221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1034327
Hai quốc tịch hay một quốc tịch mềm dẻo?
1
Article
null
Hai quốc tịch hay một quốc tịch mềm dẻo?
,

 -  Dự kiến, tháng 3 tới, dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ được trình Chính phủ và trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2008, dự thảo này sẽ được đưa ra xem xét. Nhưng công nhận một hay nhiều quốc tịch vẫn còn là vấn đề "hạ hồi phân giải".

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: "Việt Nam cần tính tới những rắc rối phát sinh do xung đột quốc tịch nếu thừa nhận tình trạng hai quốc tịch". Ảnh: P.L

13 ý kiến tranh luận tại Hội nghị tổng kết 9 năm triển khai Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (15/2) tập trung vào việc tìm lời giải cho bài toán một hay nhiều quốc tịch cho Việt kiều.

Các nhà lập pháp chỉ rõ, Luật Quốc tịch hiện nay đang gây ra những khó khăn trong triển khai thực tế khi áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để. Các đại biểu đặt vấn đề liệu nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo hay nhiều quốc tịch là phù hợp trong bối cảnh Việt Nam, trên cơ sở cân nhắc lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng và quyền công dân. 

Các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề một hay nhiều quốc tịch. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Thụy Điển, Đức... chủ trương thực hiện quy tắc một quốc tịch triệt để. Các nước này đưa ra các quy định nhằm bảo đảm tối đa nguyên tắc một quốc tịch. Chẳng hạn người nước ngoài muốn nhập quốc tịch của các nước này thì phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình, công dân của các nước này nếu tự nguyện nhập quốc tịch của nước ngoài sẽ tự động mất quốc tịch gốc. 

Trong khi đó, Anh, Mỹ, Pháp, Canada... lại áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo. Người nước ngoài nhập quốc tịch của những nước này không bắt buộc phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình. Công dân nước ngoài sau khi được nhập quốc tịch của các nước đó đều trở thành người hai quốc tịch. 

Và một số ít nước trên thế giới lựa chọn thừa nhận tình trạng đa quốc tịch. Tuy nhiên, hệ quả của nguyên tắc này thường dẫn đến những tranh chấp rất phức tạp, khó giải quyết, nhiều khi gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ quốc tế như tranh chấp về bảo hộ ngoại giao.

Điều 3 Luật Quốc tịch 1998: Việt Nam tự "khóa" mình

Trong các bài phát biểu, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều khẳng định chủ trương sẽ sớm xem xét vấn đề hai quốc tịch cho công dân trong năm 2008 này. Hiện nay, theo Điều 3 của Luật Quốc tịch năm 1998, công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên tắc một quốc tịch triệt để đó không thực hiện được trên thực tế.

Hiện nay, 75% Việt kiều mang hai hoặc ba quốc tịch. Có những đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã mang hai hoặc ba quốc tịch gốc, do quy định của mỗi quốc gia về quốc tịch là khác nhau. Ví dụ, bố mẹ mang hai quốc tịch của hai nước công nhận quốc tịch theo nguyên tắc huyết thống sinh con ở quốc gia công nhận quốc tịch theo nguyên tắc nơi sinh. 

Trong khi đó, không có nước nào đứng trên quốc gia khác trong vấn đề quốc tịch. Việt Nam có thể công nhận một người là công dân nước mình và không thể cấm quốc gia khác công nhận quốc tịch của người đó. Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Luật pháp quốc tế (Bộ Ngoại giao) thì Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến khía cạnh xung đột luật với nước khác.

Quy định tại Điều 3 do đó chỉ mang tính hình thức. Việc công dân ta xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài không phải do pháp luật Việt Nam yêu cầu mà do pháp luật nước ngoài yêu cầu. Về mặt hình thức, công dân Việt Nam vẫn còn giữ được quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài cũng là do pháp luật nước ngoài không bắt buộc người đó phải từ bỏ quốc tịch gốc.

"Với điều 3, tự chúng ta đã khóa mình lại, tự mình làm khó mình", ông Trịnh Đức Hải, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Ông này cũng thẳng thắn, những gì Việt Nam tiến hành trong vấn đề quốc tịch từ năm 1998 đến nay hầu hết đều vi phạm Điều 3 của Luật Quốc tịch. 

Chính sách hai quốc tịch hay một quốc tịch mềm dẻo?

 "Tước quốc tịch giống như khai tử về mặt pháp lý của một con người, do đó, phải do người đứng đầu quốc gia xem xét và quyết định, không nên tính đến chuyện uỷ quyền", ông Trịnh Đức Hải  (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao).
Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc hai quốc tịch lại là câu chuyện khác. “Cần quy định rõ trường hợp nào phải dùng quốc tịch Việt Nam, trường hợp nào dùng quốc tịch nước ngoài, trường hợp nào được quyền lựa chọn quốc tịch", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nói.

Hệ quả của quy định pháp lý và thực tế không rõ ràng về quốc tịch đã thể hiện rõ sau 9 năm triển khai Luật Quốc tịch 1998.

Trong một vụ việc, một mối quan hệ cụ thể, chỉ có một quốc tịch được xem xét trong giải quyết vụ việc. Quốc tịch hữu hiệu đã có trong tiền lệ án, do đó, việc xử lý không phải không có cách.

Khi sửa đổi luật, Việt Nam cần tính tới những rắc rối phát sinh do xung đột quốc tịch nếu thừa nhận tình trạng hai quốc tịch, Thứ trưởng Liên lưu ý.

Hiện nay, trên thế giới, không một quốc gia nào có văn bản chính thức công nhận hai quốc tịch về mặt pháp lý. "Ủng hộ vấn đề hai quốc tịch là rất khó, đặc biệt là ủng hộ trên văn bản pháp lý", ông Nguyễn Công Khanh, chuyên viên Bộ Tư pháp nói.

Khi đặt vấn đề hai quốc tịch, bên cạnh vấn đề tình cảm dân tộc, Việt Nam cần phải cân nhắc khả năng pháp lý và khả năng bảo hộ công dân như thế nào. Việt Nam có những cơ sở, công cụ nào để thực hiện bảo hộ công dân, can thiệp khi có vấn đề xảy ra, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh bày tỏ.

Còn theo ông Khanh, Việt Nam nên áp dụng nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo, linh hoạt với cách thức quy định phù hợp với đặc thù. Đằng sau vấn đề quốc tịch là chính sách của Đảng, Nhà nước, là quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam trong và ngoài nước.

"Việt Nam cần giải quyết dựa trên cơ sở tình cảm cũng như những tác động kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia, cộng đồng và quyền công dân", Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý Dương Thai Mai nói.

Với nhóm công tác sửa đổi Luật Quốc tịch, các chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét cụ thể những vấn đề nảy sinh, tác động, những vấn đề pháp lý cần giải quyết đối với hệ thống pháp luật trong nước cũng như điều ước quốc tế song phương và đa phương khi Việt Nam có lựa chọn cách tiếp cận một hay nhiều quốc tịch. Nhóm công tác phải đưa ra được bài toán và lời giải, đáp án tương đối rõ ràng để làm căn cứ đưa ra quyết sách cuối cùng ở Chính phủ và Quốc hội.

Được biết, trong tháng 3/2008, dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 sẽ được trình Chính phủ. Văn bản pháp luật này sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5/2008.

  • Phương Loan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,