221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1026326
Hồi ức Trường Sa và tân binh đặc biệt
1
Article
null
Hồi ức Trường Sa và tân binh đặc biệt
,

(VietNamNet) - Trên chuyến tàu khởi hành từ quân cảng Cam Ranh ngày 6/1/2008 để chuyển quà Tết ra Trường Sa mang số hiệu HQ 936 có hai tài sản đặc biệt. Chúng tôi đã may mắn gặp và nghe họ kể về Trường Sa.

Hồi ức Trường Sa

Người đàn ông năm nay 41 tuổi, có nụ cười rất hiền và gương mặt hằn sâu vị biển, thường xuyên ngồi ghế trực chính trên boong tàu HQ 936, thuộc từng luồng lạch, từng dòng hải lưu, điều kiện tàu cập các đảo trong suốt dọc đường hành trình. Đó là Thượng úy Vũ Văn Nguyên, trưởng ngành hàng hải tàu HQ 936.

Tàu HQ 936 làm nhiệm vụ chuyển quà ra Trường Sa. Ảnh: Hà Trường

41 năm tuổi đời, 21 năm tuổi quân, anh Nguyên có tới 20 năm gắn bó với sóng gió biển đảo Trường Sa. 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa hàng năm gặp đất liền, anh đều đã ghé qua. Nhưng trong câu chuyện anh kể khi có chút rảnh rỗi lúc tàu neo đậu, nhiều nhất là những chuyến hải hành dài hàng tháng trời, ký ức về những ngọn sóng cao hàng chục mét mỗi khi mùa mưa bão tới. Đặc biệt là chuyến hành quân nhớ đời từ vùng biển phía Nam ra với quần đảo Trường Sa tháng Ba năm 1988.

Năm 1988. Tháng Ba. Một ngày không thể quên của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam. Ngày 14/3/1988. Tàu anh Nguyên đang neo ở vùng biển Phú Quốc thì nhận được lệnh cấp tốc rời bờ, ghé qua TP.HCM nhận lương thực, tiếp tế rồi nhằm hướng Trường Sa thẳng tiến.

Chiếc tàu há mồm số hiệu B62 bò ì ạch trên biển chỉ được vài ba hải lý một giờ, phải dùng tới đầu kéo. Sau một tuần lênh đênh trên biển thì tới được vùng biển Trường Sa. Khi tàu ghé vào đảo Colin để tiếp tế cho đảo, vẫn còn thấy chiếc tàu anh hùng HQ 505 nằm lại ngay trên bãi cạn. Thân tàu bị pháo nước ngoài bắn xuyên qua, bốc khói đen ngòm. Trên tàu HQ 505 vẫn còn rất nhiều khoai tây và đủ loại lương thực, thực phẩm khác.

Ngày 14/3/1988 không thể quên đó, tàu HQ505 đang thực hiện chuyến hải hành bình thường, chuyên chở lương thực từ Bắc vào Nam thì nhận được lệnh ra gấp Trường Sa, vùng cụm đảo Sinh Tồn vì có tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền trên đảo Colin. Câu chuyện diễn biến khá nhanh quanh chủ đề bảo vệ chủ quyền của đất nước. Rồi đột nhiên, pháo từ xa dội tới. Tàu HQ-505 khi đó bị bắn thủng thân, nước vào như trút, có thể chìm ngay bất cứ lúc nào. Không chần chừ, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ra lệnh lên máy dù tàu đang neo, nổ hết tốc lực để neo tầu lên đảo nhằm khẳng định mảnh đất Colin giữa Trường Sa là của Việt Nam!

Cả đoàn thủy thủ chia ra chiến đấu giữ đảo. Xuồng khẩn cấp được hạ xuống. Cuối trận đánh, xuồng đưa 10 chiến sỹ cùng 1 liệt sỹ về được tới đảo Sinh Tồn Lớn.

Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam thời kỳ 1975 - 2007 còn ghi lại: Ngày 14/3/88, tại khu vực này hai tàu nước ngoài đã ngang nhiên xâm phạm và bắn chìm tàu HQ 605 và HQ 505 của ta, khiến 64 chiến sĩ mất tích đồng thời đưa quân lên chiếm đóng đảo Gạc Ma.

Từ tháng Ba năm 1988 đó, anh Nguyên ở lại, gắn bó với Trường Sa. Tàu ra tới Sinh Tồn, neo lại trực đảo 2 tháng rưỡi, sau đó chuyển qua 3 cụm đảo khác. Sinh Tồn, Núi Le, Đá Đông, các anh có 6 tháng trời ròng rã lênh đênh trên biển Trường Sa. Thiếu nước, hứng nước mưa. Gạo thiếu, chỉ có 7 sỹ quan và chiến sỹ trên tàu nên ăn cũng chẳng hết bao nhiêu.

Đó là những năm tháng mà những "đảo di động", đảo chìm, đảo nổi đã dệt nên những câu chuyện về Trường Sa anh hùng!

Trong ngày trở về đất liền, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thăng vượt cấp lên Thượng tá, đồng thời trở thành Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 955 cho đến ngày ông về hưu.

Sau sự kiện Colin, theo thời gian và qua lời kể của các nhân chứng, lần lượt nhiều người đã được nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 14/3/1988 đó, Hải quân Nhân dân Việt Nam mất ba tàu: HQ-505, HQ-604, HQ-605 cùng 74 chiến sỹ. Tàu HQ-505 mãi về sau bị chìm tại khu vực đảo Đá Lớn khi đang trên đường kéo về đất liền. Còn hai tàu HQ-604, HQ-605 đã mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu khu vực giữa đảo Colin và đảo Len Đao.

Tân binh đặc biệt

Tròn 20 năm sau. Tháng 1/2008, trên chuyến hành trình HQ-936 ra Trường Sa có một hạ sỹ cấp bậc tiểu đội trưởng, dáng người nhỏ nhắn, nụ cười rất hiền và đặc biệt siêng năng có tên Nguyễn Mậu Trường, con trai liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong, người đã hi sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988.

Liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong, quê ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Khi hi sinh, anh Phong mới 28 tuổi và đang mang quân hàm đại úy.

Trong ký ức Trường, hình ảnh về người cha anh hùng Nguyễn Mậu Phong chỉ nhạt  nhòa qua những tấm hình chụp vội trong bộ quân phục hải quân. Hai chiếc hòm gỗ được quân đội chuyển lại cho gia đình gồm tư trang và rất nhiều cuốn sổ tay ghi chép, trong đó có một bức thư dày gửi ba mẹ con.

Khi người cha hi sinh giữa trùng khơi Trường Sa, Trường mới chỉ được hai tuổi. Mẹ sinh em Xuân khi có thai vừa được 7 tháng. Đó là hai giọt máu anh hùng Nguyễn Mậu Phong để lại và nay đang có mặt trong đội hình những người lính hải quân. Nguyễn Mậu Trường, sinh năm 1986, đang trên đường ra nhận nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Nguyễn Mậu Xuân, sinh năm 1988, đang là sinh viên năm thứ 4 Học viện Hải quân Khánh Hòa.

Cánh thư chép vội gửi về đất liền. Ảnh: Hà Trường.

Trong biển đêm ngày 16/1, khu vực đảo chìm Đá Thị, Trường Sa vằng vặc sáng. Cách không xa là cụm đảo Sinh Tồn. Trường kể rằng, đã mong được đi qua đảo Colin để thắp cho người cha nén hương tưởng vọng. Nhưng điều đó đã không được như dự kiến. Còn tôi nói với em rằng, chuyến hành trình đó đã có người làm thay. Hàng năm, quanh cụm đảo Sinh Tồn, khi các tàu đi ngang qua đảo Colin đều có lễ thắp hương, thả hoa xuống biển tưởng niệm những chiến sỹ đã nằm lại để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo này.

Trong ký ức một thời thơ dại, Trường kể về một vùng quê Hiền Lộc nép bên dòng Kiến Giang, Quảng Bình thơ mộng. Có một gian nhà nhỏ, nơi người mẹ đã nuôi hai đứa con trai lớn lên. Học tại Huế, rồi về Quảng Bình làm thuê cho một cửa hàng điện tử để đỡ đần mẹ. Sau đó, em vào Vũng Tàu làm thợ sơn thuê. Ăn hết tết 2007 ở Quảng Bình, Trường vào Cam Ranh để tiếp tục ra với Trường Sa. Mẹ em cũng vừa dựng được căn nhà nhỏ. Trước đấy, ba mẹ con sống đạm bạc, dựa vào nghề chăn nuôi và tiền trợ cấp liệt sỹ của cha.

Trường kể, đi làm thợ sơn ở Vũng Tàu, em ki cóp được 10 triệu đồng mang về hết cho mẹ. Ra đảo chuyến này về, em mong sẽ tặng được một món quà lớn hơn cho mẹ. Người mẹ của Trường, chị Trần Thị Liễu giờ đã bước qua tuổi 45, hẳn cũng ấm lòng hơn khi thấy con đã trưởng thành trong quân ngũ. Chắc chị sẽ an dạ khi chứng kiến cảnh trên boong tàu HQ936 đang neo giữa Biển Đông, gần đảo Sơn Ca, Nguyễn Mậu Trường đang lúi húi viết thư gửi mẹ.

Trong đôi mắt vời vợi hướng ra phía biển, Trường luôn hỏi đảo Nam Yết còn cách Sơn Ca bao xa.

  • Hà Trường (từ đảo Sơn Ca, Trường Sa)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,