- Góp ý vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), sáng nay (29/2), nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ nhấn mạnh, trọng điểm của việc sửa luật lần này là phải bổ sung quyền giám sát và phản biện xã hội cho MTTQ.
"Chiếc áo của MTTQ đã quá chật"
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và nguyên Phó Chủ tịch MTTQVN Đỗ Duy Thường. Ảnh: VA
"Đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến MTTQ rất nhiều, nhưng MTTQ chỉ có quyền "kính chuyển" bởi pháp luật quy định thẩm quyền của MTTQ chỉ dừng ở đó", nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường nói.
Ông Thường cho rằng: "Chiếc áo của Mặt trận được quy định trong Luật đã quá chật rồi, chính vì thế phải sửa một số điểm nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận, giảm tính hình thức và hành chính trong hoạt động".
Theo ông Thường, cần bổ sung quyền giám sát xã hội: "Thực tiễn hiện nay rất gò bó, giám sát của MTTQ mới chỉ dừng ở cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn chứ chưa đến cấp huyện, tỉnh, trung ương".
Ông Thường cũng nhấn mạnh, hiện chưa có phản biện thực sự theo đúng nghĩa, vì thế cần bổ sung thêm một điều về phản biện xã hội, với các quy định về tính chất, phạm vi, chủ thể, đối tượng, cơ chế tiếp thu và trả lời.
"MTTQ tham gia xây dựng pháp luật, nhưng kết quả còn rất hình thức, tham gia góp ý nhưng không biết Nhà nước có tiếp thu hay không", nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho biết.
"Luật MTTQ ban hành đã được 9 năm, nay trước tình hình mới, cần sửa đổi theo hướng thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động và phương thức tổ chức của MTTQ, khắc phục những yếu kém, đặc biệt là tình trạng thụ động, hành chính hóa hiện đang còn rất nghiêm trọng". Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Một ủy viên khác của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật MTTQ là "vấn đề của Nhà nước pháp quyền, của nền dân chủ Việt Nam, chứ không phải vì Mặt trận"và trọng điểm của việc sửa đổi Luật MTTQ lần này chính là việc "thể chể hóa chức năng giám sát và phản biện của MTTQ".
"Quan điểm của Đảng về vai trò của MTTQ đã rõ, mấu chốt là phải xây dựng các quy chế, cơ chế cụ thể để thực hiện tốt chức năng ấy", ông Khánh nói.
Chủ tịch UB MTTQ TP. Hồ Chí Minh Trần Thành Long cũng cho rằng, cần quy định rõ MTTQ có chức năng phản biện xã hội không chỉ ở giai đoạn dự thảo chính sách, mà "có chính sách rồi, vẫn cần tiếp tục phản biện hoặc chính sách đúng nhưng nơi này, nơi khác thực hiện "méo mó" thì MTTQ cũng phải lên tiếng".
Theo kế hoạch, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQVN sẽ được đưa ra Quốc hội khóa 12 xem xét, thông qua vào kỳ họp giữa năm nay.
-
Vân Anh