- "Quốc hội (QH) đang thảo luận và có thể sẽ đề nghị Chính phủ đưa ra một giải pháp dự phòng về khả năng chống đỡ của Việt Nam (VN) trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới 2009", Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nói như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ tư, QH khóa XII.
Đầu năm 2008 khi bắt đầu có dấu hiệu của lạm phát, nhiều thành viên Chính phủ giải thích là do tác động khách quan từ bên ngoài nhưng gần đây khi xảy ra khủng hoảng tài chính trên thế giới thì lại cho rằng do VN hội nhập chưa sâu nên tác động không lớn và không bị ảnh hưởng nhiều. Cá nhân ông thấy trong hai yếu tố là sự chao đảo của kinh tế thế giới và những tồn tại của bản thân nền kinh tế, nhân tố nào ảnh hưởng lớn hơn tới nền kinh tế nước ta? - Đúng là đều có nguyên nhân từ chủ quan và khách quan. Nhưng lý do là vì cái gốc của nền kinh tế VN là nền kinh tế gia công, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh thấp, đầu tư thấp đã tích tụ lại thành những yếu tố lạm phát. Cơ cấu đầu tư là 40% GDP thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn 8% nhưng tăng trưởng chưa đến 8% nghĩa là hiệu quả thấp. Việc dự báo chưa tốt trong điều hành cũng khiến một số giải pháp đi chậm, gây khó khăn hơn. Nhưng từ quý II/2008 tới giờ, chúng ta thấy do quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện nhiều biện pháp quan trọng nên đã tạo được chuyển biến.
- Ưu tiên năm 2008 là kiềm chế lạm phát và Chính phủ nói "đã đạt kết quả quan trọng bước đầu", năm 2009 tới Chính phủ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu này, ông thấy việc kiềm chế lạm phát trong năm 2009 nên có thêm cách tiếp cận nào khác bên cạnh những giải pháp lớn đã và đang thực hiện từ năm 2008 để đạt hiệu quả cao hơn?
Ông Trần Du Lịch: "Trong mọi tình huống, cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%". Ảnh: LN
- Tôi nghĩ, nên dự liệu nền kinh tế thế giới suy thoái thì hiện tượng giảm phát sẽ xảy ra.
Trong trường hợp đó, xuất khẩu sẽ khó khăn, muốn giữ vững sản xuất thì phải chuyển hướng về thị trường nội địa. Phương án cần thiết là kích cầu trong nước để mở rộng thị trường nội địa. Có kích cầu sản xuất, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng.... mới duy trì được mục tiêu tăng trưởng hợp lý với kiềm chế lạm phát.
Trong mọi tình huống phải cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% để không phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp như thất nghiệp. Vì tăng trưởng dưới 6% sẽ không tạo ra được số việc làm cần thiết tương ứng với số lao động tự nhiên tăng lên hàng năm.
Đây là vấn đề khó giải quyết hài hòa trong điều kiện kinh tế bất ổn. Nhưng cần được tính kỹ để tránh bị động. Vì tới nay, không ai khẳng định là năm 2009 nền kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái.
Chưa kể trong cơ cấu hàng hóa, lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng rất cao. Trong tình hình suy thoái, giá mặt hàng này giảm mạnh sẽ khiến chỉ số giá cả giảm theo. Suy thoái thì chắc chắn là tăng trưởng âm.
Chưa kể năm tới, việc giá tăng một số mặt hàng thiết yếu như điện, nước... sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá chung.
Ông nhìn nhận thế nào về mức tăng trưởng GDP 7% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2009 vì thực tế cho thấy kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế?
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.
- Tôi đã nói nên chọn mức tăng trưởng 6,5 - 7%, con số tương đối mềm, chứ không nên cố định 7%.
Vì trong trường hợp bối cảnh kinh tế xấu như vậy thì phải tính toán giữa kiềm chế lạm phát với bảo đảm tốc độ tăng trưởng và tính bằng những bài toán định lượng.
Còn mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 15% trong năm 2009 thì sao, thưa ông?
- Tôi không nghĩ lạm phát sẽ vượt quá 15%.
Năm 2008, kinh tế thế giới xảy ra tình trạng hai thái cực song song: nóng (lửa) do tăng giá của lương thực thực phẩm, nhiên liệu và kim loại bên cạnh đó thị trường tài chính lại suy thoái (băng).
Cuối năm 2008, lửa giảm còn băng lại lớn lên báo hiệu một sự suy thoái
Cái tuyệt vời, rất hay của VN vừa qua là trong gọng kìm giữa lửa và băng như vậy, kinh tế vẫn lách đi được, giữ vững ổn định. Đấy là thành quả lớn của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đến lúc này, tôi nghiêng về hướng tìm biện pháp dự phòng suy thoái kinh tế thế giới hơn vì một cơn sốt về giá rất khó xảy ra.
Việc tìm biện pháp dự phòng để chống đỡ tác động của suy thoái kinh tế thế giới chưa thấy có trong chương trình nghị sự tại kỳ họp thứ tư này trong khi đó tại kỳ họp thứ ba vừa qua nhiều ĐBQH cho rằng họ rất muốn Chính phủ trình phương án đối phó với tăng giá sau tháng 6/2008 nhưng không ai đưa ra bàn?
- QH đang thảo luận, và có thể đề nghị Chính phủ cho một giải pháp dự phòng. Nhưng gốc vấn đề tôi muốn nói là dù ở tình huống lạm phát hay giảm phát thì mục tiêu rất quan trọng vẫn là phải tăng trưởng trên 6%.
- Xin cảm ơn ông!
-
Lê Nhung (thực hiện)