- Trong 6 tháng qua, trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội (trụ sở HN) đã tiếp nhận 2.610 việc của dân, gồm: khiếu nại, tố cáo, phản ánh… Trong đó số việc về đất đai chiếm một lượng đáng kể: 1.300 việc.
50% tổng số vụ việc liên quan đến đất
6 tháng qua trụ sở HN đã tiếp trên 10 nghìn lượt người. Tuy lượng người đến tăng khá cao so với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái nhưng số vụ việc thì lại giảm đi đến 9%. Tổng cộng có 2.610 việc, cụ thể: khiếu nại 1.699 việc; tố cáo 379 việc; kiến nghị 394 việc và các nội dung khác 138 việc.
Hàng trăm tiểu thương đã khiếu nại về chợ Hàng Da (HN) khi chuyển thành trung tâm thương mại.
Có 1.514 việc đã được các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết, chủ yếu là ở các UBND tỉnh, thành phố và các cấp sở, ngành. Bộ, ngành ở Trung ương cũng đã giải quyết 250 việc.
Đáng chú ý, trong 2.610 việc thì có tới 1.300 việc liên quan đến đất đai. Ví dụ như ngày 7/1, ông Lại Tuấn Thắng và 9 người khác trú tại xã Thanh Hà (Thanh Liêm, Hà Nam) khiếu nại đòi đền bù đất Nhà nước thu hồi để xây dựng nhà máy bia - nước giải khát nhưng không bồi thường.
Tiếp đến ngày 17/1, ông Hoàng Bá Tuệ và hơn ba chục người trú tại Phù Chẩn (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng khiếu nại việc địa phương thu hồi đất của các hộ dân để xây dựng khu công nghiệp đô thị và dịch vụ Việt Nam - Singapore nhưng việc đền bù, thu hồi chưa đúng chính sách.
Bà Dương Thị Dự cùng 10 người khác trú tại xã Dương Nội (Hoài Đức, Hà Tây) lại có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét việc địa phương này đưa quá nhiều dự án công nghiệp về, thu hồi hết đất nông nghiệp của dân, nên hiện đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Gần giống như bà Dự, bà Nguyễn Thị Ngần (Dương Nội, TP. Hà Đông, Hà Tây) cũng khiếu nại việc địa phương thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân để giao cho tập đoàn Nam Cường xây dựng khu đô thị mới, nhưng đền bù không chuẩn, áp giá quá thấp, các hộ dân không còn đất sản xuất, lại không biết làm gì ngoài nghề nông nên cũng gặp khó trong cuộc sống.
Khiếu nại đông người tăng
Dù đã cảnh báo về hiện tượng khiếu nại tố cáo đông người gia tăng trong thời gian gần đây nhưng trụ sở HN cũng đã phải tiếp đến 195 đoàn đông người (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái).
Điển hình như đoàn đông tới 200 người trú tại phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) tới đề nghị cấp phép lưu hành cho xe thương binh. Ngày 17/1, ông Bùi Khắc Đờn và 360 người dân trú tại xã Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương) cũng tới trụ sở HN khiếu nại liên quan tới đòi đất đền bù.
Một vụ khác liên quan tới chế độ chính sách là ông Vương Mạnh Thắng ở Hiền Ninh (Sóc Sơn, HN) đi cùng 20 người tới khiếu nại việc tháng 3/2008 phòng lao động thương binh xã hội huyện đình chỉ chi trả trợ cấp chất độc màu da cam đối với 277 đối tượng không rõ lý do.
Chợ Hàng Da (HN) cũng là điểm “nóng”. Bà Vũ Thị Văn trú tại Cửa Đông (Hoàn Kiếm, HN) cùng 500 tiểu thương đề nghị xem xét lại việc xây dựng, chuyển đổi chợ Hàng Da thành trung tâm thương mại sao cho phù hợp để các hộ dân làm ăn, kinh doanh. Theo các hộ dân này, họ đã phải đóng góp tiền để xây dựng chợ vào những năm 1989-1992, vì vậy khi chuyển đổi cần có sự bàn bạc, giải thích. Các hộ không chấp nhận việc giao cho doanh nghiệp tư nhân quản lý trung tâm thương mại.
Một số đoàn khiếu nại, tố cáo về tham nhũng. Cụ thể là ông Vũ Ngọc Thanh trú tại Yên Sở (Hoàng Mai, HN) và một số người tố cáo ban quản lý dự án đường vành đai 3PU Thăng Long cùng một số cán bộ UBND phường Yên Sở tham ô, tham nhũng gây thất thoát tài sản của Nhà nước nhiều tỷ đồng; hay ông Nguyễn Duy Mùi cùng gần 30 hộ dân ở thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cũng tố cáo cán bộ huyện có nhiều sai phạm trong việc quản lý sử dụng đất.
Ngoài các vấn đề về đất đai, chính sách, tham nhũng, người dân còn khiếu nại tố cáo các vấn đề khác liên quan đến tài sản, án, kỷ luật đảng, đánh người, giam giữ…
- Đỗ Minh