- Không chú tâm vào lãnh địa mà Nhà nước giao phó, đem tiền vốn đi đầu tư vào các lĩnh vực "tay trái" với lý do "lấy ngắn nuôi dài"... Vai trò của các tập đoàn Nhà nước - "anh cả" nền kinh tế quốc dân - bị các đại biểu QH yêu cầu chấn chỉnh. Theo phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Lê Quốc Dung, từ nay đến cuối năm, Chính phủ phải sơ kết việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Tập đoàn: Thành lập tràn lan, đầu tư phân tán
Thủ tướng và các bộ, ngành phải rà lại từng tập đoàn, các tập đoàn phải rà lại từng dự án chứ không thể chung chung (Ảnh: VA) |
- Đầu kỳ họp QH, ông từng nói "tập đoàn kinh tế sẽ phải trả giá vì kinh doanh đa ngành". Ông có thể nói rõ hơn nhận định này?
Các tập đoàn có vấn đề đáng quan tâm trong quản lý Nhà nước, thứ nhất là việc thành lập tập đoàn mới là thí điểm thôi nhưng đã thành lập tràn lan, đã có đến 70 tập đoàn. Một số đã đầu tư sang rất nhiều lĩnh vực phân tán: ngân hàng, tài chính, tín dụng, các khu đô thị, khu du lịch...
Vốn mà Nhà nước giao cho họ để đầu tư vào những lĩnh vực chính nhằm đảm bảo kinh tế vĩ mô đã có biểu hiện bị sử dụng phân tán, làm chậm một số dự án mà Nhà nước giao. Chính vì thế, Thủ tướng đã làm việc với các tập đoàn và yêu cầu phải tập trung 70% vốn vào nhiệm vụ chính.
Nhưng vốn đã rải ra các dự án rồi thì việc thu hồi lại để tập trung vào nhiệm vụ chính chắc là không thể đơn giản, không thể một sớm một chiều. Và chính việc đầu tư rộng ra các lĩnh vực, lập ngân hàng, công ty tài chính, chứng khoán làm phân tán vốn, cho vay vốn không hợp lý, lấy ngắn để cho vay dài rồi cho vay nội bộ đã kéo theo khủng hoảng cơ cấu, dẫn đến vấn đề tiền tệ.
Vấn đề quản lý Nhà nước theo quan điểm của tôi là Chính phủ phải kiểm soát các hoạt động của tập đoàn và trong thí điểm thì phải sớm tổng kết, sơ kết để rút kinh nghiệm điều chỉnh lại, đặc biệt các tập đoàn Nhà nước phải hoạt động đúng yêu cầu, nhiệm vụ để đảm bảo cân đối kinh tế vĩ mô, nếu không thì thành đa di năng, không chuyên sâu theo đúng sự phân công, sẽ bất lợi cả về lâu dài và trước mắt.
- Theo ông, "sớm tổng kết " nghĩa là bao giờ?
Tôi nghĩ ngay trong năm nay cần phải điều chỉnh rút kinh nghiệm, từ giờ đến cuối năm phải làm được.
- Rất nhiều đại biểu cũng cho rằng phải chấn chỉnh hoạt động các tập đoàn Nhà nước, nhưng cụ thể cần chấn chỉnh như thế nào?
Có nhiều biện pháp - cả hành chính lẫn kinh tế. Các tập đoàn thời gian vừa rồi đầu tư dàn trải rất nhiều địa bàn, lĩnh vực cho nên không hiệu quả. Có thông tin nói có tập đoàn chỉ lãi 0,4%, như vậy thì rất nguy hiểm.
Cho nên phải xem lại để có những biện pháp về hành chính, về nhân sự, cho đến vấn đề vốn. Nếu phát hiện tập đoàn nào có biểu hiện thua lỗ thì phải có biện pháp kịp thời chứ không thể để đến mức xấu hơn.
- Lẽ nào lại đóng cửa resort hay ngân hàng của họ?
Trước hết phải hạn chế không cho mở rộng, thứ hai là xem xét những dự án ấy hợp lý đến đâu, nếu mới triển khai và không thích hợp thì phải dừng lại.
Phải có biện pháp về hành chính, về nhân sự, cho đến vấn đề vốn. Nếu phát hiện tập đoàn nào có biểu hiện thua lỗ thì phải có biện pháp kịp thời (Ảnh minh họa) |
Dù đụng chạm cũng phải làm
- Ông có cho rằng việc này sẽ khiến Chính phủ phải đau đầu?
Thủ tướng và các bộ, ngành phải rà lại từng tập đoàn, các tập đoàn phải rà lại từng dự án chứ không thể chung chung. Chung chung thì không thể giải quyết được điều gì.
- Như thế sẽ động chạm lợi ích của không ít người?
Tất nhiên phải động chạm nhưng phải đặt lợi ích của đất nước, của cả nền kinh tế lên trên hết.
- Ông có dự định đem vấn đề này ra chất vấn trước QH không?
Đã có đại biểu chất vấn rồi nhưng trong điều kiện cụ thể, tôi sẽ chất vấn thêm.
- Quay lại biện pháp hành chính để can thiệp hoạt động kinh tế mà ông nói đến, ông có nghĩ là sẽ rất khó áp dụng chúng?
Cái đó là quyết tâm của Chính phủ, phải cân nhắc lợi ích. Tôi sẽ theo dõi xem Chính phủ quyết tâm đến đâu.
-
Vân Anh