- Dí dỏm, dùng hình ảnh sinh động, đi thẳng vào vấn đề... phong cách của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu khiến cuộc chất vấn của QH chiều 12/11 trở thành cuộc tranh luận sôi nổi. Hai bộ trưởng khác đã đứng lên "chia lửa" và có ĐB hỏi tới 3 lần.
Nhạc trưởng là Bộ Y tế
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu: "Trên Bộ còn có Chính phủ". Ảnh: Thanh Sơn
Sôi nổi nhất là cuộc tranh luận "tay đôi" giữa Bộ trưởng và ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh).
Bà Mai hỏi: "WHO cảnh báo hàng năm có 24,5% hoa quả ngoại nhập vào VN có chất bảo quản độc hại. Chất này tích tụ lâu dài sẽ phá hủy nội tạng và gây ung thư. Nếu đó là sự thật thì đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ đã có kiểm tra chất bảo quản độc hại trong các trái cây ngoại nhập chưa?".
Ông Triệu vắn tắt: "Quy trình chế biến từ trang trại đến mâm cơm tức là chế biến, lưu thông, công nghệ, phụ gia... thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Còn Bộ Y tế chỉ là người gác barie ở mâm cơm".
Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích: "Theo Pháp lệnh VSATTP thì Bộ NN&PTNT quản lý trong suốt quá trình từ sản xuất đến khi nông sản được đưa ra lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu, quản lý vệ sinh thú y đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu".
Do bà Mai hỏi về dư lượng các chất độc hại trong bảo quản thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam nên ông Phát nói, đây là chuyện của Bộ Công thương.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đáp ngay: "Bộ Công thương chịu trách nhiệm làm đầu mối khi sản phẩm đưa ra thị trường. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các thanh tra chuyên ngành của các bộ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và nếu thấy rằng những sản phẩm lưu thông trên thị trường đã có đăng ký kinh doanh mà vi phạm thì sẽ xử lý".
Hình thức xử lý, theo Bộ trưởng Hoàng, có đầy đủ: từ hành chính cho đến rút giấy phép kinh doanh.
Bà Mai đứng lên: "Đúng là chuyện của nhiều bộ, ngành nhưng phải có một nhạc trưởng, đó là ai? Sắp tới, nếu phát hiện thêm ngoài sữa có melamine, còn những thứ gì nữa độc hại đối với người dân thì ai chịu trách nhiệm?".
Ông Triệu vắn tắt: "Quản lý nhà nước có những lĩnh vực buộc phải đa ngành. Không chỉ 3 bộ mà pháp lệnh còn nói, có trách nhiệm của UBND các tỉnh nữa".
Thừa nhận Bộ mình là nhạc trưởng nhưng ông Triệu bổ sung: "ĐB thông cảm, nếu phê bình thì chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn chứ nói riêng ngành nào là khó".
Bộ trưởng Bộ Y tế xuề xòa: "Câu chuyện về ATTP là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chưa biết hồi kết đến bao giờ. Ông Thích Ca 2.552 năm đã kêu gọi từ bi. Chúa Jesus cũng thế thôi, đến chủ nghĩa Mác - Lênin cũng kêu gọi đấu tranh giữa thiện và ác, bây giờ vẫn phải tiến tục. Tức là anh làm tiêu cực, là hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là cái ác, cái thiện là chúng ta phải bảo vệ nhân dân. Cuộc đấu tranh này phải tích cực và mong được sự ủng hộ của QH"...
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ngắt lời, còn ĐB Bạch Mai đứng lên lần 3: "Tôi hỏi rất rõ ràng nhưng nói như Bộ trưởng thì không biết ai là người chịu trách nhiệm chính?".
Ông Triệu đành chốt lại: "Tôi sẽ trả lời trực tiếp bằng văn bản vậy".
"Tiền chưa nhiều nên phải đốt thủ công"
ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai: "Chuyện của nhiều bộ, ngành nhưng phải có một nhạc trưởng, đó là ai?". Ảnh: Thanh Sơn
Bà Mai cũng như nhiều ĐB khác còn truy vấn quyết liệt Bộ trưởng Triệu về xử lý chất thải y tế, vốn đã được riết róng từ các kỳ họp trước.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: "Ô nhiễm môi trường do chất thải y tế gây nên nhiều bệnh rất trầm trọng. Bộ Y tế đã có những biện pháp gì để xử lý vấn đề này và sắp tới để khắc phục tình trạng này thì Bộ Y tế lên kế hoạch như thế nào?".
Ông Triệu cho hay, rác thải độc hại, nguy hiểm hiện nay mới xử lý được 40% đốt theo lò đủ tiêu chuẩn. "Như ở Hà Nội có lò ở Cầu Diễn, đốt xong xét nghiệm khói vẫn đảm bảo tiêu chuẩn không gây ô nhiễm môi trường. 33% đốt bằng lò thủ công ở những nơi mật độ dân cư thưa. Bệnh viện bây giờ tiền chưa nhiều cho nên đốt bằng lò thủ công, còn lại 27% đốt ở ngoài trời hoặc là chôn lấp".
Nước thải xử lý theo đúng tiêu chuẩn mới được 33,7%. 30% có xử lý nhưng chưa đảm bảo và khoảng trên 30% chưa được xử lý.
Về giải pháp, ông Triệu khẳng định, tiếp tục làm quy hoạch và sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải đốt tập trung rác thải độc hại bằng cách xây dựng lò đủ tiêu chuẩn, công ty môi trường đô thị hàng ngày đến các bệnh viện thu gom. Đồng thời, sẽ chi khoảng 1.400 tỷ đồng làm quy hoạch nước thải.
Bà Trịnh Thị Nga (Phú Yên) chưa hài lòng: "Bộ trưởng trả lời tôi bằng văn bản rằng quản lý chất thải y tế không thuộc Bộ mà thuộc địa phương. Vậy vai trò quản lý nhà nước nên hiểu thế nào? Rác thải y tế chỉ đốt ở bãi rác chung, nước thải thì thải luôn ra ngoài?".
Ông Triệu đáp: "Cũng như chuyện hoa quả nhập ngoại, nói rạch ròi riêng ai cũng khó. Bộ Y tế quản lý có 35 bệnh viện, còn lại 1.016 bệnh viện của địa phương".
ĐB Hà Minh Huệ: Có ý kiến nhận xét khen Việt Nam rất giỏi dập dịch bệnh, Bộ trưởng lần trước cũng tự khen mình như vậy, nhưng VN rất kém về việc phòng bệnh, phòng dịch và năm nào cũng vậy đến hẹn lại lên một số bệnh dịch lại tái phát?. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Nước mình GDP chưa đến 1.000USD/người, môi trường thì nhà máy, xí nghiệp, đường sá bụi bặm, thức ăn thì ô nhiễm, phòng bệnh thuốc men cũng ở mức độ, chưa phải là đầy đủ. Ví dụ Philippin tôi vừa sang là 4.000USD/người, nhưng không có y tế xã, chỉ có bệnh viện huyện, ai ốm thì vào. Tôi cũng được nghe chính thức trên 40 triệu người dân nghèo ở Mỹ vào viện chi 1 đồng cho đến 1 triệu, hết bao nhiêu thì bỏ tiền túi ra, Nhà nước không hỗ trợ. Nhà nước ta cấp thẻ cho 15 triệu người nghèo ốm vẫn có chỗ nương tựa là vào bệnh viện. 98% xã có trạm y tế xã, tiêm chủng dưới 6 tuổi cơ bản không mất tiền.
-
Lê Nhung