221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1111424
Chống tham nhũng, Việt Nam sẽ có Luật Bảo vệ nhân chứng
1
Article
null
Chống tham nhũng, Việt Nam sẽ có Luật Bảo vệ nhân chứng
,

 - Với tiêu chí xây dựng mục tiêu căn bản, đề ra giải pháp toàn diện, với một kế hoạch hành động cụ thể, có lộ trình và bước đi thích hợp, dự thảo Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 đã được các chuyên gia quốc tế phân tích, mổ xẻ tại Hà Nội ngày 25/9.

Bảo vệ nhà báo, người dân chống tham nhũng

"Đảm bảo việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng cho các cơ quan báo chí". Ảnh minh họa: VNN

Bản dự thảo cho một chiến lược được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công cuộc phòng chống tham nhũng ở VN, đề ngày 7/9/2008 khẳng định ngay từ đầu: "Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng vốn tài nguyên, tài sản nhà nước... gây tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo".

"Tham nhũng thành vật cản lớn cho công cuộc đổi mới.... Hội nhập quốc tế cũng tạo cơ hội phát sinh những vụ việc tham nhũng với phạm vi rộng hơn, khó phát hiện xử lý hơn".

Trong bối cảnh trên, bản dự thảo đã đề ra năm nhóm giải pháp "chiến lược".

Chẳng hạn, công khai minh bạch trong hoạt động công quyền để hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng;  Kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước và hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch;  Nâng cao hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng...

Tuy nhiên, góp ý cho bản dự thảo chiến lược dài 12 trang, với rất nhiều khẩu hiệu kêu gọi như "Đẩy mạnh và đa dạng hóa; Tiếp tục kiện toàn; Phát huy vai trò"... các chuyên gia quốc tế đều khuyến nghị: "Chiến lược chưa được rõ ràng".

 "Cán bộ, công chức không mặn mà với việc phát giác và tố cáo hành vi tham nhũng do họ bi quan với nguy cơ không được bảo vệ hoặc khuyến khích xứng đáng".

Cố vấn chính sách của UNDP Jairo Acuna-Alfaro

Cố vấn chính sách của UNDP Jairo Acuna-Alfaro, khi phân tích giải pháp thứ hai "hoàn thiện chế độ công vụ, công chức" lưu ý: "Ban soạn thảo nên phân tích kết quả khảo sát năm 2005 của Ban Nội chính TƯ, đó là do tỷ lệ CBCC có hành vi tiêu cực còn cao nên tham nhũng và cửa quyền trở nên phổ biến.  85,4% CBCC không mặn mà với công tác phòng chống tham nhũng do e ngại trở thành nạn nhân...".

Chuyên gia này phân tích, chiến lược phải làm rõ việc quản lý chất lượng hoạt động của CBCC, nhất là với những lĩnh vực dễ tham nhũng như công an, tài chính, ngân hàng... Nên có kế hoạch hành động rõ nét hơn cho việc xem xét các quy trình tuyển dụng cạnh tranh lành mạnh, công khai, coi trọng thực tài. Trong năm 2007, một nghiên cứu của Đan Mạch đã chỉ ra quy trình kê khai tài sản của Việt Nam chưa cho thấy rõ đối tượng, quy trình kê khai.

"Chiến lược phải xử lý được căn nguyên, gốc rễ của nạn CBCC nhũng nhiễu và đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng. Một phần hai CBCC khi được hỏi đều cho rằng quy trình thủ tục tố cáo hành vi tham nhũng và xử lý tham nhũng là hết sức đơn giản nhưng chiến lược lại chưa chỉ ra được", ông Jairo Acuna-Alfaro nói.

Tham tán ĐSQ Đan Mạch Tove Degnbol cũng cho rằng giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra, điều tra, xử lý tham nhũng chưa trình ra được một kế hoạch hành động mạch lạc.

Bà Tove Degnbol khuyến cáo: "Nên phân tích các yếu tố gây đình trệ trong các vụ xét xử và cân nhắc các biện pháp khuyến khích hợp tác, phối hợp, đặc biệt sự tham gia của các nguồn lực bên ngoài như báo chí, nhân dân".

"Các nỗ lực chống tham nhũng không nên thực hiện một cách cô lập với các cải cách về quản trị và khu vực công. Lãnh đạo cấp cao đáng tin cậy với quyết tâm cao là thiết yếu".

Cố vấn Tổ chức Minh bạch quốc tế Peter Rooke

Theo chuyên gia này, Việt Nam chưa có áp lực để tận dụng được các kênh nói trên. Trong khi đó, việc cần làm là phải tạo điều kiện và khuyến khích, bảo vệ họ, nhất là các nhà báo.

Công khai doanh nghiệp liên quan đến tham nhũng

Tuy nhiên, trong khi bản chiến lược đề ra hàng  loạt giải pháp, mà theo các chuyên gia, thực chất đây là các mục tiêu, thì bản phụ lục dài 9 trang đã trình ra được một lộ trình đến năm 2020, chủ yếu tập trung vào công tác làm luật.

Cụ thể, đến 2010 sẽ có Luật Bí mật Nhà nước; năm 2010 và 2012 sẽ xây dựng Luật Tố cáo và Luật Bảo vệ nhân chứng.

Đồng thời, đến 2010, Bộ Nội vụ và Bộ Công an sẽ ban hành quy chế khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ngoài ra, việc xây dựng Luật Chống rửa tiền (2011) và việc thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng chống tham nhũng (2011) cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tham nhũng.

Cũng theo lộ trình, đến năm 2010 sẽ có đề án về Thi tuyển các chức danh quản lý cũng như Nghị định về miễn chức, bãi nhiệm, tạm đình chỉ chức vụ.

Đáng chú ý là theo dự kiến, nhưng chưa định rõ thời gian, thì hàng năm, Bộ KHĐT sẽ phải công khai danh sách doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng.

  • Lê Nhung

Ý kiến độc giả:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,