- Thay vì tập trung đánh giá “hiệu quả chống lạm phát 2008”, trong ngày thảo luận đầu tiên (28/10) về tình hình KT- XH, các ĐBQH đã đặt vấn đề phải có ngay kịch bản chống lại “nguy cơ thiểu phát” sẽ kéo lùi nền kinh tế năm 2009.
Kiểm soát lạm phát trong điều kiện thiểu phát
Ông Trần Hồng Việt (Hậu Giang) băn khoăn, năm tới có tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát nữa không khi xuất hiện nguy cơ thiểu phát. Ông Việt đề nghị Chính phủ có kịch bản đối phó thiểu phát và kích cầu sản xuất trình ra QH.
ĐB Trần Du Lịch: Cần huy động NH Đầu tư Phát triển và NH Chính sách đứng ra cung ứng vốn “mồi” cho DN vừa và nhỏ. Ảnh: LAD
Lo lắng cho một cuộc đại khủng hoảng tâm lý toàn cầu khiến tình hình VN năm tới tồi tệ hơn, ông Trần Du Lịch (TP.HCM) đề xuất kịch bản “kiểm soát lạm phát trong điều kiện thiểu phát” mang đặc thù Việt Nam với 7 nội dung. “Có hay không một bộ phận các đại gia thời gian qua đã chi phối nền kinh tế đất nước để xảy ra hệ lụy đang khiến cả xã hội phải gánh chịu?”. ĐB Lê Văn Cuông
Trước hết, ông Lịch đề xuất trong mọi tình huống phải giữ mục tiêu tăng trưởng trên 6%, nếu không, "hệ quả xã hội sẽ rất lớn".
Đồng thời cần kiên trì kiềm chế lạm phát ở mức 9% - 10% để chuyển từ bị động đối phó sang chủ động với lạm phát vì “mọi nguyên nhân sâu xa dẫn đến lạm phát vẫn còn nguyên”.
“Tái cấu trúc đầu tư công, coi trọng đầu tư cho công trình sử dụng nhiều lao động; giảm lãi suất, giải quyết tình trạng mâu thuẫn ở ngân hàng là lãi suất đang rất cao nhưng ngân hàng không muốn giảm và tập trung kích cầu thị trường nông thôn, bù đắp cho thị trường xuất khẩu suy giảm”, ông Lịch lưu ý.
Giải pháp thứ 5 mà ĐB này đưa ra là huy động 2 ngân hàng là NH Đầu tư Phát triển và NH Chính sách đứng ra cung ứng vốn “mồi” cho DN vừa và nhỏ, không để riêng các NH thương mại tự xoay xở. DN được cấp vốn mồi nên được chọn ưu tiên theo các tiêu chí sử dụng nhiều lao động, DN chế biến lâm sản và DN gia công xuất khẩu.
Hai giải pháp cuối cùng là quyết liệt giảm nhập siêu nếu không muốn xuất đôla và tuyên truyền để người dân không mua đôla tích trữ.
“Để đối phó với thiểu phát, cần thiết phải tính toán ngay từ bây giờ”, ông Cao Sỹ Kiêm tán thành.
DNNN như công tử con quan
Vai trò của DNNN, đặc biệt các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) trong “cuộc chiến” chống lạm phát vừa qua cũng là chủ đề được nhiều ĐBQH tập trung mổ xẻ.
“Có hay không một bộ phận các đại gia thời gian qua đã chi phối nền kinh tế đất nước để xảy ra hệ lụy đang khiến cả xã hội phải gánh chịu?”, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đặt vấn đề.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) thẳng thắn: “Sao cùng bơi trên biển nhưng khi gặp khó khăn do lạm phát thì TĐ, TCT được nhận phao cứu sinh của Chính phủ dù đó là lúc họ phải thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế? Trong lúc đó thì người nông dân vừa phải tự bơi vừa phải gánh hậu quả do dự báo sai của Chính phủ”.
Còn theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thì chính hoạt động kém hiệu quả của khu vực này đã dẫn đến lạm phát và gây thêm nhiều khó khăn trong nỗ lực chống lạm phát của Chính phủ.
Tính đến tháng 6/2008, 76 TĐ, TCT đang được giao xấp xỉ 403.000 tỷ đồng và được vay thêm 514.000 tỷ, song tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ hữu ở khối này chỉ đạt 17,04, thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc giờ giải lao phiên thảo luận về KTXH sáng 28/10. Ảnh: LN
Chưa kể, việc “chân ngoài dài hơn chân trong” cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu vốn sản xuất, gây mất cân đối kinh tế, là bằng chứng hiển nhiên cho bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
“DNNN như công tử con quan, được chăm sóc nên béo tốt, to cao vạm vỡ muốn gì được nấy”, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) ví von. Ông đề xuất Chính phủ cần có văn bản báo cáo về hoạt động của các DNNN, nhất là hoạt động của các TĐ, TCT tại kỳ họp hàng năm của QH.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng cũng kiến nghị Chính phủ "sớm ban hành nghị định về cơ chế quản lý và hoạt động của các TĐ, TCT theo hướng dần dần xóa bỏ độc quyền, giảm hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời công khai các hoạt động cho toàn dân biết".
Từ góc độ khác, ĐB Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đặt vấn đề về khả năng trả nợ của DNNN, đặc biệt chuyện Chính phủ bảo lãnh vay cho các TĐ, TCT. “Trong lúc dư luận nhân dân nhiều người băn khoăn về khả năng trả nợ của DNNN thì UB Kinh tế nói khó có căn cứ đánh giá khả năng này”.
ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) than thở, một khi TĐ, TCT chưa giữ vai trò chủ đạo thì khó giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH cũng đặt ra nhiều vấn đề khác như vi phạm ô nhiễm môi trường, sự thiệt thòi của người dân trước những dự báo sai của Chính phủ và đặc biệt “xin” những cơ chế ưu đãi cho địa phương… Đa số đều nhất trí với đề xuất nên để mức tăng trưởng 2009 ở 6,5% - 7%.
Ngày 29/10, QH sẽ tiếp tục thảo luận những nội dung này.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Sẽ không đưa một "cục" tiền cho dân
Là Bộ trưởng duy nhất đăng đàn ngày 28/10, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay đã có 25/30 câu hỏi gửi cho ông có liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyên chọn trả lời nội dung về đất đai.
Theo đó, trong vấn đề tái định cư và giải quyết công ăn việc làm, Bộ sẽ đa dạng hóa các hình thức, như hình thức dân tự nhận tiền, tự mình giải quyết hoặc có khu tái định cư làm trước khi giải tỏa đất đai.
"Dự kiến tới đây không đưa một "cục" tiền cho dân ngay. Bởi vì có những khu đất đền bù, theo tính toán tới 30 năm dân không làm vẫn đủ sống nhưng rồi dân lấy số tiền này làm nhà làm cửa, sau 3 năm cho con cái là hết, lại còn đi khiếu nại.
Có thể chỉ giao cho dân một khoản tiền nào đó, trong vòng 3 hay 5 năm để sống, số tiền còn lại phải để dân góp vốn làm cổ đông, Nhà nước phải đứng lên bảo vệ quyền lợi", Bộ trưởng nói.
-
Lê Nhung