(VietNamNet)- Hội nghị CG 2007 kết thúc với mức cam kết viện trợ kỷ lục giành cho Việt Nam, đạt 5,426 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2006.
>> Thủ tướng: Mong có những kênh ODA mới cho Việt Nam
>> Giám đốc WB: Nhà tài trợ nên cố gắng sử dụng hệ thống của VN
>> Trang bị "mũ bảo hiểm" cho "tay đua" Việt Nam
>> Việt Nam: Nghịch lí sử dụng vốn của nước nghèo >> Giữ nguyên tốc độ giải ngân, VN có thể nợ lớn
>> TP.HCM: "Điểm mặt" những dự án dùng vốn ODA "chết yểu"
Trong đó, cam kết viện trợ song phương đạt hơn 2,6 tỷ USD, cam kết đa phương đạt hơn 2,55 tỷ USD và cam kết của các tổ chức phi chính phủ quốc tế là 250 triệu USD. Ngân hàng phát triển châu Á ADB, Nhật Bản và Ngân hàng thế giới là những nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với hơn 1 tỷ USD tài trợ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe các góp ý của cộng đồng tài trợ quốc tế. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, con số tăng thực là chủ yếu. Con số này thể hiện sự ủng hộ to lớn, sự đồng thuận chính sách cao của Chính phủ và các nhà tài trợ cũng như sự tin tưởng vào tương lai của Việt Nam.
Ông Phúc khẳng định, Việt Nam hiểu sâu sắc ODA chính là tiền thuế của cộng đồng tài trợ giúp cho Việt Nam, từ đóng góp của từng người dân. Việt Nam cam kết sẽ sử dụng hiệu quả, đảm bảo sự ủng hộ này đến với từng người dân, đóng góp sự phát triển cho từng người dân.
Việt Nam đang ngày càng tiếp cận lớn hơn vào thị trường vốn thế giới. Việt Nam sẽ cần ít hơn những khoản viện trợ có điều kiện chặt.
Hiện nay, 25% nguồn vốn ODA của WB vào Việt Nam không kèm theo điều kiện. Nguồn vốn này được sử dụng cho chương trình 135. Có thể một lúc nào đó, Việt Nam có thể nói, chúng tôi không muốn bị bó chặt. - Martin Rama nói |
Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam đánh giá, nhìn vào con số, lĩh vực và mức độ cam kết đều có thể thấy bước nhảy vọt lớn so với những năm qua. Điều này thể hiện sự ghi nhận của các nhà tài trợ với năng lực tiếp nhận và thực hiện cam kết của Việt Nam.
Để không trật đường băng khi cất cánh
Hai ngày làm việc căng thẳng và hiệu quả, các nhà tài trợ đã cùng đánh giá lại các dự án ODA, các vấn đề còn tồn tại và bàn thảo những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Các nhà tài trợ đều nhấn mạnh việc tránh "cái bẫy của nước thu nhập trung bình" đối với Việt Nam khi đang ngấp nghé ngưỡng vượt nghèo. "Nhiều nước đã ra đến đường băng nhưng trật cánh".
"Nếu thiếu quyết sách đúng đắn, Việt Nam có thể sa vào bẫy và có mức tăng trưởng bằng 0", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.
Trong quản lý kinh tế vĩ mô, thời gian qua đã có những dấu hiệu chưa bền vững với lạm phát cao. Nếu không giải quyết quyết liệt, Việt Nam có thể bị sa vào khủng hoảng như một số nước trong quá trình phát triển khác. Vấn đề lạm phát, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách thể chế... là vấn đề thách thức với Việt Nam.
Đặc biệt, chính sách cho người nghèo được ưu tiên, để họ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước. "Nếu không có chính sách cụ thể với người nghèo về xã hội hóa, đất đai, điều kiện gia nhập thị trường, họ sẽ bị tụt lại phía sau", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận.
Việt Nam: nhóm nguy cơ thấp về nợ nước ngoài
Các nhà tài trợ bàn thảo. |
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đang nợ nước ngoài khoảng 20 tỷ USD. Mức nợ này tương đương với 31% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người dân sẽ nợ nước ngoài tương đương 31% mức thu nhập trung bình đầu người, ông Martin Rama, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phân tích.
Mức nợ này là thấp so với tiêu chuẩn quốc tế và nó còn thấp hơn nữa bởi thời gian ân hạn. Do đó, trên thực tế, món nợ không phải là 31% GDP/người mà chỉ là 25% GDP/người.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, mức nợ này của Việt Nam sẽ giảm theo thời gian. Tôi không nghĩ là về dài hạn, món nợ này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trên thực tế, WB và IMF đặt Việt Nam vào danh sách nhóm các nước có mối nguy cơ thấp trong vấn đề nợ nước ngoài.
Xem xét dự án PMU18, không hề thấy một bằng chứng nào của việc tham nhũng, nhưng chúng tôi tìm thấy những điểm yếu của hệ thống, đòi hỏi sự liên kết giữa các nhà lãnh đạo, đặc biệt là quy trình thủ tục rất khó xác định.
Tiến trình thực hiện các thủ tục của PMU18 ở cấp tỉnh có vấn đề. Chúng tôi tìm thấy một số vấn đề trong triển khai không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. - Martin Rama nói. |
Giải ngân đạt trung bình thế giới nhưng vẫn chậm
Năm 2007, lần đầu tiên kết quả giải ngân ODA tại VN đã vượt dự kiến đề ra, tăng trên 10% so với năm 2006. Mức giải ngân này tiến tới mức trung bình của thế giới. "Đối với Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước sử dụng ODA hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cho người dân".
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng mô hình quản lý ODA cho một số dự án trong nước, đưa thủ tục của Việt Nam gần với thủ tục của các nhà tài trợ, đạt chuẩn quốc tế.
Theo ông Martin Rama, tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, đặc biệt trong việc thông qua dự án. "Sau khi chúng tôi thông qua khoản viện trợ cho Việt Nam, Việt Nam bắt đầu xem xét dự án thì thường phải mất 1-3 năm để xem xét pháp lý. Không thể triển khai được gì nhiều trước khi việc này được hoàn tất".
Có những dự án mặc dù được phân cấp về địa phương nhưng vẫn phải xin ý kiến trung ương, làm chậm quá trình giải ngân.
Riêng với các dự án cơ sở hạ tầng, chiếm hơn 50% nguồn vốn ODA, thường mất nhiều thời gian hơn do tính chất đặc thù của loại hình dự án này. Các dự án cơ sở hạ tầng bản thân thời gian cam kết cũng dài hơn các dự án khác.
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới Ajay Chhibber, từ phía các nhà tài trợ, cần phải có sự linh hoạt hơn trong việc mong muốn Việt Nam sử dụng nguồn lực, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống của mình. Các nhà tài trợ phải cố gắng sử dụng tốt chính hệ thống của Việt Nam trước khi đòi hỏi một sự thay đổi hoặc áp đặt hệ thống riêng của nước cung cấp ODA.
Khi tiến hành phân cấp về địa phương, vấn đề năng lực cấp tỉnh cần được đặc biệt coi trọng. Các nhà tài trợ và Việt Nam phải dành một phần nguồn vốn ODA để tăng năng lực cho các cán bộ địa phương.
Theo ông Konishi, Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu tiên trong quá trình tăng tốc giải ngân, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đem lại lợi ích lớn nhất cho người dân.
-
Phương Loan