221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1021060
Công chức trẻ: Được trọng dụng - Quên lương thấp
1
Article
null
Công chức trẻ: Được trọng dụng - Quên lương thấp
,

(VietNamNet) - Trước thực trạng khu vực ngoài quốc doanh đang hút nguồn nhân lực dữ dội, điều tạo ra sự hấp dẫn của khu vực Nhà nước hiện nay hiển nhiên không phải mức lương, mà là cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công bằng, tạo cho người trẻ cơ hội thực hiện hoài bão, khẳng định mình.

Được trọng dụng, quên lương thấp

Đối với nhiều công chức trẻ, yếu tố được khẳng định mình mới là quan trọng nhất. (ảnh: P.Cường)
Đó là suy nghĩ của nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo phường, quận tại TP.HCM, khi được hỏi về mức lương chỉ khoảng 1,6-1,8 triệu đồng/tháng.

Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư thường trực phường 13, quận Gò Vấp, được bổ nhiệm chức Phó Bí thư thường trực tháng 1/2006, lúc 29 tuổi, sau khi đã qua các lớp đào tạo cán bộ nguồn tại học viện hành chính quốc gia và trường công tác cán bộ. Năm 2002, đang làm cho một công ty tư nhân, Tuấn nộp đơn dự tuyển vào chương trình quy hoạch cán bộ của TP. Với kết quả học tập tại trường ĐH Đà Lạt tốt, Tuấn được chọn vào chương trình và đến năm 2004 được công nhận là cán bộ nguồn.

"Tôi muốn tham gia bộ máy Nhà nước một phần do truyền thống gia đình: cả ba mẹ đều là công chức, một phần quan trọng khác do nhiều lần đi lo thủ tục hành chính thấy thủ tục rườm rà, phức tạp, thậm chí còn bị hành, dư luận cũng kêu ca nhiều về việc này, tôi muốn trực tiếp giải quyết thủ tục để góp phần khắc phục những bất cập, phiền phức lâu nay".

Lê Hồng Sinh là cán bộ được tuyển từ đợt thi công chức theo hình thức mới tại Gò Vấp: mở rộng đối tượng dự thi ra diện có bằng đại học trên toàn TP, có thi vấn đáp, vào tháng 9/2006. Sau thời gian thực tập, Sinh trở thành cán bộ đầu tiên của diện thi tuyển được bổ nhiệm thẳng chức Chủ tịch UBND phường 8, quận Gò Vấp, khi 33 tuổi.

Cũng với tâm lý "thấy cảnh bất bình chẳng tha" như Trần Anh Tuấn, Sinh quyết định xin gia nhập bộ máy quản lý, rời vị trí nhân viên kế toán của một công ty may cổ phần, vì nhiều lần trực tiếp chứng kiến và được nghe những bức xúc về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ. "Tôi muốn góp phần thay đổi ấn tượng của người dân đối với bộ máy quản lý".

Sinh tâm sự: "Mức lương dù không cao nhưng tôi có vợ là giáo viên với đồng lương ổn định cùng lo việc gia đình. Thiếu thốn hay không là do cách chi tiêu. Nếu biết chi tiêu tiết kiệm thì thu nhập như vợ chồng tôi cũng đủ sống".

Lê Thanh Tùng, 33 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch xã Phúc Kiểng, huyện Nhà Bè, nói đầy tâm huyết: "Nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow từng xếp nhu cầu con người từ thấp đến cao, trong đó nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt là nhu cầu bậc thấp, nhu cầu được tin tưởng, theo đuổi khát vọng là nhu cầu bậc cao. Người ta thường hướng tới nhu cầu bậc cao sau khi đã thoả mãn nhu cầu bậc thấp. Tuy vậy, tôi lại khác, mặc dù nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt chưa thật được thoả mãn, nhưng tôi vẫn hướng tới nhu cầu được khẳng định mình. Đó là động lực khiến tôi muốn làm cán bộ".

Với Nguyễn Thị Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND phường 15 phụ trách văn xã, quận Gò Vấp, một trong những cán bộ phường trẻ nhất của TP - sinh năm 1982, nghiệp làm cán bộ đến với chị hoàn toàn tình cờ. Như Hoa là thủ khoa khoa Kinh tế - Chính trị, ĐH Kinh tế TP.HCM. Vào năm học cuối, chưa biết làm việc cho cơ quan nào, Như Hoa được Ban tổ chức Thành uỷ liên hệ, kéo về chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn. Chỉ sau khi thực tập mấy tháng, Như Hoa được bổ nhiệm chức vụ hiện nay.

"Điều khiến tôi say mê công việc chính là cảm giác mình được tin cậy, đặt đúng chỗ" - Hoa tâm sự.

Tuyển dụng công khai

Hà Phước Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, Phó Chủ tịch quận trẻ nhất nước tại thời điểm bổ nhiệm năm 2005, khi 29 tuổi, nhận xét: "Cán bộ trẻ tuy hạn chế kinh nghiệm, nhưng có thế mạnh xông xáo, nhiệt tình, được đào tạo bài bản nên tiếp cận vấn đề nhanh, tiếp xúc, vận động người dân hiệu quả, vì còn nhỏ tuổi, dễ nhường nhịn. Có phát huy được năng lực của họ hay không phụ thuộc vào việc cất nhắc, bổ nhiệm".

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?
1. Cải cách lương bổng
2. Môi trường làm việc
3. Tuyển dụng và bổ nhiệm công khai, minh bạch
Kết quả

TP.HCM là một trong những địa phương đẩy mạnh chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn. Tính đến năm 2007, đã có 635 cán bộ trẻ được xét chọn đưa vào diện quy hoạch, gồm cán bộ công chức và sinh viên. Các cán bộ thuộc diện này được đào tạo quản lý hành chính. Thành ủy đã điều động 238 cán bộ trẻ về công tác ở phường - xã - thị trấn, 114 cán bộ được bố trí các chức danh chủ chốt ở cơ sở.

Tuy vậy, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với đại biểu thanh niên dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần VIII, Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP, khẳng định: Cần thi tuyển các chức danh lãnh đạo một cách công khai, nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ phát huy khả năng của mình, không đợi phải đủ tuổi hay bổ nhiệm.

Đợt mở rộng thi tuyển công chức theo hình thức mới tại Gò Vấp vào tháng 9/2006 được xem là bước đột phá trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo hướng công khai, cạnh tranh.

Nhưng, theo ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, chắc chắn Gò Vấp không còn cơ hội mở rộng thi tuyển như trên, vì nhu cần biên chế không lớn. Cách thức thi tuyển này có được nhân rộng ra toàn TP hay không vẫn là dấu hỏi.

  • Phạm Cường

    Bài tiếp: Khi "thảm đỏ" từ chối nhân tài

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
Trang trước Trang sau
,
,

,
,
,
© Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông.
Số giấy phép: 1285/GP - BTTTT cấp ngày 27/8/2008. Tổng biên tập: Nguyễn Văn Bá
® Ghi rõ nguồn "VietNamNet" khi phát hành lại thông tin từ website này.
,