221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1099978
Đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải do lỗi điều hành
1
Article
null
Đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải do lỗi điều hành
,

 - Trò chuyện về những vấn đề nổi cộm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, TS. Nguyễn Đức Kiên, ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng vướng mắc chủ yếu nằm ở công tác điều hành nền kinh tế. Nguyên nhân đầu tiên là quy hoạch phát triển và quy hoạch vốn không thống nhất.

Đúng với "trên", nhưng khó cho "dưới"

Năm 2004, Quốc hội (QH) từng đi sâu vào giám sát sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB, còn chủ đề của giám sát năm nay là thực hiện chính sách pháp luật ở lĩnh vực này. Phải chăng năm 2004 QH mới giám sát phần “ngọn” còn bây giờ giám sát phần “gốc” của vấn đề, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Kiên: "Phải chăng sự phân quyền giữa trung ương với địa phương đang có vấn đề?". Ảnh: DL

Giám sát lần này là bước tiếp theo của cuộc giám sát năm 2004. Bối cảnh của cuộc giám sát trước là ta chưa hội nhập WTO, mục đích là kiểm tra thực trạng tổng vốn đầu tư. Qua cuộc giám sát đó, QH thấy rằng hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này rất thiếu. Từ đó, QH đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật, như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở…

Lần này, QH giám sát để đánh giá lại rằng với những tồn tại của năm 2004 như thế, trên nền văn bản pháp luật đã được ban hành, thì còn những vấn đề gì bất cập phải xử lý tiếp, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế.

Nói rằng giải quyết tận gốc thì thật khó vì không thể có hệ thống luật nào có thể giải quyết triệt để được các vấn đề phát sinh. Nhưng hy vọng qua giám sát sẽ tìm ra được những bất cập của cơ chế, nhìn từ hai phía là phía quản lý nhà nước và phía những người thụ hưởng chính sách để tiếp tục tháo gỡ.

Qua các phiên làm việc của đoàn giám sát, ông thấy những gì đang là bất cập, bức xúc đáng chú ý hiện nay?

Có một điểm dường như rất mâu thuẫn là các bộ khi ban hành chính sách đều với dụng ý rất tốt nhưng giữa các bộ với nhau mà càng làm nhiệm vụ xuất sắc bao nhiêu thì ở dưới địa phương anh em thực hiện lại thấy có vấn đề, thấy khó bấy nhiêu.

Phải chăng sự phân giao nhiệm vụ giữa các bộ với nhau và sự phân quyền giữa trung ương với địa phương hiện nay đang có vấn đề nên mới phát sinh ra vướng mắc như thế.

Ví dụ như quy định về mô hình ban quản lý dự án. Theo Luật Xây dựng thì có Nghị định 16 để hướng dẫn, khi không thực hiện được thì lại sửa bằng Nghị định 112. Nhưng cũng với hai nghị định này, Bộ Giao thông vận tải có mô hình ban quản lý khác, Bộ Nông nghiệp có mô hình khác.

Dưới cấp tỉnh thì người ta nói thẳng là nếu thực hiện theo hai nghị định này và Thông tư 02 của Bộ Xây dựng thì chất lượng các công trình xây dựng ở cấp huyện và cấp xã có vấn đề.

Như vậy, chúng ta thấy vấn đề rằng hình thành bộ máy chuyên nghiệp để quản lý chất lượng, hiệu quả của vốn đầu tư thì ai cũng mong muốn, nhưng khi ban hành thì chính sách ấy đúng với cấp trên nhưng không phù hợp với cấp dưới.

Xã hội hóa công trình sinh lời

Một khi các quy định của pháp luật trở nên chặt chẽ và phân khúc rõ ràng thì rất dễ bắt lỗi trong quá trình thực hiện các dự án, nhưng trên thực tế tình trạng chậm tiến độ, đầu tư dàn trải vẫn diễn ra, nhưng những người có lỗi rất ít bị bắt lỗi, phải chăng pháp luật vẫn thiếu chế tài đủ mạnh?

Không phải thế. Chúng ta nên nhìn lại xem căn nguyên của việc chậm tiến độ trong các dự án nằm ở đâu. Theo tôi, bất cập trong giải phóng mặt bằng hay năng lực nhà thầu cũng chỉ là một nguyên nhân mà thôi. Nguyên nhân lớn hơn nằm ở độ vênh giữa quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và trung ương. Nó biểu hiện ở tình trạng các dự án có nhu cầu đầu tư với khả năng được thông qua và khả năng đáp ứng vốn là không đồng nhất.

Ví dụ, khi trình duyệt thì phần lớn các dự án đưa ra đều có nhu cầu bức thiết và chúng đều được duyệt. Nhưng khi thực hiện, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 50-60%, vì vậy thời gian triển khai một dự án bị kéo dài gấp đôi là chuyện bình thường.

Như vậy, gốc của vấn đề có vẻ như nằm ở công tác quy hoạch và kế hoạch?

Nói thẳng thắn thì nó nằm ở công tác điều hành nền kinh tế. Nguyên nhân đầu tiên là quy hoạch phát triển và quy hoạch vốn không thống nhất. Ở đây có trách nhiệm trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan tham mưu trong việc phê duyệt quy hoạch.

Một vấn đề cần phải nói nữa là khi phân cấp mạnh cho địa phương thì sự phối hợp giữa cơ quan lập quy hoạch và cơ quan duyệt ngân sách ở trung ương phối hợp với địa phương như thế nào.

Nghị quyết năm 2005 của QH nhấn mạnh đến việc phân cấp trong đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng như ông vừa nói thì phân cấp cũng làm nảy sinh những rắc rối nhất định, vấn đề này cần được giải quyết thế nào?

Tất cả nguyên nhân đều bắt đầu từ con người. Vì vậy không gì hơn là phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ được phân cấp. Ví dụ như đối với các xã được phân cấp làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm, thì phải đào tạo người ta biết cách quản lý hoặc ít nhất cũng phải biết cách huy động sự giám sát của xã hội.

Thứ hai, phải nâng cao khả năng đáp ứng vốn cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngoài việc các cơ quan tài chính đảm bảo tốt thu ngân sách thì phải xã hội hóa nguồn vốn đầu tư với những công trình có thể sinh lời.

Thứ ba, Chính phủ và QH phải có những động thái kiên quyết hơn và tiếp tục giao quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp tỉnh. Đồng thời với giao cho lãnh đạo địa phương toàn quyền sử dụng vốn là quy định chặt chẽ việc chịu trách nhiệm về sử dụng vốn.

Cạnh đó, phải linh động trong việc bố trí vốn để xử lý dứt điểm từng dự án đầu tư. Phải chấp nhận tình trạng là có những nơi được bố trí vốn trước, hoàn thành công trình trước, có những nơi chịu đựng khó khăn sau một thời gian. Trong kinh tế đòi hỏi phải có sự tương trợ, chia sẻ chứ nếu cứ đòi hỏi công bằng theo kiểu cào bằng thì vẫn sẽ còn tình trạng rải mành mành mỗi nơi một tí, không có hiệu quả.

  • Diệp Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,