221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1065185
Hãy thừa nhận họ là nạn nhân chất độc da cam!
1
Article
null
Hãy thừa nhận họ là nạn nhân chất độc da cam!
,

 - Hơn 30 năm trôi qua. Đã có sự quên lãng quá lâu một trong những vấn đề bức xúc hậu chiến tranh ở Việt Nam. Cần ít nhất từ phía những người gây ra hậu quả sự thừa nhận, sự thực có hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Sự phân rẽ trong nhận thức

Những người tham gia điều trần đầu tiên về chất độc da cam tại Hạ Viện Mỹ hôm 16/5 vừa qua đã không lảng tránh một sự thực hiển nhiên: chính những con người cụ thể mới là nạn nhân trực tiếp, đau đớn nhất của chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.  

Mô tả ảnh.
Một gia đình nạn nhân da cam/dioxin.  Ảnh: VNN

Trong các bản trình bày tại phiên điều trần, các diễn giả đã không tách rời sự liên quan trực tiếp giữa việc môi trường bị nhiễm độc và ảnh hưởng của môi trường nhiễm độc đó đến sức khỏe con người. Đó là sự kết nối, biện chứng tất yếu.

Nhưng lâu nay, những tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Mỹ thường né tránh sự thừa nhận khái niệm "những nạn nhân chất độc da cam/dioxin", trái ngược với đông đảo dư luận Mỹ đồng tình rằng đó là sự thực không thể chối bỏ.

Quan chức Mỹ chỉ thừa nhận, môi trường một số khu vực ở Việt Nam bị phun, rải, nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng không thừa nhận sức khỏe con người sống ở môi trường đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cách thừa nhận không biện chứng, không logic đó dẫn đến sự lãng quên số phận khắc nghiệt, vô tội của hàng triệu nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam sau chiến tranh.

Phiên điều trần đầu tiên tại Hạ viện Mỹ vừa qua đánh động việc phải thừa nhận nghiêm túc khái niệm này. Chủ đề phiên điều trần đã nói rõ : "Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?".

Trả lời phóng viên Tuổi trẻ tại Washington DC, Nghị sĩ Eni Faleomavaega, chủ tịch tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu Mỹ, người thúc đẩy phiên điều trần diễn ra tại Hạ viện, đã thẳng thắn: "Ở Việt Nam, không chỉ có binh lính có vấn đề, có cả hàng triệu dân thường vô tội cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam, không chỉ có quân đội miền Bắc mà cả toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam".

Tuy nhiên, tại phiên điều trần, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Scot Marciel, thay mặt chính phủ Mỹ, tiếp tục phủ nhận bất cứ trách nhiệm pháp lý nào liên quan đến chất độc da cam mà cho rằng các trao đổi về vấn đề này cần dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.

Mô tả ảnh.
Sự thực có hớn 3 triệu người triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh minh họa : dioxinvn.info

Thực tế, đã có không ít công trình nghiên cứu về vấn đề này của các nhà khoa học uy tín hàng đầu của Mỹ và thế giới đưa ra trong nhiều năm qua. Viện Hàn lâm Y học Mỹ từng công bố nhiều loại bệnh có trong cơ thể cựu chiến binh Mỹ do chất độc da cam/dioxin gây ra.

Trong ngày diễn ra phiên điều trần về chất độc da cam/dioxin tại Mỹ, mạng tin "Arzteblatt.de" của Đức dẫn tài liệu nghiên cứu nhiều năm của Hiệp hội tiết niệu Mỹ (AUA) ở Orlando khẳng định nạn nhân chịu đau khổ từ chiến dịch làm trụi lá cây của Mỹ phần lớn là những người dân Việt Nam và các thế hệ con cháu họ, với hàng triệu trẻ em chịu tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Sự né tránh thừa nhận những nạn nhân chất độc da cam/dioxin phản ánh sự phân rẽ trong nhận thức nước Mỹ về bản chất thực sự của vấn đề này.

"Da cam là vấn đề nhân đạo"

Trao đổi với VietNamNet trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh, thành viên nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin đã bình luận rằng phía Mỹ luôn tránh từ "nạn nhân" khi nói về các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Bởi lẽ, nếu chấp thuận dùng từ "nạn nhân" sẽ hàm ý họ phải có trách nhiệm với những gì đã gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.

Bà Ninh nói "Tôi đã từng nói với một số người Mỹ rằng tại sao quý vị lại nhạy cảm thế khi nói đến những "nạn nhân" chất độc da cam. Một số người phía Mỹ, chủ yếu là thành phần trí thức, quan chức chính phủ muốn hiểu "nạn nhân" như trong nghĩa nạn nhân của tai nạn giao thông. Nhưng với Việt Nam, từ "nạn nhân" phải hiểu theo nghĩa họ là nạn nhân của một di sản chiến tranh. Di sản đó không phải do người Việt tự gây cho mình mà do phía Mỹ gây nên".

Không thừa nhận khái niệm "nạn nhân chất độc da cam/dioxin", tức không thừa nhận tác hại trực tiếp của chất độc đối với con người, cũng là cái cớ để các công ty hóa chất Mỹ chối bỏ việc bồi thường cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam trong một vụ kiện đang diễn ra.

Mô tả ảnh.
 Nghị sĩ Mỹ Eni Faleomavaega nói "Da cam là vấn đề nhân đạo". Ảnh minh họa : Tuổi trẻ

Trong khi đó, thật tréo ngoe khi các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được chính phủ Mỹ thừa nhận và bồi thường thiệt hại còn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam lại bị chối bỏ, chối bỏ ngay từ khái niệm thừa nhận họ chính là nạn nhân ảnh hưởng loại chất độc nhất trong số những chất độc mà con người đã tổng hợp được từ trước đến nay.

Lịch sử ghi lại quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó, chủ yếu là chất da cam có chứa 366 kg dioxin trên diện tích hơn 2,63 triệu ha, làm hơn ba triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Cần thiết phải xác định đúng bản chất sự việc cũng để nhìn rõ trách nhiệm vốn bị bỏ quên quá lâu của những người tạo nên hoàn cảnh, sự việc đó.

Nghị sĩ Eni Faleomavaega đã nói "Da cam là vấn đề nhân đạo". Trong tầng nấc ý nghĩa đó, có thể hiểu, thừa nhận sự tồn tại đau đớn của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cuộc sống này chính là sự nhân đạo. Nhân đạo có nghĩa không thể bỏ quên sự tồn tại đau đớn của họ, bằng cả lương tâm và trách nhiệm, hành động nghiêm túc.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trần Xuân Thu từng hài hước chia khoản viện trợ hứa hẹn 3 triệu USD hỗ trợ tẩy độc ở Việt Nam của Quốc hội Mỹ. Nếu quy đổi thành hỗ trợ cho con người, tính trung bình mỗi nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam chỉ được hưởng 1 USD, một mức quá khiêm tốn. Sự hài hước của ông Thu để thấy lương tâm và trách nhiệm, hành động không thể nửa vời, không thể tượng trưng.

Hơn 30 năm trôi qua. Đã có sự quên lãng quá lâu một trong những vấn đề bức xúc nhất hậu chiến tranh ở Việt Nam. Cần ít nhất từ phía những người gây ra hậu quả sự thừa nhận, sự thực có hơn 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

  • Xuân Linh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,