- Trong lúc các đại biểu Quốc hội ráo riết đề nghị Chính phủ làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra lạm phát, thì trong dự toán ngân sách 2009 vẫn dành hẳn 10.641 tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2008 để hỗ trợ DNNN, tập đoàn (TĐ) và tổng công ty (TCT).
ĐB Phạm Thị Loan: "Do cơ chế quản lý lỏng lẻo, người ta cứ tung tiền ra đầu tư theo nhiều lợi ích khác nhau". Ảnh: LAD
"Tôi không đồng tình với khoản chi này vì mọi DN đều phải chủ động nguồn vốn để tự vay, tự trả chứ không phải trông đợi vào bầu sữa ngân sách, dù biết tung tiền ra thế nào, chi tiêu ra sao là quyền của Nhà nước", ĐB Hà Nội Phạm Thị Loan thẳng thắn.
"Con cưng" thành "con hư"?
Không dễ để trong ngày một ngày hai có thể cắt ngay “bầu sữa mẹ” nhưng rõ ràng khoản đầu tư cho các TĐ, TCT nhà nước phải được xem xét kỹ, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Tài chính phải điều chỉnh lại cân đối ngân sách do giá dầu thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu.
Ngay Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cũng thận trọng: "Đầu tư trở lại cho ngành dầu khí 9.000 tỷ đồng là phù hợp cam kết của Nhà nước nhằm thực hiện tái đầu tư, mở rộng phạm vi khai thác. Tuy nhiên, cần rà soát tổng mức đầu tư của Tập đoàn này, tăng cường giám sát để phần đầu tư trở lại của ngân sách phải hiệu quả".
ĐBQH cũng băn khoăn việc Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách sinh ra để tạo vốn mồi cho DN vừa và nhỏ, trợ giúp đối tượng yếu thế nhưng lại chỉ lo cung ứng vốn cho dự án lớn của các TĐ, TCT... "Nếu các ông lớn muốn vay thì phải tự phát hành trái phiếu chứ không phải Nhà nước bảo lãnh và lấy tiền vốn từ hai ngân hàng này", TS Kinh tế Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nói.
Không những trích ngân sách với số tiền tăng lên hàng năm, Chính phủ còn tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho TĐ, TCT đi vay nợ với lý do để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng. Cho đến nay, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay này vẫn chưa được đánh giá.
Tại kỳ họp QH thứ 3 hồi giữa năm, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc từng cho hay Bộ đang chờ các Bộ Giao thông - Vận tải và Tài chính kiểm tra hiệu quả các khoản vay của Vinashin đối với 750 triệu USD từ tiền vay của Chính phủ thông qua bán trái phiếu quốc tế.
Người dân đòi hỏi được nghe giải trình rõ "nhiệm vụ nào do Nhà nước đặt hàng" để tránh việc tiếp tục rót vốn cho các TĐ, TCT, gây thêm bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Có một "quy ước" là nếu DNNN không trả được nợ thì đã có Nhà nước "bảo lãnh" đứng ra trả thay. "Thế là khỏi cần quan tâm cân nhắc xem hiệu quả đồng vốn thế nào, cứ đầu tư không ai chịu trách nhiệm. Chưa kể, anh chỉ lo làm hết nhiệm kỳ, người lên thay trả hộ", ĐB Phạm Thị Loan nhận định.
Để thay đổi niềm tin về việc Nhà nước luôn đứng phía sau, thì những dự án được bảo lãnh này phải nhận sự giám sát đặc biệt chặt chẽ nhằm tránh nguy cơ đổ vỡ.
"Tất nhiên nếu Nhà nước đã nhận bảo lãnh thì Nhà nước phải trả thôi. Chúng ta vẫn muốn có những quả đấm thép, ưu ái cho họ là bình thường nhưng có phải vì là "con cưng" nên thành con hư không? Việc này "bố mẹ" phải xem xét", ĐB Nguyễn Đình Xuân yêu cầu.
Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn cam kết rằng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách. Việc Chính phủ bảo lãnh các khoản vay đã tạo điều kiện cho các DN huy động vốn với lãi suất thấp hơn để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như hàng không, năng lượng, dầu khí, xi măng...
Rõ ràng, khoản dự phòng ngân sách trích riêng cho việc trả nợ này lẽ ra phải được trình QH hàng năm để giám sát.
Nợ của DNNN: Khoảng trống luật pháp
CN Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển: "Cần rà soát tổng mức đầu tư của Tập đoàn Dầu khí". Ảnh: LAD
Báo cáo độc lập số 2 của nhóm Harvard mới đây dẫn lại số liệu từ Bộ Tài chính, theo đó tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu của các DNNN rất cao: Cienco 5 vay nợ gấp 42 lần trên vốn của chủ sở hữu, Lilama 21 lần, Vinashin 22 lần... trong khi các tập đoàn kinh tế quốc tế chỉ vay từ 1 đến 3 lần.
"Anh phải có ít nhất 30% vốn đối ứng. Còn DN Việt Nam vay vượt lên gấp 42 lần, con số công bố ra khiến cả thế giới phải giật mình", ĐB Phạm Thị Loan nói.
Bà Loan phân tích, tỷ lệ nợ quá cao dẫn đến nguy cơ phá sản và tác động kép là hàng hoạt các hậu quả xã hội khác, sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng. "Còn nếu để cho anh không phá sản thì Nhà nước lại tiếp tục bơm vốn vào cứu. Nhưng ai lại đi bơm vốn vào một cái lỗ hổng?".
Nguyên nhân của con số khiến "thế giới giật mình" vốn đã được phân tích nhiều, như thiếu cơ chế giám sát, không có sự kiểm soát tài chính chặt chẽ.
Ông Trần Du Lịch cảnh báo: "Nguy cơ là sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế đối với thị trường, theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc. Nó khép kín vòng tín dụng, không ai giám sát được, tạo rủi ro cho nền tài chính".
Ngay cả đến cơ quan giám sát về kinh tế của QH là UB Kinh tế cũng thừa nhận khó mà đánh giá tổng đầu tư, nợ không kiểm soát được của DNNN.
ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đặt nghi vấn, phải chăng, nguyên nhân của việc thiếu rõ ràng trong bảo lãnh tín dụng, độc quyền, khó kiểm soát nợ của DNNN, các TĐ, TCT có gốc gác từ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Hiện chưa có luật nào cho phép điều tiết vay nợ của DNNN.
-
Lê Nhung