221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1021180
Hải đội Hoàng Sa (kỳ 4): Đời đời không quên
1
Article
null
Hải đội Hoàng Sa (kỳ 4): Đời đời không quên
,

Thời gian đã trôi qua lâu với bao thế cuộc đổi thay, các hải đội Hoàng Sa cũng không còn nữa. Nhưng mỗi năm cứ đến ngày 20-2 âm lịch, người dân ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn thành kính làm lễ cúng tế để con cháu đời sau mãi mãi không quên những vị hùng binh vị quốc vong thân.

Hiến tế anh linh

Âm Linh tự thờ vong hồn những liệt sĩ Hoàng Sa trầm mặc trong buổi hoàng hôn lộng gió. Tôi theo các cụ già thắp lên bàn thờ nén hương tưởng nhớ người xưa. Hàng trăm năm trước, tại chính ngôi cổ tự này đã từng diễn ra bao buổi lễ tế sống những người lính Hoàng Sa trước khi tiễn họ ra biển. Buổi lễ bi hùng dành cho những người sắp hi sinh vì Tổ quốc đó giờ vẫn đang được tiếp nối.Và hậu duệ đời sau vẫn gìn giữ trang nghiêm những kỷ vật, nghi thức thờ tự người xưa.

Âm Linh tự - nơi thờ vong hồn liệt sĩ Hoàng Sa - Ảnh:Quốc Việt - Tuổi Trẻ
Theo lời kể của tiền nhân còn lưu truyền trong ký ức các cụ già ở đảo Lý Sơn, Âm Linh tự được xây dựng vào thế kỷ 17 tại thôn Tây, xã Lý Vĩnh. Ngôi cổ tự được thiết kế theo hình chữ "công" với nguyên bản lợp bằng ngói âm dương, sau tấm bình phong ngay trước sân vẫn còn tháp thờ khắc bốn chữ "Chiến sĩ trận vong" để tưởng nhớ những người lính đã hi sinh vì Hoàng Sa. Về sau, nơi này còn được phối thờ thêm tiền hiền lục tộc Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Văn, Phạm Quang, Lê, Nguyễn đã có công khai phá, gầy dựng tộc họ tại đảo và vong hồn những ngư dân bỏ mình trên biển sau này.

Mỗi năm đến ngày lễ họ ở Âm Linh tự, các lớp hậu duệ ở Lý Sơn vẫn ngâm nga lại những dòng thơ bi hùng truyền miệng về họ:

Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây...
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa...

Các cụ già ở Lý Sơn cho biết đó là buổi lễ lớn trang nghiêm và được đông người tham dự nhất ở đây, vì hầu như tộc họ nào trên đảo cũng có nhiều tiền nhân hi sinh vì Hoàng Sa. Thuở xưa, khi cha ông còn giong thuyền đi khẳng định chủ quyền Tổ quốc, buổi lễ này được gọi là khao lề thế lính Hoàng Sa để tế sống họ cho trời biển. Ngày nay, nghi thức lễ vẫn được kính cẩn thực hiện như xưa, nhưng nó đã chuyển sang ý nghĩa tưởng nhớ công đức tiền nhân.

Bắt đầu từ ngày 17-2 âm lịch, nhưng lễ chính diễn ra vào cuối đêm 19 và kéo dài suốt ngày 20-2 âm lịch. Mỗi linh vị cao khoảng 20cm, rộng 7cm ghi tên tuổi những người lính trong tộc họ đã hi sinh. Khi kết lễ, tất cả linh vị này đều được đốt hết và thả tro tàn xuống biển như người lính năm xưa đã bỏ xác thân giữa đại dương.

Trung Quốc đã xâm chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa từ lúc nào?

Năm 1956, lợi dụng tình hình Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm nhóm phía đông quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan cho quân đội ra chiếm đảo Ba Bình trên quần đảo Trường Sa.

Tháng 1-1974, lợi dụng tình hình Mỹ phải rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc dùng một lực lượng hải quân, không quân quan trọng đánh chiếm nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa khi đó do quân đội của chính quyền Sài Gòn bảo vệ.

Năm 1988, Trung Quốc lại huy động lực lượng không quân, hải quân tấn công chiếm sáu điểm trên quần đảo Trường Sa, từ đó ra sức củng cố các điểm này làm bàn đạp cho những bước tiến mới. 

LÊ MINH NGHĨA (cố trưởng Ban biên giới của Chính phủ

 

Đặc biệt, một con thuyền mã được làm bằng giấy hoặc phên tre, thân chuối cũng được thả xuống biển. Trên thuyền có các hình nhân làm bằng rơm tượng trưng cho người lính. Ngoài ra, trong lòng thuyền còn được đặt một số món như gạo, muối, xôi chè, rượu, nước, củi lửa... là những thứ mà người lính ngày xưa từng mang theo đi làm nhiệm vụ. 

Ông Võ Hiến Đạt, người đã tham dự biết bao lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong suốt cuộc đời gần 80 năm của mình, rưng rưng tâm sự rằng buổi lễ không chỉ có ý nghĩa tâm linh. Các hải đội Hoàng Sa đã kết thúc sứ mạng lịch sử của mình lâu lắm rồi, nhưng hằng năm dân đảo Lý Sơn vẫn thực hiện lại buổi lễ này vì muốn con cháu đời sau mãi mãi ghi nhớ hình ảnh tiền nhân đã ra đi và hi sinh vì nước như thế nào.

Trường tồn cùng Tổ quốc 

Lần nào ra Lý Sơn, tôi cũng được người dân địa phương dẫn đi thăm các nơi từng in dấu hải đội Hoàng Sa xưa. Gần đây, nhiều di tích đã được Nhà nước và người dân chung tay sửa sang lại. Trên triền núi Hòn Vung, những người thợ xây đang gấp rút hoàn thành tượng đài liệt sĩ Hoàng Sa kiêm quản hải đội Bắc Hải. Đình làng An Vĩnh trông ra biển Đông tiêu điều trong thời cuộc loạn lạc cũng được trùng tu ngay trên nền đất đã từng in dấu chân bao hùng binh trước khi bước xuống thuyền. Các nhà thờ tộc họ có người đi lính, các nấm mộ chiêu hồn không hài cốt cũng đang được thành kính trùng tu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó chủ tịch UBND huyện, tự hào kể rằng mọi người đều đang cố gắng hết sức để Lý Sơn trở thành đảo cho nhân dân cả nước có thể viếng thăm, ghi nhớ công đức của những người lính trong hải đội Hoàng Sa.

Suốt hàng chục năm qua, ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ của anh hùng Phạm Hữu Nhật - cứ lặng lẽ đi sưu tập những chứng tích còn lại của đội lính Hoàng Sa. Ông cặm cụi sao lại các gia phả cổ, cắt dán những bài báo cũ, nhặt nhạnh từng viên đá, vốc cát vun đắp lên nấm mộ người xưa. Mỗi khi các nhà nghiên cứu viếng thăm quê hương hải đội Hoàng Sa, ông cũng trở thành người dẫn đường tình nguyện bất kể nắng mưa. Ngồi trước linh vị tiền nhân, người đàn ông có gương mặt chai sạm nắng gió biển Đông nói với tôi rằng mong mỏi lớn nhất của ông là có ngày được đặt chân lên quần đảo Hoàng Sa, thắp nén nhang ngay chính nơi tiền nhân đã hi sinh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Ông Phạm Thoại Tuyền nói: "Dù mai sau những di tích bằng đất đá này có mòn vỡ theo thời gian, những vị hùng binh năm xưa cùng quần đảo Hoàng Sa vẫn trường tồn trong mỗi trái tim người VN".

  • Quốc Việt (Tuổi Trẻ)

Địa dư, địa đồ khẳng định Tây Sa và Nam Sa (vốn là Hoàng Sa và Trường Sa của VN) nằm ngoài Trung Quốc.

Kỳ tới: Không thể bẻ cong sự thật!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,