- "Để xác định một văn bản hay thông tin là mật, phải đưa ra những lý do hay căn cứ luật pháp. Nhưng nguyên tắc cơ bản, đó là mọi thứ phải được công khai", Bí thư thứ nhất, Ban Hợp tác phát triển luật pháp và nhân quyền Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội Elsa Hastad nói.
"Nguyên tắc cơ bản: Mọi thứ phải được công khai", bà Elsa Hastad cho hay. Ảnh: XL
Bà Elsa Hastad đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin, coi đây là bước đi đảm bảo sự minh bạch, dân chủ.
Đáp ứng nhu cầu thông tin trong một ngày
- Đâu là những nguyên tắc cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin ở Thụy Điển, thưa bà?
- Nguyên tắc cơ bản, đó là mọi công dân có quyền tiếp cận, tìm hiểu thông tin từ cơ quan công quyền, các tổ chức, cán bộ, công chức... Họ được cung cấp thông tin rất nhanh chóng. Yêu cầu thông thường được đáp ứng ngay trong một hoặc hai ngày.
Các nhà báo cũng như mọi người dân có thể tiếp cận những thông tin tìm hiểu Chính phủ đã làm việc thế nào, điều gì đã xảy ra, những tài liệu, căn cứ đưa ra các quyết định, chính sách liên quan, ảnh hưởng đến người dân.
Về phía cán bộ, công chức, họ luôn biết sẽ có bất cứ công dân hay nhà báo Thụy Điển hoặc từ bất cứ quốc gia nào, vào bất kỳ thời điểm nào, đều có thể đến và được quyền hỏi thông tin, những quyết định xung quanh công việc mà cán bộ, công chức đó đưa ra có ảnh hưởng đến xã hội. Và họ luôn nhận thức rõ rằng bất cứ quyết định nào liên quan đến công việc cũng phải được công khai.
- Như vậy, các thông tin, tài liệu đóng dấu mật sẽ không phổ biến. Vậy đâu là ranh giới giữa thông tin "mật" và không mật?
- Chúng tôi có những thông tin, tài liệu mật nhưng mọi người có thể tìm hiểu lý do vì sao thông tin, tài liệu đó được cho là mật. Thông thường, đó phải là những thông tin, tài liệu liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia. Hoặc có những vấn đề cần giải quyết theo quy trình cho đến khi những quyết định, kết luận cuối cùng liên quan đến vấn đề đó được đưa ra công khai, ví dụ như liên quan đến điều tra, xét xử tội phạm.
Để xác định một văn bản hay thông tin là mật, phải đưa ra những lý do hay căn cứ luật pháp xác định tính chất mật của nó. Nhưng nguyên tắc cơ bản, đó là mọi thứ phải được công khai. Do đó không phải ai cũng có thể quyết định dễ dàng rằng tài liệu đó, thông tin đó là mật.
"Để xác định một văn bản hay thông tin là mật, phải đưa ra những lý do hay căn cứ luật pháp xác định tính chất mật của nó. Do đó, không phải ai cũng có thể quyết định dễ dàng rằng tài liệu đó, thông tin đó là mật".
Nhưng luật có quy định khá thú vị về điều gọi là quyền tự do ngôn luận của cán bộ, công chức. Nếu có những tài liệu, thông tin quan trọng mà cán bộ, công chức nắm bắt trong phạm vi làm việc của mình, nhận thấy cần phải cho công chúng biết rộng rãi, anh ta có quyền chủ động thông báo thông tin, tài liệu đó với nhà báo.
Quyền đó của cán bộ, công chức còn mạnh hơn yếu tố “mật”. Khi đó, nhà báo có quyền sử dụng thông tin do cán bộ, công chức cung cấp mà không phải công bố rõ nguồn. Cán bộ, công chức hành xử như vậy trong trường hợp này được luật pháp đảm bảo.
Điều đó cho thấy các nhà làm luật và Chính phủ Thụy Điển nhận thức rõ quyền được thông tin, ngay cả nếu như là mật. Đó là quyền tự do bày tỏ vì lợi ích cộng đồng. Theo tôi, đó thực sự là cách tốt đảm bảo tính trách nhiệm của những người có quyền hạn.
Có quyền kiện nếu bị cơ quan công quyền từ chối
- Nếu như có sự từ chối từ phía người cung cấp thông tin thì chế tài xử phạt thế nào?
- Nếu như bạn không thể tiếp cận thông tin, tài liệu mà bạn cần theo đúng quyền lợi luật pháp đảm bảo thì bạn có quyền đệ đơn kiện lên tòa. Tòa án có trách nhiệm phải công bố quyết định xử ngay trong một ngày, tức là rất nhanh chóng. Tòa phải ra quyết định tại sao cán bộ, công chức hay chính quyền đó lại nói "không" với công dân.
Tôi không rõ hình phạt cao nhất nhưng chắc chắn rằng không dễ từ chối việc cung cấp thông tin cho công chúng.
- Nhà báo có thể dùng luật này để tìm hiểu, tiếp cận thông tin nhân danh quyền lợi của công dân. Nhưng họ chịu trách nhiệm ra sao khi những thông tin đó được sử dụng trên báo chí, tức tính trách nhiệm đối với thông tin không còn là sự tiếp cận cá nhân nữa?
- Nhà báo có quyền tiếp cận, tìm hiểu thông tin nhưng không phải chịu trách nhiệm với danh nghĩa cá nhân vì thông tin đăng tải mang danh nghĩa tòa soạn của anh ta. Trong trường hợp thông tin đăng tải không chính xác, người chịu trách nhiệm chính là tổng biên tập.
- Là một công dân Thụy Điển, bà cảm nhận luật này tác động đến đời sống như thế nào?
- Điều quan trọng nhất, đó là luật tồn tại. Nhưng thực tế, không phải công dân nào cũng thường xuyên tìm hiểu, kiểm tra thông tin hay tài liệu.
Tôi nghĩ nhận thức của mỗi người về trách nhiệm đối với công việc của mình là điều quan trọng. Bởi nếu làm sai, bạn sẽ luôn bị chất vấn. Trong khi những người bình thường sống, làm việc, quan tâm đến nhiều điều khác thì đối tượng tận dụng quyền lợi theo quy định của luật này nhiều nhất chính là các nhà báo, nhất là khi họ có đặc quyền ưu tiên nhân danh quyền lợi được tiếp cận thông tin của người dân.
Nhưng ngay cả khi thực tế hằng ngày, không có nhiều người dân quan tâm tìm hiểu thông tin, tài liệu thì các cán bộ, công chức, chính quyền vẫn luôn nhận thức trách nhiệm sẵn sàng đáp ứng nếu có yêu cầu từ phía người dân. Mỗi cán bộ, công chức hay chính quyền không từ chối trước yêu cầu thông tin chính đáng của người dân. Đó là nguyên tắc lớn nhất nhằm đảm bảo dân chủ, minh bạch trong xã hội phát triển.
Ít nhất 150,000 USD cho 10 đề án chống tham nhũng Ngày 9-12, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại VN phát động Ngày sáng tạo Việt Nam 2009 với chủ đề “Nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch, giảm tham nhũng”. Theo quy định, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương có tư cách pháp nhân của VN được Nhà nước công nhận có thể tham gia cuộc thi này, trừ các cơ quan, tổ chức và đơn vị thuộc ngành thanh tra ở cấp TƯ, các đơn vị, ban quản lý dự án thuộc WB, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng quân đội, công an nhân dân. Sáng kiến, ý tưởng dự thi được khuyến khích tập trung vào các chủ đề: Tăng cường cải cách hành chính, trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương trước người dân, thúc đẩy và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách ở địa phương, đặc biệt là phần ngân sách do nhân dân đóng góp, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính... Nội dung ý tưởng liên quan đến quyền tiếp cận thông tin cũng được khuyến khích như tăng cường nhận thức của người dân và cách tiếp cận thông tin về các chính sách, luật, quy định và ngân sách của Chính phủ, cải thiện sự chủ động từ phía chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến người dân như pháp luật về khiếu nại, tố cáo... Một trong những tiêu chí đầu tiên để ý tưởng, sáng kiến được lựa chọn, đó là phải có tính sáng tạo, tính khả thi, tính bền vững và khả năng nhân rộng. Sẽ có ít nhất 10 đề án xuất sắc nhất được lựa chọn và tài trợ kinh phí thực hiện. Mỗi đề án có thể được cấp tối đa 15.000 USD để thực hiện. Hạn chót nhận bài dự thi là ngày 9/3/2009. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào đầu tháng 5/2009. Thông tin chi tiết về chương trình Ngày Sáng tạo VN 2009 được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Thế giới: www.worldbank.org/vn, trang web của ngành Thanh tra: www.thanhtra.gov.vn và trên báo Thanh tra. |
-
Xuân Linh