- Theo điều tra tại 9 tỉnh do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc LH các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và ĐSQ Phần Lan thực hiện, nhiều người dân nhận biết được các hành vi tham nhũng của những người có chức, có quyền nhưng hầu hết không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc không thấy "lợi lộc" gì.
Kết quả điều tra được công bố sáng 12/12 tại Hà Nội. Theo đó, hậu quả của việc người dân sợ bị trả thù là các vụ tham nhũng không bị tố cáo, có tố cáo thì chứng cứ cũng không đầy đủ.
Hai lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất là quản lý đất đai và dự án, công trình xây dựng.
Nhóm thực hiện dự án nhận định đến nay, vẫn còn thiếu chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng hoặc các nhân chứng. Đa số người dân cho rằng có hiện tượng đối xử không đúng với những người chống tham nhũng, trong đó có cả "đe dọa" và "trù dập".
Những mảnh đất màu mỡ của tham nhũng
Hai lĩnh vực bị coi có tham nhũng nhiều nhất là quản lý đất đai (85,87%) và dự án công trình xây dựng (84,81%). Điều này, theo Chủ nhiệm dự án, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, phù hợp với kết quả một nghiên cứu khảo sát của Ban Nội chính TƯ Đảng.
Tham nhũng trong lĩnh vực thực hiện các dự án, công trình xây dựng được các địa phương cho là rất phổ biến.
Người dân cũng đánh giá thấp các hoạt động công khai của chính quyền: Báo cáo hàng năm về phòng, chống tham nhũng, quản lý sử dụng nhà ở, kiểm toán việc sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước.
Vẫn thiếu chế tài bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Ở địa phương, trong 12 hoạt động được quy định cần công khai, người dân thấy chỉ có 2 hoạt động họ có khả năng giám sát là quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp cộng đồng (quy mô nhỏ) và huy động, sử dụng các khoản dân đóng góp.
Mức độ khẳng định có tham nhũng ở phạm vi tỉnh, huyện cao hơn so với xã, phường. Theo nhóm thực hiện khảo sát, điều này được lý giải bởi cấp tỉnh, huyện có nhiều "quyền lực" hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cấp đất cho các dự án.
Tài sản kê khai phải được công khai
Trong Luật Phòng, chống tham nhũng có những nội dung quy định sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự và người dân trong công tác phòng chống tham nhũng, nhưng kết quả điều tra cho thấy trên thực tế sự giám sát này còn mang tính hình thức.
Trong đó, các hội có cơ cấu rộng lớn như Phụ nữ, Nông dân, Công đoàn chưa thể hiện được vai trò trong phòng, chống tham nhũng.
TS Dinh cho biết người dân mong muốn thành lập tổ chức phòng, chống tham nhũng độc lập từ trung ương đến địa phương, mà đứng đầu không là thủ trưởng chính quyền, có thể là một lãnh đạo Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, cấp ủy Đảng, hoặc Mặt trận Tổ quốc, với những cơ chế cụ thể, có thực quyền lực.
Một cán bộ BQL dự án Đại lộ Đông Tây bị nghi vấn tham nhũng. Ảnh: VNN |
Bên cạnh đó, việc kiểm soát thu nhập của công chức nhà nước phải được tiến hành thường xuyên. Số liệu về xác minh tài sản, thu nhập của công chức đã kê khai khi cần thiết phục vụ phòng, chống tham nhũng cần công khai với công chúng, không nên chỉ được báo cáo lên cấp trên.
"Phải thực hiện việc kiểm soát thu nhập của công chức nhà nước thì chống tham nhũng mới thực sự có tác dụng và hiệu quả. Các quy định hiện nay dựa chủ yếu vào sự tự giác của công chức và tổ chức, vì vậy chưa thể nói là "tích cực chống tham nhũng", kết quả điều tra dự án dẫn ý kiến đóng góp của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa.
-
Xuân Linh