Tuyển được nhân tài đã khó, nhưng việc giữ được nhân tài còn khó hơn rất nhiều lần trong bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực công vốn được đánh giá có sức ì lớn.
>> Làn sóng "chảy máu chất xám" khu vực công
Đối với Chính phủ, ngoài việc cạnh tranh với các quốc gia khác trong thu hút và giữ chân người tài, các công ty tư nhân, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia là đối thủ lớn. Bài toán hóc búa đối với các chính phủ là làm thế nào để giữ được người tài làm việc trong hệ thống nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm có đủ nhân tài cho khu vực tư nhân.
Trả công thỏa đáng
Singapore nổi tiếng nhất trên thế giới với chính sách đãi ngộ trả công thỏa đáng cho công chức Nhà nước, là điển hình thành công trong giữ chân người tài trong lĩnh vực công.
Theo kết quả điều chỉnh mới nhất tại Singapore, lương của Bộ trưởng và thư ký thường vụ cao cấp từ 1.200.000 lên 1.600.000 đôla; Bộ trưởng cao cấp Quốc vụ (Tư chính Quốc vụ) và Bộ trưởng cao cấp Nội các (Tư chính Nội các) được tăng lương từ 2.680.000 và 2.660.000 lên mức 3.040.000 đôla Singapore. |
"Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp".
Thay vì trao cho họ những đặc quyền đặc lợi, các công chức "phải được trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi điều hành một công ty lớn hay đang làm những công việc có tính chuyên môn".
"Không thể kì vọng họ ở lại lâu với chức vụ mà tiền lương chỉ bằng một phần nhỏ những gì họ có thể kiếm được bên ngoài".
![]() |
Trọng và dụng, lời giải cho bài toán rút lõi chất xám. |
Để cạnh tranh với khu vực tư nhân, tránh chảy máu chất xám, Chính phủ Singapore tiến hành tăng lương liên tục nhiều lần. Công chức Singapore được hưởng tháng lương thứ 13 để tương đương với tiền thưởng hằng năm của khu vực tư nhân ngay từ 1974.
Cũng từ rất sớm, Singapore áp dụng tiêu chuẩn thị trường trong định mức lương công chức. Xét theo tiêu chuẩn mức lương cạnh tranh dành cho chính phủ có năng lực và trong sạch, lương của các bộ trưởng và công chức cao cấp liên tục được đánh giá và điều chỉnh thường xuyên, để bảo đảm mức cạnh tranh đối với khu vực tư nhân nhằm giữ chân người tài làm việc cho khu vực nhà nước.
Từ chỗ cố định ở mức hai phần ba thu nhập của các vị trí tương đương trong khu vực tư nhân, mức lương của các bộ trưởng và công chức cao cấp điều chỉnh bằng lương trung bình của bốn người hưởng lương cao nhất trong sáu ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, các công ty chế tạo địa phương và công ty đa quốc gia. Sau lần điều chỉnh mới nhất, mức lương của các cán bộ này tương đương mức lương bình quân của 8 nhóm người có lương cao nhất trong 6 ngành nghề lương cao (chủ ngân hàng, doanh nhân, giám đốc điều hành các công ty xuyên quốc gia (CEO), luật sư, kế toán trưởng và công trình sư).
Mặc dù là nước có mức lương công chức vào hàng cao nhất thế giới, nhưng tại Singapore, "tiền lương trong khu vực nhà nước luôn chậm lại sau khu vực tư nhân từ 2 đến 3 năm". - Lý Quang Diệu (Theo: Bí quyết hóa rồng - NXB Trẻ). |
Song song với việc trả lương cao, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, " quốc đảo sư tử" quản lý, kiểm soát thu nhập của công chức vừa chặt chẽ, vừa khoa học, thông qua tài khoản cá nhân và các công cụ công nghệ thông tin theo một chế tài đặc biệt, khiến cho đội ngũ công chức Singapore thực hiện bốn không: không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.
"Mỗi đồng đôla trong tổng thu nhập đều phải được giải thích một cách hợp lý và sẽ đến với người dân nguyên vẹn là một đồng đôla không bị rút bớt đi dọc đường." Nhờ chính sách này, những công chức Singapore "tin là mình có thể kiếm sống được" bằng cách làm việc chuyên nghiệp của mình.
"Tìm người đáng dùng, không dùng người sẵn có"
Trên thực tế, để đảm bảo người tài ở lại trong lĩnh vực công, lương không phải là tất cả. "Trọng dụng" người tài bao gồm cả "trọng" và "dụng" chính là nhân tố chủ chốt để họ sẵn sàng ở lại lâu dài.
Những Chính phủ thành công trong giữ người tài là những Chính phủ dám trao trọng trách, ngay cả cho những người trẻ, dựa trên năng lực của họ. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nổi tiếng với triết lí dùng người: "Tôi ưa chuộng hiệu quả. Với một công chức trẻ ở vị trí cao, tôi không quan tâm anh ta đã làm việc bao nhiêu năm. Nếu anh ta là người tốt nhất cho vị trí đó, hãy xếp anh ta ở vị trí đó”.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì nước thịnh, nguyên khí yếu thì nước suy" bởi thế các bậc thánh đế, minh vương xưa nay không ai là người không lo chăm sóc, vun xới…” - Trích văn bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. |
Những cán bộ xuất sắc của Singapore sau khi học tập sẽ được bồi dưỡng để trở thành các cán bộ lãnh đạo của đất nước. Chính phủ đưa ra cơ chế "sự nghiệp kép", theo đó giai đoạn đầu những công chức trẻ có triển vọng được phân công quản lý một lĩnh vực kỹ thuật thuần túy. Sau một vài năm, họ được thuyên chuyển sang vị trí quản lý cao cấp để điều hành các vấn đề mang tính vĩ mô của nhà nước và được hưởng lương cao đặc biệt.
Những người này vừa được đào tạo tại nước ngoài qua các chương trình học bổng, vừa có thời gian học tập kinh nghiệm thực tế với nhiệm kì cố định 10 năm, đảm bảo sự ổn định trong hệ thống công chức. Họ là những hạt nhân xuất sắc đã trải qua một quá trình tu dưỡng, đào tạo, cống hiến cho nhân dân và sàng lọc qua thực tế công việc.
Singapore đã biến việc trọng dụng nhân tài trở thành một thương hiệu quốc gia, từ đó, tạo hấp lực kéo người đến và giữ người ở lại.
"Mạnh dạn thay thế những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy"
Đi đôi với chính sách trọng dụng, các Chính phủ thành công đều sẵn sàng "mạnh dạn thay thế những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy" như điều ông Lý Quang Diệu đã tư vấn cho Việt Nam trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. "Quan trọng là không để sự trì trệ nằm trong dòng chảy của mình. Đó là việc làm cần thiết mặc dù đôi khi sẽ không được ủng hộ".
"Để người có tâm, tài vào làm việc trong bộ máy của Đảng, Nhà nước không có cách nào khác là phải thực hiện dân chủ. Bằng mọi quy trình, bằng mọi cách để thực hiện đầy đủ dân chủ để quần chúng nhân dân lựa chọn người tài. Có rất nhiều cách, nhưng tựu chung lại, phải thực sự dân chủ. Không dân chủ hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài". - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong cuộc trực tuyến ngày 9/2/2007. |
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh, "mạnh dạn có người mới thay thế là cách giúp Singapore không trì trệ... Phải biết làm mạnh vào những thời điểm không còn bộ óc mới, ý tưởng mới, không còn đủ dũng khí".
Singapore nổi tiếng với những chính sách đặc biệt "mạnh tay" để đảm bảo một môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh và mang tính cống hiến cao. Ngay trong lễ nhậm chức của Chính phủ mới 6/1959, tất cả thành viên ban lãnh đạo Singapore đều mặc áo sơ mi trắng và quần trắng, tượng trưng cho sự thanh khiết và lương thiện của mình trong hành vi cá nhân cũng như trong cuộc sống cộng đồng.
Cố gắng tạo dựng một môi trường làm việc trong sạch, nơi công chức được hưởng đồng lương, sự đãi ngộ và thái độ trọng dụng xứng đáng với phong cách làm việc chuyên nghiệp là bí quyết để Singapore thành công giữ chân người ở lại trong khu vực công.
-
Phương Loan