- Cam kết sẽ thúc đẩy nhiều chương trình để tránh tái diễn sốt gạo, hạn chế tình trạng ngành điện "một mình một chợ" và chống đầu cơ buôn lậu, nhập siêu, đồng thời, trong phiên trả lời chất vấn sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng "cam kết những lần tới sẽ trả lời ĐBQH tốt hơn".
Chủ đề tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành "nóng rẫy" qua những giải trình khác nhau của hai vị tư lệnh ngành Tài chính và Kế hoạch đầu tư lại tiếp tục được đặt lên bàn chất vấn người đứng đầu Bộ Công thương.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Sốt gạo do Bộ công thương dự báo kém và do quản lý hệ thống bán lẻ". Ảnh: TTXVN
"Ngành điện luôn kêu không đủ vốn. Chúng tôi cũng đành phải nói với cử tri như vậy. Nhưng tại sao ngành điện lại đầu tư sang chứng khoán, resort, viễn thông… Đến nay đã đầu tư hết bao nhiêu %, bao nhiêu tỷ, làm như vậy có lộn nghề không?", ĐB Danh Út (Kiên Giang) thắc mắc.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn lại quyết định của Thủ tướng, theo đó "trong chức năng của Tập đoàn Điện lực, ngoài sản xuất cung ứng điện, Tập đoàn được phép làm việc khác nhưng cũng nhằm phục vụ mục tiêu chính", và vì thế EVN đã lấn sang viễn thông, ngân hàng...
"Trước khi tham gia vào viễn thông thì đã có sẵn mạng lưới phục vụ cho sản xuất, cung ứng, chỉ cần tận dụng lại và bổ sung thêm. Còn việc EVN có cổ phần trong ngân hàng An Bình là với mục đích vay một số khoản tín dụng, vừa qua đã vay gần 2.000 tỉ đồng", ông Hoàng giải thích.
Về việc lập resort, ông Hoàng nói, do Ban quản lí khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên Huế) kêu gọi đầu tư và hưởng ứng lời mời gọi tha thiết của tỉnh nên EVN đã cùng các tập đoàn khác thành lập công ty cổ phần với vốn điều lệ là 200 tỷ đồng để nghiên cứu dự án này. "EVN chỉ có 24 tỉ, chiếm 12% trong số 200 tỉ đồng vốn và đây là vốn tự có, vốn đi vay của ngành điện. Rõ ràng không phải là cổ đông chi phối", ông Hoàng khẳng định.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đầu tư ngoài ngành của EVN chỉ chiếm 3,4% và chưa hề có dự án nào cho BĐS như dư luận và báo chí nói đến.
Điện: Lợi ích ngành lên trên lợi ích dân?
"Điệp khúc mùa khô thiếu điện. Ba năm qua có nhiều dự án về điện, tại sao vẫn luôn thiếu? Chưa kể, EVN mua điện nước ngoài giá cao, điện trong nước giá thấp? Xin hỏi lý do?", Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Hoàng Anh truy vấn.
TIN LIÊN QUAN
"Xin khẳng định không có chuyện này", ông Hoàng nói. Nếu tính thuế, thì ngành điện đang mua của nhà máy điện Cà Mau 1 là 1044 đồng/1Kwh, mua của TQ 780 đồng/1Kwh.
"Chẳng biết Bộ giải thích thế nào nhưng dân Quảng Trị vẫn đang bức xúc vì cắt điện liên tục từ 18h - 21h hàng ngày trong khi nhà hàng, quán xá đủ điện 100% thời gian", ĐB Hoàng Văn Em bức xúc.
Người đứng đầu Bộ Công thương nhận lỗi: "Xảy ra thiếu điện có phần trách nhiệm của chúng tôi". Nhưng ông cũng giải trình: "Vừa qua chúng tôi đã nỗ lực xây nhà máy điện mới. Về lý thuyết sẽ có 33 nghìn MW dự phòng. Song nhiều công trình đưa vào hoạt động nhưng vì sự cố phải dừng như Nhà máy điện Uông Bí mở rộng, một số nhà máy tuốc bin khí trong Sài Gòn... Chúng tôi sẽ cố điều độ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu", ông Hoàng lạc quan.
"Nghị quyết Đảng đã định hướng 2020, đất nước sẽ công nghiệp hóa, nhưng chúng tôi thấy ngành điện không ưu tiên đưa điện đến những khu vực nông thôn có nhu cầu, những khu vực khó khăn. Trong khi đó báo chí đăng điện ở Nhà máy khí điện đạm Cà Mau không được sử dụng. Có phải Bộ đã đặt lợi ích ngành lên trên lợi ích dân, đặc biệt nông dân?" - ĐB Phạm Thị Hòa (An Giang) hỏi thẳng.
Ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận: "Đúng là có tình trạng hạn chế cung cấp điện cho ĐBSCL. Do đây là vùng sông nước, sản xuất lương thực bà con tự tưới tiêu. Nên ngành điện chỉ đầu tư phục vụ cho sinh hoạt và chỉ xây trạm biến áp 1 pha. Gần đây do người dân chuyển đổi cơ cấu như chuyển sang chế biến thực phẩm, nhu cầu cao, đòi hỏi phải có trạm biến áp 3 pha. Song địa bàn rộng và mức độ đầu tư lớn nên thời gian làm bị chậm trễ".
"Nhà máy điện Cà Mau 2 mới đi vào vận hành hai hôm nay, công suất 1500Kw sẽ đáp ứng nhu cầu. Sắp tới, sẽ mở thêm những nhà máy khác", ông Hoàng hứa.
ĐB Nguyễn Duy Hòa (Thanh Hóa) tiếp tục: "Mua bán điện là hợp đồng dân sự tự nguyện. Sao người dân chậm nộp tiền thì bị phạt, bị cúp điện. Còn ngành điện cúp tùy tiện thì không thấy xử lý? Như vậy là vô trách nhiệm? Giá tăng tùy tiện, lại mua qua nhiều trung gian. Chúng tôi cho rằng ngành điện có thể độc quyền truyền tải chứ không nên độc quyền giá mua bán? Bộ xử lý thế nào?".
ĐB Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang): "Bộ trưởng nói Bộ trưởng nghiên cứu. Cứ nói vậy tôi về không biết trả lời cử tri thế nào". Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; "Xin tiếp thu nhận xét của ĐB Trần Du Lịch. Trong những lần tới tôi cam kết trả lời mức cao nhất".
"Không ít ĐB thắc mắc về tăng giá, nhưng xin khẳng định là không có. Mỗi bước đi của ngành điện đều có ý kiến của Bộ, trao đổi, thống nhất các phương án. Còn giá điện một số nơi là do cơ chế bán điện tự nó gây ra", ông Hoàng nói.
Bộ trưởng nói thêm, giá bán của ngành thấp nhưng đến người dân cao vì nhiều nơi vẫn duy trì cơ chế các tổ bán điện, thầu công tơ tổng và bán cho dân nên để xảy ra thất thoát hao hụt lớn. "Chúng tôi đã đề nghị địa phương điều chỉnh để ngành điện bán trực tiếp cho dân để giá đến nông dân đảm bảo đúng giá nhà nước. Không thể vì lợi ích của một nhóm nhỏ, quên lợi ích cộng đồng", ông Hoàng tiếp tục hứa.
"Chuyển tải là nhà nước độc quyền. Chính phủ đã phê chuẩn lộ trình thị trường hóa ngành điện. Theo đó, từ 2006 - 2014 thị trường hóa phát điện. Lộ trình bán buôn giá điện 2014 - 2012.Thị trường bán lẻ giá bán điện từ 2022 trở đi. Câu chuyện giá điện là rất nhạy cảm. Cho đến lúc này lộ trình vẫn bảo đảm. Lẽ ra tháng 7 sẽ điều chỉnh tăng giá, nhưng do mục tiêu chống lạm phát nên vẫn thực hiện giá cũ", Bộ trưởng trao đổi.
Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Du Lịch: "Bộ trưởng đã trả lời ba câu hỏi của tôi qua văn bản nhưng xin thưa là trả lời 10 trang của Bộ Công thương không giải đáp được gì cả. Tuy nêu lại những chỉ tiêu quy hoạch 2010, tôi đọc hết, nhưng quy hoạch là có ghi mục tiêu phát triển ngành gì, nghề gì, tỷ trọng bao nhiêu mà không nói làm cách nào, ai làm, nguồn lực nào?". Ảnh: TTXVN
CN phụ trợ: Có sinh, không có dưỡng
Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Hoàng Anh về chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình: "Bộ đã bàn nhiều, cả với Chính phủ Nhật Bản về triển khai, kế hoạch đã làm nhưng kết quả hạn chế. CP đã có ưu đãi nhưng nguyên nhân chưa thành công, là do Bộ Công thương chưa đủ ráo riết và nỗ lực. Chúng ta chỉ ban hành cơ chế chính sách mà không tạo điều kiện thực thi, có sinh không có dưỡng".
Theo ông Hoàng, do đầu tư phát triển CN phụ trợ ban đầu tỷ suất lợi nhuận thấp, không sinh lợi như các ngành khác.
Ông Hoàng Anh tiếp tục: "Cứ nói cố gắng mà không đưa ra lộ trình, e là khó làm. Tăng xuất khẩu mà hàm lượng giá trị gia tăng không bao nhiêu, sẽ rất khó khăn".
ĐB Trần Du Lịch "nhấn" tiếp: "Công nghiệp VN ngày càng thể hiện xu hướng gia công, giá trị gia tăng trên hàng xuất khẩu ngày càng giảm. Nếu năm 1995 là 40% thì nay chỉ còn 20%, không có triển vọng giảm nhập siêu, và đây lại là nguy cơ gia tăng lạm phát khi thế giới lạm phát. Bộ Công thương sẽ sử dụng công cụ thị trường nào để giảm rủi ro về giá cả, hối đoái? Chúng ta đã gia nhập WTO, phải tuân thủ nguyên tắc thương mại tự do, biện pháp phi thuế quan nào để giảm nhập siêu?".
Ông Hoàng thừa nhận: "Giá trị gia tăng trong công nghiệp gia công, chế biến đúng là ngày càng giảm do chi phí trung gian còn quá cao giữa đầu vào và đầu ra, nguyên liệu tiêu hao lớn, liên quan đến công nghệ và chi phí vật tư. Năm 2008, giá đầu vào tăng nhiều, trong khi giá trị gia tăng xuất khẩu chỉ còn 8%.
Giải pháp là doanh nghiệp phải bố trí, sắp xếp lại qui trình sản xuất, tiết kiệm chi phí đầu vào, như là tiết kiệm điện. Đổi mới dây chuyền công nghệ để tiết kiệm thời gian, nhân lực, nguyên liệu... Tuy nhiên việc này còn liên quan đến vốn đầu tư và ý chí của doanh nghiệp".
Về đợt sốt gạo vừa qua, người đứng đầu Bộ Công thương nói, do hệ thống phân phối và bán lẻ lương thực có vấn đề. "Trước kia khi quốc doanh quản lý, nhà nước có hệ thống đến tận xã phường. Nay hệ thống bán lẻ do tư nhân đảm nhận. Lâu nay không bao giờ sốt, do luôn được mùa và chủ quan. Có trách nhiệm của Bộ Công thương trong dự báo tình hình và quản lý hệ thống bán lẻ", ông Hoàng nói.
Dự kiến, TCT lương thực miền Nam sẽ lập ở thành phố lớn, mỗi quận 1 cửa hàng bán gạo. Thứ hai, sử dụng hệ thống phân phối bán lẻ hàng cao cấp. Thứ ba, giao TP.HCM luôn dự trữ khoảng 200 triệu tấn. Thứ tư, ở các tỉnh thành khác chủ động xây dựng hệ thống.
Sau Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục đăng đàn chất vấn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn cuối cùng.
ĐB Nguyễn Đình Xuân: "Tôi sẽ tiếp tục hỏi về giá điện" Tôi không đồng tình với giải trình của Bộ trưởng về điện. Nếu Bộ trưởng hỏi dân, anh đồng ý trả tiền đắt vào mùa khô hay cắt điện mùa khô thì người dân sẽ nói tôi xin trả đắt. Không thể nói, vì sợ lỗ mà cắt điện. Nhiều năm nay, là ĐBQH nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh như CP nói là do thiếu điện nên mới phải cắt còn lý do vì đắt hay rẻ là không được. Giả sử tất cả xe buýt thành phố đều lấy lý do vì lỗ nên chúng tôi không hoạt động nữa? Dĩ nhiên không được. Vì đây là các ngành dịch vụ công cộng. Lỗ thì phải giải quyết, phải tính cách. Tôi cứ sợ rằng việc còn thừa công suất mà cắt điện là không đúng. Nhưng tôi muốn Bộ trưởng khẳng định điều này. Và nếu có tình trạng này xảy ra như người dân nói và báo chí thông tin thì liệu Bộ có can thiệp không? Có văn bản nào cho phép ngành điện cắt điện để bù lỗ? Về giá điện, Bộ trưởng cho rằng do tổ điện tăng giá. Thực ra có chuyện thu tiền cao, do quản lý, do để đền bù hao hụt nhưng không có chuyện bán quá 700 đồng/Kwh điện cho nông thôn vì đây là quy định. Khi các tổ điện này chuyển cho điện lực thì điện lực bán giá cao hơn. Điều này chính ngành điện lực mới là đơn vị vi phạm cam kết của Chính phủ, về việc không thể bán điện cho nông thôn với giá trên 700đồng/Kwh. Tổ điện có thể thu lên 1000 đồng nhưng là do hao hụt 30%. Và họ cũng không hưởng tất cả, mà đóng lại cho ngành điện lực. |
-
Lê Nhung