- Phải làm thế nào để, tương ứng với quyền xây dựng quy tắc ứng xử và quyền buộc xã hội phải tôn trọng quy tắc đó, người làm luật phải nhận trách nhiệm trong trường hợp lạm quyền hoặc phạm sai lầm, dẫn đến thiệt hại cho xã hội.
Bài viết dưới đây là góc nhìn riêng của TS Nguyễn Ngọc Điện, Trưởng khoa Luật Đại học Cần Thơ về sự cần thiết có cơ chế quy trách nhiệm đối với người làm luật, trong bối cảnh dự luật bồi thường nhà nước đang được hoàn chỉnh.
Những người bán hàng rong ở Hà Nội và gia đình họ, cuối cùng, vẫn có điều kiện ăn một cái tết như bao nhiêu cái tết trước đây, nhờ việc hoãn thi hành lệnh cấm. Ân huệ tương tự cũng được dành cho những người lái xe công nông, xe ba gác, trên phạm vi cả nước, nhờ các cách áp dụng “sáng tạo” của chính quyền địa phương đối với quy định khai tử các phương tiện vận tải loại này.
Quyết định cấm hàng rong, nghề mưu sinh của hàng vạn dân nghèo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt, dẫn tới hoãn thi hành lệnh cấm.
Trước đó ít lâu, lệnh chấm dứt việc lưu hành các loại giấy trắng, tức là giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải là sổ đỏ chính thức, được các cơ quan có trách nhiệm lúng túng sửa lại vào giờ chót bằng những văn bản… trái luật.
Ít ồn ào hơn, nhưng không kém gay gắt, về phần phản ứng của những người dân trong cuộc, là chuyện Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản yêu cầu các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải phải đưa xe vào hợp tác xã mới được tiếp tục hành nghề.
Việc hàng loạt quy tắc ứng xử, được nhà chức trách đề ra, không thể đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ cho thấy bộ máy đang có vấn đề. Tất nhiên, trước công chúng, những người ra các quy tắc đó luôn kiên định bảo vệ tác phẩm của mình. Chẳng hạn người ta đã nói rằng cấm bán hàng rong là đúng, là cần thiết để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng văn minh đô thị; song, phải hoãn lệnh cấm, vì cần có thêm thời gian để nhà chức trách chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đó.
Thực ra, các quy tắc gây tranh cãi có thể đúng (như cấm sử dụng xe thô sơ trên đường công cộng), có thể chưa biết đúng hay sai (như việc khai tử giấy trắng), và cũng có thể hoàn toàn sai (như chuyện “tập thể hoá” hoạt động vận tải bằng ô tô trong bối cảnh hội nhập kinh tế). Nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm chung: việc xây dựng quy tắc pháp lý đã được thực hiện mà không hề có một nghiên cứu nghiêm túc trước đó, nhằm đánh giá tác động có thể có của quy tắc sắp ra đời đối với đời sống xã hội, đặc biệt là đối với những người dân chịu sự chi phối trực tiếp của nó.
Song, vấn đề không dừng lại ở đây, bởi nếu đơn giản có vậy thì chỉ cần đặt thêm một khâu trong trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạm gọi là khâu “lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động xã hội” của luật, rồi bổ nhiệm một số công chức vào các vị trí tương ứng. Với tác phong quan liêu, nặng nề, đủng đỉnh quen thuộc của những người đã “chinh chiến”, dày dạn trong bộ máy hành chính, các công bộc sẽ thực hiện công việc được giao một cách qua quýt, chiếu lệ; và mọi chuyện vẫn như cũ, chỉ có chi phí xã hội là tăng lên do sự xuất hiện của các chức vụ công mới.
Đáng nói nữa, luật Việt Nam hiện hành cũng có một hệ thống các quy tắc về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; nhưng đó là cơ chế kiểm tra hành chính, nội bộ, khép kín, là chuyện quan hệ nghiệp vụ giữa cấp trên và cấp dưới trong bộ máy hành pháp; toà án, nhất là người dân, không thể xen vào. Với cơ chế kiểm tra đó, người làm luật có điều kiện giải quyết trục trặc kỹ thuật hoặc xử lý tai nạn trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật theo kiểu “đóng cửa dạy nhau”.
Cũng vì coi làm luật và kiểm tra luật chỉ là chuyện trong nhà, mà mới có hiện tượng sửa luật, khi cần, theo những cách rất xa lạ với một xã hội có trật tự, kỷ luật và tôn trọng pháp luật. Chẳng hạn, để thay đổi một quy định trong một nghị quyết Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra một công điện khẩn; để dời lại thời điểm cấm bán hàng rong, được ấn định trước đó theo một văn bản pháp quy của UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng UBND dùng một thông báo. Đáng lý ra, chỉ cơ quan ra quy tắc, hoặc cơ quan cấp cao hơn, mới có quyền sửa đổi quy tắc đó; vả lại, một quy tắc chỉ có thể được sửa đổi bằng một quy tắc, chứ không thể chỉ bằng một lời giải thích, thông báo, dù là của chính người đã soạn ra quy tắc đó.
Có một điều ít người chú ý: cho đến nay, dù được giao quyền hạn rộng rãi trong việc tạo tác khuôn mẫu ứng xử cho xã hội, người làm luật ở Việt Nam chưa bao giờ thực sự chịu sức ép của trách nhiệm pháp lý về công việc của mình. Luật hiện hành không có điều khoản nào quy định việc chế tài trong trường hợp người làm luật ra một quy tắc sai hoặc bất hợp lý, gây hậu quả xấu.
Không phải dè chừng hệ luỵ đối với bản thân, con người, theo một thiên hướng tự nhiên, sẽ trở nên cẩu thả, tuỳ tiện trong hành vi. Riêng đối với người người làm luật, xã hội sẽ được coi như một cơ thể sống mà trên đó, người nắm quyền lực công tha hồ thực hiện các thí nghiệm về quản lý: muốn cấm, thì cấm; muốn dẹp, thì dẹp; gặp khó khăn, thì hoãn; lỡ làm sai, thì làm lại.
Bởi vậy, cần sớm xây dựng cơ chế cho phép quy trách nhiệm của người làm luật. Phải làm thế nào để, tương ứng với quyền xây dựng quy tắc ứng xử và quyền buộc xã hội phải tôn trọng quy tắc đó, người làm luật phải nhận trách nhiệm trong trường hợp lạm quyền hoặc phạm sai lầm, dẫn đến thiệt hại cho xã hội. Mà, đó là phải cơ chế khách quan, nghĩa là vận hành dưới sự cầm trịch của một người thứ ba vô tư và theo một trình tự minh bạch, công khai. Trong xã hội có tổ chức, chỉ có thẩm phán toà án mới đảm nhận được vai trò người thứ ba ấy.
Phải để cho người làm luật có “cơ hội” nếm trải cảm giác âu lo, sợ hãi của một người do làm điều có lỗi, mà bị lôi ra đứng trước pháp đình, chờ sự phán xét nghiêm khắc nhân danh công lý, theo đơn kiện của một chủ thể bị thiệt hại. Chỉ khi đó, người làm luật mới biết thận trọng, cân nhắc, đắn đo trong quá trình thực hiện các quyền năng mà xã hội trao cho mình.
-
Nguyễn Ngọc Điện