- Dù thẳng thắn khuyến nghị với Chính phủ "gói kích cầu đầu tư không nên tập trung vào một vài dự án quá lớn, không nên phân biệt DN nhỏ hay vừa, trong hay ngoài nhà nước" nhưng tại cuộc gặp với Thủ tướng hôm nay (16/12), hầu hết lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đều tranh thủ "xin" rót tiền cho các dự án của mình.
Cùng với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân đã dành trọn một ngày lắng nghe góp ý và bàn biện pháp triển khai kế hoạch chống suy giảm kinh tế 2009.
Lãnh đạo Chính phủ nán lại trao đổi sau buổi sáng thảo luận. Ảnh: Lê Nhung |
Đừng bắt chúng tôi bình ổn giá nữa
Quan tâm lớn nhất của lãnh đạo các TĐ, TCT là 1 tỷ USD "mồi" kích cầu sản xuất và tiêu dùng của Chính phủ sẽ "rót" vào đâu để đạt mục tiêu chống suy giảm kinh tế, đảm bảo việc làm cho 43 triệu lao động, tiếp tục giữ đà tăng trưởng.
Cho rằng "chỉ tập trung những dự án quá lớn thì khó thay đổi tình hình", nhưng Chủ tịch Tập đoàn Dệt may VN Lê Quốc Ân tranh thủ: "Chính phủ có thể hỗ trợ để tập đoàn chúng tôi tiếp tục những dự án sản xuất vải may mặc cao cấp đang bị đình lại".
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Không thể cải cách mà cứ đưa cả lên Chính phủ. Chính phủ mà ngồi xét thầu là hỏng rồi. Chỉ dự án nào cần, cấp bách mới trình lên để Chính phủ quyết. Năm 2009, hiệp hội và các bộ dừng việc nghỉ Tết lại để mà đi ra ngoài giành được các hợp đồng về và phải cùng xúm vào hỗ trợ giúp DN xuất khẩu. Tình hình thế giới suy giảm mà họ vẫn có chỗ cho ta thì phải làm. Tập trung kích cầu sản xuất cho những DN đã có hợp đồng.
Đại diện TCT Hàng hải VN cũng khuyến cáo, không thể lấy đâu ra vốn để hỗ trợ cả cho DN nhỏ lẫn lớn. Vì vậy, Vinalines "xin" với Thủ tướng hoãn, giãn nợ cho hai dự án đang triển khai cùng Vinashin đóng mới 32 tàu biển.
Đồng thời, TCT này cũng đề xuất cơ chế bảo lãnh cho vay hoặc phát hành trái phiếu, hoặc tiếp cận các nguồn ODA để triển khai cảng Lạch Huyện (bị hoãn do Nhật tạm dừng ODA) và cảng Vân Phong. "Giá đóng tàu quốc tế rẻ hơn nhưng chúng tôi hợp tác với Vinashin vì hưởng ứng lời kêu gọi hợp tác của Chính phủ", ông này lập luận.
Đại diện cho Tổng Công ty thép VN, ông Đậu Hùng nối tiếp: "Đừng bắt chúng tôi lại tiếp tục phải bình ổn giá nữa, vì đã giữ giá suốt từ năm 2002 đến nay. Bao nhiêu tiền nong tích lũy được đều đã tiêu hết. Đề nghị Chính phủ cung cấp thêm vốn cho chúng tôi làm các dự án lớn".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngắt lời: "Thép không nằm trong danh mục 10 mặt hàng cần bình ổn giá. Bây giờ anh muốn bán bao nhiêu thì cứ bán, không ai cấm".
Ông Hùng "vớt vát": "Ai cũng muốn đầu tư cho mình. Một tỷ chỉ là vốn mồi, còn tính tổng các cơ chế chính sách cùng làm phải đến 6 tỷ".
"Khoe" rằng TCT Đường sắt đang triển khai rất tốt nhiều dự án, nhưng TGĐ Nguyễn Hữu Bằng cũng than thở: "Vé giường nằm bán ra năm nay ít hơn hẳn năm trước khiến chúng tôi phải chuyển từ ghế nằm sang hết ghế ngồi" gây thất thu.
Ông Bằng "khiếu nại" rằng đã giãn, hoãn nợ thì không nên chỉ ưu tiên DN vừa và nhỏ mà phải cho cả DN nhà nước. Bởi cơ chế xin - cho sẽ khiến ngay cả ông cũng sẽ tự xem mình nhỏ đi để dễ xin.
Đại diện cho Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam cũng lập luận DNNN đã giữ vai trò chủ đạo cùng Chính phủ thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát thành công. Đến nay, 5 nhóm giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế 2009 mang tính xã hội nhiều hơn, vì vậy trông cậy sự vào cuộc của DN vừa và nhỏ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại: suy thoái là việc của cả xã hội, DNNN vẫn phải đóng vai trò quan trọng. Còn Chính phủ đối xử với các thành phần kinh tế công bằng như nhau.
Cam kết không ai mất việc
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Giá giảm là cơ hội để đầu tư, kích thích thị trường nội địa. Chẳng hạn, thiết bị dệt may giảm tới 15%, rẻ như mua sắt vụn, giá đóng tàu rẻ 20%... Hai chiến lược sống còn là tăng tiền, tăng vốn đầu tư và hạ chi phí.
Sau khi trình ra các lý do rằng dự án sẽ "chạy" nếu được kích cầu, lãnh đạo các TĐ, TCT đồng thời cũng cam kết về các chỉ tiêu 2009 sẽ đạt và vượt so với năm nay. Đặc biệt, các "anh cả đỏ" đều cam kết sẽ không để bất kỳ lao động nào mất việc.
Ông Lê Quốc Ân khẳng định, duy trì công ăn việc làm của cán bộ, công nhân ngành dệt may là mục tiêu hàng đầu. Chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản Đoàn Văn Kiển cũng tự tin, "sẽ không để một công nhân nào mất việc”.
Lời hứa từ lãnh đạo các tập đoàn khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất hài lòng: "Chưa có bất kỳ TĐ, TCT nào nói phải cắt giảm lao động do suy thoái, thậm chí lương còn cao hơn. Những ngành có nhiều nhân công như dệt may, than... tuy có chậm lại nhưng vẫn không ai mất việc làm".
Các TĐ, TCT đều "đồng lòng" sẽ chung tay hỗ trợ 61 huyện nghèo ở 20 tỉnh thành mà Chính phủ đã lên danh sách.
Ông Trần Bắc Hà áng chừng trong hai năm, các TĐ, TCT có thể đóng góp 4 ngàn tỉ đồng. Nên giao cho mỗi đơn vị hỗ trợ một huyện nghèo.
Chủ tịch TĐ Dệt may Việt Nam gợi ý, nên làm như các nước là gói kích cầu sẽ rót thẳng xuống cho từng người nghèo. "Dân mà được hỗ trợ thì dệt may cũng có thể bán được thêm chút quần áo vào dịp Tết", sáng kiến của ông Ân khiến cả hội trường cười ồ.
Khủng hoảng: Cơ hội đầu tư
Hài lòng với các kế hoạch đối phó với suy giảm kinh tế, với những cam kết đảm bảo an sinh xã hội mà lãnh đạo các TĐ, TCT đã hùng hồn tuyên bố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương: "Nhiều người dự báo 2008 chúng ta rối loạn nhưng thực tế đã làm rất tốt. DNNN vẫn đóng góp 40% GDP. Những lĩnh vực then chốt vẫn tăng trưởng tạo đà cho nền kinh tế. Doanh thu, lợi nhuận, vốn và tiền nộp ngân sách đều tăng".
Tuy nhiên, Thủ tướng nghiêm khắc yêu cầu các DN lên kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa suy giảm kinh tế.
Thực tế, như đại diện Vinalines đã chỉ ra, ngành hàng hải đi qua nhiều chu kỳ suy thoái nhưng chưa lần nào khó khăn nghiệt ngã như lần này. Vận tải hàng rời từ Braxin về Trung Quốc trước kia 100USD/tấn hàng, nay giảm còn 60 USD.
Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ kêu gọi các DNNN phải tận dụng thị trường trong nước, phát huy vai trò dẫn dắt, liên kết các thành phần kinh tế khác. "May 10, Việt Tiến đã có thương hiệu, phải cứu các DN gia công khác", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, kinh tế khủng hoảng là cơ hội tranh thủ đầu tư. Bài học mua được 4 máy bay Boeing 777 từ năm 1998 với giá rẻ bằng 2/3 do biết chớp thời cơ cần được phát huy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, để tránh chuyện một dự án bị "đá qua đá lại", các bộ ngành và DNNN cần rà soát và lên danh mục những dự án cần làm gấp để trình Thủ tướng. Thủ tướng sẽ phê duyệt, xin ý kiến Thường vụ QH để Thường vụ QH ra nghị quyết cho phép HĐQT được chỉ định thầu.
"Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm với nhân dân. Lãnh đạo DNNN và các bộ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Làm cách nào đó để DNNN năng động, quyết đoán và chịu trách nhiệm cao hơn nữa. Dung Quất chậm 2 năm do thủ tục là bài học quá đau xót", người đứng đầu Chính phủ nói.
Trước đó, hầu hết lãnh đạo các TĐ, TCT đều "xin" quyền tự chủ khi quyết định các dự án. "Phải trao nhiều quyền hơn cho Hội đồng quản trị. Các bà nội trợ đi chợ mua ngay được rau ngon. Còn đàn ông chúng ta ra chợ rồi mà không quyết được vì còn bận về nhà xin phép vợ" - với so sánh này, ông Bằng nhấn mạnh không thể đợi đến khi Chính phủ rà soát các văn bản hiện hành về đầu tư xây dựng để trình QH tháng 6 năm tới.
Cả Chính phủ và DNNN đều cần biện pháp mạnh để "chạy đua" với tốc độ suy giảm kinh tế đang lan rộng.
-
Lê Nhung