hạn 3 tháng và được phép gia hạn.
Các ủy viên UBTVQH cũng băn khoăn về yếu tố “giấy miễn thị thực” như một điều kiện để mua và sở hữu nhà, do hiện nay chưa có nhiều người VN định cư ở nước ngoài được cấp loại giấy tờ này.
Sửa đổi điều 126 của Luật Nhà ở cũng buộc phải sửa đổi điều 121 Luật Đất đai, do có quy định liên quan đến sử dụng đất ở đối với đối tượng người VN định cư ở nước ngoài. Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Hà Văn Hiền cho rằng: "Cần có sự phân biệt về quyền, nghĩa vụ về sở hữu nhà và sử dụng đất giữa công dân VN ở trong nước và người VN định cư ở nước ngoài".
Trong đó, ngoài những quyền đã được quy định tại điều 121 Luật Đất đai hiện hành, có thể cân nhắc cho phép chủ sở hữu nhà ở là người VN định cư ở nước ngoài được quyền cho thuê nhà trong thời gian không có mặt tại VN, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng không được hưởng quyền bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Dù được cơ quan soạn thảo luật trấn an chính sách “mở” cho người VN định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà trong nước không làm xáo trộn thị trường bất động sản trong nước, nhưng Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định quan điểm “VN đất chật, người đông”, việc mở cần có giới hạn.
UBTVQH nhất trí tiến hành sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai để trình Quốc hội, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 thì sẽ đưa vào áp dụng từ 1/9 tới.
Hiện mới chỉ có hơn 140 người VN định cư ở nước ngoài mua được nhà ở theo điều 126 của Luật Nhà ở. Theo ước tính của Chính phủ, khi Luật được sửa đổi, số người mua nhà sẽ tăng lên gấp 10 lần so với 3 năm trước cộng lại, mỗi năm đối tượng này sẽ mua khoảng 1.400 căn nhà. |
-
Xuân Linh