- Thảo luận tại Hội trường chiều 4/11 về Luật Quản lý nợ công, ĐBQH Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng địa phương có thể tự đi tìm "nguồn" vay nước ngoài nhưng nên trao quyền thỏa thuận và ký kết cho cấp trung ương.
Vay vốn về rồi để đó
Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh (trái): "Nên đưa nợ của DNNN vào luật". Ảnh: LAD
Để hạn chế việc "anh vay, chú trả" dưới địa phương, ĐBQH kiến nghị phải có cơ quan cấp cao ở trung ương phê duyệt khoản nợ công để tập trung thống nhất đầu mối.
ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) phản ánh: "Lâu nay, địa phương nào cũng đi vay được. Vay về rồi để đó, vốn nằm chờ. Vay cho dự án này lại chuyển vốn sang dự án khác. Có địa phương thì được vay, có nơi không".
Chưa kể lãnh đạo địa phương hoạt động theo nhiệm kỳ nên "nếu địa phương không có khả năng trả được nợ thì xử lý ai? Chủ tịch UBND tỉnh hay tập thể nào?", ông Kiệt đặt câu hỏi.
Đồng tình với việc không nên để địa phương tự ký kết vay nợ quốc tế, bà Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, địa phương có thể tự đi tìm "nguồn" nhưng nên trao quyền thỏa thuận và ký kết cho cấp trung ương.
Ngoài ra, ĐBQH tiếp tục đề nghị nên trao cho QH thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vay - trả nợ hàng năm vì điều này cũng nằm trong phạm vi cân đối của ngân sách quốc gia. Đặc biệt, việc phê duyệt các khoản vay nợ do Nhà nước bảo lãnh là điều cần thiết để đảm bảo sự công khai, minh bạch.
Thu hẹp phạm vi DN được Nhà nước bảo lãnh cho vay
Tiếp tục tranh luận về việc nợ của khối doanh nghiệp nhà nước sẽ được điều chỉnh theo luật nào, Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh băn khoăn: "Biết rằng DNNN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tự vay, tự trả nhưng lâu nay các khoản vay này rất lớn lại khó kiểm soát... Nếu phá sản thì Nhà nước vẫn phải trả".
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lại cho rằng không đưa nợ của khu vực này vào trong luật là phù hợp.
Hai lý do được đưa ra để lý giải điều này. Thứ nhất, hoạt động của DNNN đã được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên lẽ dĩ nhiên, "tự vay, tự trả". Nếu tiếp tục quy định về nợ công trong dự án luật mới này sẽ gây ra hiện tượng "luật đá luật".
Cũng trong chiều 4/11, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đọc tờ trình về dự án Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Luật đưa ra những quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ bảo đảm và nhiệm vụ, quyền hạn người đứng đầu cơ quan bảo đảm.
Quan trọng hơn, đến tháng 7/2010, theo lộ trình sẽ cổ phần hóa toàn bộ DNNN. Lúc đó nợ của DN sẽ không thể xếp vào danh mục "nợ công" được nữa.
"Điều này không có nghĩa là buông lỏng quản lý nợ của khối DNNN vì sẽ được điều chỉnh trong dự án luật khác", ông Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nói.
ĐB Trần Du Lịch lưu ý, cần sớm ban hành luật quản lý vốn nhà nước, trong đó có quản lý nợ.
Tất nhiên, quan trọng không phải là nợ của khu vực này sẽ được điều chỉnh bởi luật nào mà là hiệu quả sử dụng đồng vốn đi vay ra sao. "Sử dụng vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế là việc các nước đang phát triển vẫn làm. Doanh nghiệp nhà nước có điều kiện tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn nhưng chúng ta chưa quản lý được hiệu quả cũng như rủi ro", ĐB Nguyễn Hữu Quang lưu ý.
Ông Quang cũng như nhiều ĐBQH khác đều kiến nghị nên thu hẹp phạm vi DN được Nhà nước bảo lãnh cho vay.
"Một khi đã có Nhà nước đứng ra thì người ta không còn bận tâm xem xét hiệu quả kinh doanh của DN đó. Được bảo lãnh thì cả uy tín lẫn khả năng đàm phán đều rất dễ dàng. Tôi đề nghị chỉ nên bảo lãnh cho những doanh nghiệp tham gia vào nhiệm vụ cân đối lớn cho Chính phủ", ông Quang lý giải.
Ngày 5/11, QH sẽ nghe và thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách Nhà nước.
-
Lê Nhung