(VietNamNet) - Trường Sa có đảo nổi, đảo chìm, nhưng có những hòn đảo di động chưa nhiều người biết đến. Gắn với chúng là câu chuyện ít được kể về những người lính hải quân đang chốt giữ vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc.
Đảo ứng trực
Ngày thứ 11 của cuộc hành trình Biển Đông xuất phát từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hoà) mùng 6/1/2008. Thấy thấp thoáng bóng dáng chiếc tàu Trường Sa 22 xuất hiện. Rời Sinh Tồn Lớn, tàu HQ-936 cắt đường tới Sinh Tồn Đông, sát nách Vigor, một điểm đảo đang do nước ngoài chiếm giữ. Trời nắng. Nhìn từ mạn tàu HQ-936, thấy Vigor như một con tàu nằm giữa Biển Đông. Sát Sinh Tồn Đông, tàu Trường Sa 22 đang neo đậu.
Khi đoàn công tác từ đất liền ra, đã tròn 62 ngày tàu Trường Sa 22 neo đậu ở vùng biển của đảo Sinh Tồn, có nhiệm vụ chốt giữ và ứng cứu kịp thời cho những ngư dân khai thác hải sản vùng biển đảo.
Vừa thấy tàu HQ-936 xuất hiện, Trường Sa 22 đã thả xuồng máy, mà những anh em trên tàu vẫn gọi là những chiếc "xích lô trên Biển Đông", chở nặng người cặp vào HQ 936. Một túi xách nặng và nhiều nụ cười tươi. Chiếc" xích lô đỏ" cặp mạn tàu rất nhanh, đem theo vài con cá mú tươi rói vừa câu lên buổi sáng. Chào hơi ấm đất liền! Đó là những gì quen thuộc họ vẫn nói.
Đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đã nhiều thiếu thốn. Đảo lênh đênh hay còn gọi là đảo di động như cách gọi của các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ứng trực, cứu hộ, cứu nạn ở Trường Sa 22 càng thiếu thốn hơn. Thuyền trưởng Trường Sa 22 Nguyễn Xuân Hưng tay run lên vì xúc động khi tiếp những vị khách chiều ngày 16/1/2008 trên boong tàu Trường Sa 22.
Đã thấy bóng đảo. Ảnh: Phạm Tuấn
"Cảm ơn đất liền đã tới với anh em. Lâu lắm rồi mới thấy nhiều người từ đất liền ghé thăm ấm áp đến thế này".
Ra khơi từ tháng 11 năm 2007. Anh em chiến sỹ trên tàu Trường Sa 22 neo đậu gần Sinh Tồn Đông, sống với nắng, với biển. Họ nói rằng, đất liền là HQ 936. Còn đại tá Mai Tiến Tuyên, Phó Chính uỷ vùng D hải quân thì run lời: "Cảm ơn những cán bộ, chiến sỹ của Trường Sa 22. Mong anh em giữ gìn sức khoẻ, đón một cái Tết trên biển yên vui, an toàn. Đất liền luôn nhớ tới các bạn khi mùa Xuân này về".
Ông Phó Chính uỷ vùng D vui tính dẫn 4 câu thơ tặng anh em thay cho lời chúc Tết, khiến mọi người không khỏi lặng mình giây lát:
"Biển động nhiều chắc anh lại nôn
Ở nơi em gió vẫn lùa rất nhẹ
Em thầm ước một điều nhỏ bé
Là được xuống tàu nôn đỡ cho anh"
Trên boong giữa của Trường Sa 22, nhiều mảnh ván nhỏ đã được ghép lại cùng những thùng nhựa để trồng rau. Có đủ rau cải, rau muống. Nguyễn Văn Hải, Thuyền phó Trường Sa 22 kể rằng, tàu neo tại chỗ còn trồng rau được. Nếu tàu phải di chuyển để ứng cứu thì coi như mọi công sức gieo trồng thời gian trước đó đều đổ xuôi theo biển vì gió cùng thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa.
Còn ở Trường Sa 22, chiều muộn ngày 16/1. Những cây cải xanh trong bữa cơm tất niên sớm chuẩn bị vội vàng đã khiến những người từ đất liền ra cảm thấy ngọt hơn bao giờ hết. Nếu đã tới Trường Sa, mới thấy rau xanh quý giá đến mức nào.
Phút thảnh thơi đọc những cánh thư gửi từ đất liền để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Ảnh: Phạm Tuấn
Câu chuyện về những con tàu ứng cứu của hải quân dần trở lại rôm rả. Thuyền trưởng HQ 936, Đại uý Nguyễn Văn Sửu kể, năm 1999, anh từng chỉ huy tàu HQ 613 chốt giữ cụm đảo Sinh Tồn 9 tháng trời liên tục. Trong 9 tháng đó, tàu chỉ có gần 50 mét khối nước cho hơn 20 chiến sỹ sinh hoạt. Nước không đủ, anh em không dám tắm, chỉ dám dùng nước ngọt rửa mặt, đánh răng, nấu cơm.
Anh Sửu nhớ lại: Rau mang theo tàu tuyền bí xanh, bí đỏ, anh em cắt nhỏ dùng dần. Thịt mang theo, do điện của tàu 613 chỉ là điện một chiều, không thể sử dụng được tủ cấp đông nên chỉ dùng lâu nhất nửa tháng là hỏng.
Để có nước sinh hoạt, có khi 2-3 h sáng, trời đổ mưa, anh em phải căng bạt để hứng nước cho vào két rồi tranh thủ tắm luôn. Nhiều khi mọi người đang ngủ, thấy trời mưa là hô hiệu lệnh ùa ra. Sợ anh em cảm lạnh, tàu lại không có bác sỹ, nhưng vì anh em đã nhịn tắm lâu ngày nên anh đành ứa nước mắt đứng nhìn rồi cũng tranh thủ tắm luôn.
Nói chuyện tắm của những anh em trên tàu trực biển ngày ấy, anh Sửu nhớ như in chuyện những người vốn rất lười câu cá nhưng có những ngày nằng nặc xung phong đi câu. Lý do: tàu thiếu nước ngọt, những người đi câu cá cải thiện về mới được ưu tiên tắm. Cá hồi đó còn rất nhiều, cứ mỗi con vài chục ký, vứt lổn nhổn trên boong như những khúc củi ngắn. Mú, thu, thậm chí cá mập cũng có. Anh em đến ca trực làm cá, nhiều khi phải thức cả đêm mới làm xong. Nhiều cá ăn không hết, nhưng vẫn phải làm vì như thế mới được ưu tiên tắm.
Biết vậy, nhưng cá nhiều quá, những anh em thức trắng đêm làm cá đến sứt sát cả chân tay. Có anh vừa làm vừa lầm bầm chửi: Cá tại sao lại nhiều thế này.
Tàu 613 ngày đó chỉ là một con tàu tải trọng 200 tấn, có tên gọi Nhật Lệ, chòng chành giữa biển khơi như một con thuyền chài. Trường Sa 22 hôm nay đã vững chãi hơn, có đủ nước, đủ rau xanh nhưng còn thiếu rất nhiều giữa Trường Sa cách đất liền hàng trăm hải lý.
Tín hiệu đất liền
Ở đảo Sinh Tồn Đông, trung tá Bùi Sơn Lệ nói rằng, anh em ở đảo nhìn ra Trường Sa 22 như một tín hiệu của đất liền. Khi được hỏi: Nếu một buổi sáng tỉnh giấc, không nhìn thấy Trường Sa 22 neo đậu nữa vì đã theo lệnh của bờ di chuyển, anh Lệ trả lời: Sẽ cảm thấy thiếu nhiều lắm!
Đá Nam là một hòn đảo chìm ở Trường Sa. Nơi đó chỉ có biển và trời, cùng lá cờ Tổ quốc căng bay trong gió. Nguyễn Văn Hiền là chiến sỹ gác đảo khi đoàn công tác vào thăm. Sau vài lời hỏi chuyện, khi chỉ ra tàu HQ 936 đang neo đậu ngoài xa, hỏi Hiền có nhớ nhà không. Người chiến sỹ trẻ đã hai năm liền đón Tết trên đảo xa đưa tay giụi mắt. Cánh tay còn lại xiết chặt hơn khẩu AK đang ôm trong lòng.
Lính đảo Trường Sa đã quen nắng gió khắc nghiệt vùng biển khơi. Ảnh: Phạm Tuấn
Trong đôi mắt hoe hoe đỏ của Hiền, mới thấy giữa biển đảo xa xôi, dù rất gần khi cả nước đang hướng về Trường Sa thì một bóng tàu là tín hiệu ấm lòng của quê hương. Anh em chiến sỹ trên đảo nổi nhớ thương nhà, lính đảo chìm càng mong mỏi những cánh thư từ đất liền. Những cán bộ, chiến sỹ mà chúng tôi đã gặp trên những "hòn đảo lênh đênh" trên biển làm nhiệm vụ ứng trực, cứu hộ, cứu nạn cũng mong không ít hơn vậy.
Bốn ngày trước khi tới Sinh Tồn Đông. Qua điện đàm, Trường Sa 22 thông báo đã chuẩn bị rất nhiều những sản vật câu được. Cá mú hồng, đặc sản với đất liền đang chờ đón.
Những món quà, hơi ấm từ đất liền tiếp sức. Ảnh: Phạm Tuấn
Anh Sửu kể, khi còn chỉ huy tàu ứng trực ở đảo Tốc Tan, một chiến sỹ bị đau ruột thừa, phương tiện cấp cứu không cho phép. Ngay trong đêm, tàu nhổ neo chạy hết tốc lực lao về đảo Phan Vinh, cách vị trí neo đậu hàng trăm hải lý. Bác sỹ trên đảo, sau ca mổ suốt bốn giờ liền thông báo: Rất may các anh đưa chiến sỹ này về kịp. Nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Những hòn đảo lênh đênh hôm nay đã được cải thiện nhiều về điều kiện sinh hoạt. Không còn là những con tàu vận tốc 10 hải lý một giờ (1 hải lý = 1,8km). Nhưng nỗi nhớ đất liền chắc phải nhiều thời gian nữa mới nối gần lại được.
Trong đêm muộn, khi HQ 936 chuẩn bị trở mình cho chuyến hải hành, Trường Sa 22 vẫn sáng rực ánh đèn. Vẫn vang vọng lời ca trong đêm gặp mặt:
"Đây Trường Sa - Kia Hoàng Sa. Đây con tàu anh ra khơi".
Giao thừa Mậu Tý này, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa, hơn 30 cán bộ chiến sỹ trên Trường Sa 22 vẫn neo giữa biển khơi cho những đêm pháo hoa rợp trời ở đất liền. Cũng như ở Sinh Tồn Đông, sẽ thấy những ánh đèn sáng rực cùng hòa pha trong đêm biển. Để thấy đất liền lại tiếp rất gần. Nhưng để nối Trường Sa với đất liền, vẫn rất cần những con tàu đủ sức vượt sóng gió khắc nghiệt của vùng biển đảo này trong mùa biển động tháng 7, tháng 10.
Những món quà từ đất liền đã được trao lại cho người ở đảo di động. Trời hừng sáng. Gió lên mạnh. Tàu HQ936 trong đêm trước neo cạnh Trường Sa 22. Sáng sớm đã thấy hai chiếc tàu xoay ngang.
Biển Trường Sa lại vào mùa động. Những hòn đảo xa lại chuẩn bị cho những ngày khắc nghiệt tới. Còn HQ 936 lại nổ máy, tiếp tục hành trình trao quà Tết cho những điểm đảo xa.
-
Hà Trường (từ Sinh Tồn Đông)