- Thảo luận về việc thực hiện luật quốc tịch theo hướng mở, chiều 4/3, ban soạn thảo và biên tập Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 đặt vấn đề nên chăng thực hiện đăng kí công dân, đăng kí giữ quốc tịch đối với những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Luật quốc tịch - mở nửa chừng càng khó
Bàn về những quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc xây dựng dự thảo luật, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đặt vấn đề, trước đây, Việt Nam quan niệm khả năng quản lý được đến đâu thì "mở" đến đấy. Ngày nay, việc này cần phải tiến hành theo nguyên tắc, mở đến đâu, quản lý cố gắng vươn tới đến đấy.
Tuy nhiên, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc ban hành Luật quốc tịch sửa đổi, nêu một trong 4 nguyên tắc cơ bản là kiên định nguyên tắc một quốc tịch nhưng có những chế định mềm dẻo về quốc tịch.
Ông Trịnh Đức Hải, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, nguyên tắc này đi ngược lại Nghị quyết 36 Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, không phù hợp với thực tế Việt Nam cũng như đi ngược lại xu hướng của thế giới.
"Chúng ta không thể xây dựng Luật Quốc tịch từ khoảng không mà phải dựa trên hiện trạng pháp lí", trong đó, Việt Nam đang từng bước làm rõ địa vị pháp lý của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng sát với công dân trong nước. Việt Nam không thể tránh né thực tế hai quốc tịch của người Việt Nam hiện nay.
Qua khảo sát tại 16 nước cho thấy, xu hướng của 10 năm trở lại đây là công nhận nhiều quốc tịch cho công dân trên cơ sở lợi ích quốc gia và phù hợp với xu thế di cư quốc tế. Việt Nam cũng nên theo xu hướng này, không nên nêu nguyên tắc một quốc tịch trong Luật, ông Hải nói.
Bản thân Trung Quốc áp dụng quy định một quốc tịch triệt để nhưng gần đây cũng đã theo hướng mở hơn, cho phép công nhận hai quốc tịch cho các học giả Trung Quốc ở nước ngoài.
Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước cho rằng, Việt Nam nên xây dựng Luật Quốc tịch sửa đổi theo hướng mở ra. Nếu mở nửa chừng, sẽ càng khó trong giải quyết các vấn đề thực tế.
Đăng kí giữ quốc tịch - nên chăng?
Đặt vấn đề cho phép hai quốc tịch, các nhà lập pháp cũng nêu câu hỏi, có nên chăng Việt Nam0 thực hiện đăng kí công dân, đăng kí giữ quốc tịch đối với những người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Điều 7 trong Dự thảo lần 2 của Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 quy định, công dân Việt Nam ở nước ngoài có nghĩa vụ định kỳ đăng ký công dân theo quy định của Luật này. Theo đó, 2 năm sau khi Luật này có hiệu lực, người Việt Nam ở nước ngoài phải đến cơ quan đại diện ngoại giao đăng ký công dân, và sẽ thực hiện định kỳ 5 năm một lần. Nếu quá thời hạn hai năm, đối tượng không đến đăng kí sẽ mất quốc tịch Việt Nam.
Việc đăng kí sẽ giúp cơ quan chức năng Việt Nam dễ dàng trong quản lý số người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp được danh sách đầy đủ, có giá trị tương đương như đăng ký hộ tịch trong nước.
Đại diện Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, thực hiện đăng ký công dân, đăng ký giữ quốc tịch chính là Chính phủ khẳng định cam kết bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, quy định quá thời hạn 2 năm không đăng kí bị mất quốc tịch còn cứng, gây khó cho bà con.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng bày tỏ băn khoăn về việc nên chăng áp dụng chế định đăng kí giữ quốc tịch, đăng kí công dân. Quy định này sẽ là một trong những căn cứ mất quốc tịch, không cần quốc gia cho thôi hoặc tước quốc tịch. Trong khi đó, quốc tịch gắn liền với chủ quyền quốc gia. Áp dụng quy định này, Việt Nam sẽ đặt quyền lựa chọn cá nhân tương đương với thẩm quyền quốc gia.
Thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề quốc tịch sẽ được điều chỉnh theo hướng đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân bao gồm: thuận tiện về nơi nộp hồ sơ, rút ngắn thời hạn giải quyết: hồ sơ xin thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam chỉ còn 6 tháng, thay vì 9 tháng như trước.
Chia sẻ quan điểm này, bà Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật cho rằng, Việt Nam không nên áp dụng quy định này. Dù tiến hành đăng kí công dân hay không, nhà nước vẫn phải tiến hành bảo hộ, mặc dù sẽ gặp những khó khăn trong xác minh quốc tịch.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp Trần Thất cho rằng nếu không có cơ chế đăng kí, việc quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, và câu chuyện quốc tịch vẫn như từ trước tới nay, không có gì khác.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc đăng kí công dân nên được quy định trong luật về lãnh sự, không phải trong Luật Quốc tịch. Đối với đăng kí giữ quốc tịch, Bộ trưởng cho biết, năm 1998, trong dự thảo Luật Quốc tịch 1998, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo, được thông qua ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bỏ phiếu lần 1 của Quốc hội, tuy nhiên đã bị gác lại ở lần bỏ phiếu thứ 2.
Sau 10 năm, điều kiện đã thay đổi, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề, thực hiện đăng kí giữ quốc tịch để bảo hộ về pháp lý trên thực tế. Việt Nam nên tiến hành đăng kí giữ quốc tịch một lần, mềm và cởi mở hơn so với tiến hành định kỳ 5 năm/lần. Việc này sẽ giúp nhiều cho Việt Nam trong việc quản lý hồ sơ, giải quyết vấn đề lịch sử còn tồn tại.
Bộ trưởng giao các nhà lập pháp bàn thảo chi tiết, cân nhắc cụ thể và sớm có kiến nghị về vấn đề này.
-
Phương Loan