(VietNamNet) - “Chủ đề cuộc đối thoại lần này là Sự tham gia của xã hội vào phòng, chống tham nhũng. Chúng tôi sẽ có đóng góp giúp Việt Nam tìm ra một cơ chế, theo đó, người dân cảm thấy an toàn khi chống tham nhũng”. Bà Molly Lien, Tham tán, Phó ban Hợp tác phát triển ĐSQ Thụy Điển tại Hà Nội trao đổi với VietNamNet trước thềm cuộc đối thoại lần 2 giữa đại diện các cơ quan phòng, chống tham nhũng của Việt Nam và các đối tác phát triển, diễn ra sáng mai (3/12) tại Hà Nội.
>> Nhà tài trợ mong Việt Nam sớm kết luận vụ PMU 18
>> "Điều tra tham nhũng của VN cần công cụ luật mạnh hơn"
>> Tổng Thanh tra: Kiểm soát thu nhập cả cảnh sát khu vực
"Chưa ai có thể nói tham nhũng đã giảm"
Với tư cách là nhà tài trợ, bà đánh giá thế nào về kết quả phòng, chống tham nhũng mà VN đã làm trong 6 tháng qua, kể từ khi cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức?
Tôi cho rằng đã có rất nhiều hoạt động và sáng kiến được đưa ra ở các cấp trung ương và địa phương. Chính phủ VN đã bắt đầu thảo luận chiến lược phòng, chống tham nhũng (PCTN), đưa giáo dục PCTN vào hệ thống nhà trường, thành lập ban chỉ đạo PCTN cấp tỉnh, cũng như thảo luận về việc thanh toán lương qua tài khoản ngân hàng…
Nhưng chưa ai có thể nói các hoạt động đó có giúp giảm mức độ tham nhũng hay chưa. Chính vì thế, điều quan trọng là phải làm thế nào để tăng cường, phát triển các hệ thống đáng tin cậy để theo dõi, kiểm soát, giám sát tham nhũng trong tương lai.
Ngoài ra, tôi cho rằng cần có sự điều phối tốt hơn giữa các cơ quan PCTN để công tác PCTN hiệu quả hơn. Văn phòng điều hành là cơ quan mới, lại có nhiệm vụ rất quan trọng nên cần tăng cường hơn nữa năng lực trong tương lai.
Tại cuộc đối thoại lần thứ nhất, Phó Đại sứ Thụy Điển Lennart Nordstrom từng phát biểu cho rằng, cách hiệu quả nhất để chống tham nhũng là đảm bảo luật pháp cụ thể hơn, minh bạch hơn. Phải có chiến lược chống tham nhũng và vai trò của truyền thông, sự minh bạch thông tin cũng là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Đánh giá của bà về 3 yếu tố công cụ chống tham nhũng này ở VN?
VN đã làm được rất nhiều trong việc đưa ra các văn bản pháp luật liên quan đến PCTN. Đã có rất nhiều chỉ thị, nghị định dưới luật. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, cần có cơ quan nào đó chuyển thể sang các dạng tóm tắt, dễ đọc, dễ hiểu để người dân có thể hiểu được quyền, trách nhiệm của mình đã được mô tả trong luật.
Tôi được biết Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm điều phối xây dựng Chiến lược quốc gia về PCTN từ nay đến năm 2020. Tôi cho đây là bước tiến quan trọng và hy vọng chiến lược đó sẽ được đưa ra vào 2008. Đó sẽ là một chiến lược tổng thể, đưa ra một cách cụ thể những ưu tiên cũng như các hướng dẫn để làm thế nào có thể thực hiện được chiến lược ấy. Chiến lược đó cần có nhìn nhận theo quan điểm ủng hộ cho người nghèo, bởi tham nhũng làm tổn thương và ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên đến người nghèo.
Về vai trò của báo chí, cần phải tăng cường vai trò của lực lượng này cũng như minh bạch thông tin để bảo đảm sự thành công của chiến lược PCTN. Trong thời gian qua, báo chí VN đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tin các trường hợp tham nhũng và báo chí cần phải tiếp tục xu hướng này mạnh hơn.
Kinh nghiệm Thụy Điển: Mọi người dân đều có thể biết tài sản cán bộ
“Ở Thuỵ Điển, chúng tôi xác định điều quan trọng nhất là tạo sự minh bạch ở cơ quan công quyền và chính phủ, truyền thông độc lập, xã hội dân chủ để giám sát sự phát triển, trong đó có tham nhũng. Đó là nhân tố chính giúp Thụy Điển trở thành quốc gia có tỉ lệ tham nhũng rất thấp trên thế giới”. Bà Molly Lien |
Tháng 12 này, VN bắt đầu thực hiện việc kê khai tài sản cán bộ có chức quyền. Đề án trả lương công chức qua tài khoản cũng chuẩn bị được trình Chính phủ. Đây được coi là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Ở Thụy Điển, người dân có quyền được biết thu nhập hay tài sản của mọi cán bộ nhà nước không, thưa bà?
Ở Thuỵ Điển chúng tôi có một hệ thống mà mọi người dân đến tuổi trưởng thành, kiếm được tiền đều phải công khai thu nhập của mình hàng năm để đóng thuế.
Cán bộ có chức quyền có một hệ thống khai báo tài sản riêng, hàng năm họ phải khai báo tài sản của họ. Tất nhiên tài khoản cá nhân sẽ không ai xem được. Nhưng mọi người dân đều có thể tra cứu, tìm hiểu thu nhập của cán bộ nhà nước.
Ở tất cả các cơ quan công quyền ở Thuỵ Điển, mọi người dân, ai muốn xem chứng từ, giấy tờ đều được xem. Chúng tôi có rất rất ít văn bản, tài liệu có dấu mật. Ngay cả ở ĐSQ tại Hà Nội đây, các hồ sơ, tài liệu, dự án nào đó ai muốn xem thì chúng tôi sẵn sàng phục vụ.
Quan chức Thụy Điển có bị trừng phạt nặng không nếu gian dối trong khai báo tài sản?
Ồ, người Thụy Điển rất sợ bị báo chí phanh phui vụ việc như thế, chính vì thế hi hữu người ta mới dám làm việc đó. Có tham nhũng nhưng ở mức rất thấp.
Liệu đó có phải là kết quả của nền giáo dục không?
Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng. Thế hệ tôi ít khi nghe đến một chuyện tham nhũng nào tồi tệ cả. Ở VN thì khác, đây là câu chuyện hàng ngày trên mặt báo. Giáo dục ở Thuỵ Điển có vai trò quan trọng, không phải giáo dục về tham nhũng mà mỗi người dân được giáo dục về quyền lợi, trách nhiệm và tính trung thực.
Không thể dạy một đứa trẻ 6 tuổi về Luật phòng chống tham nhũng!
Vừa nãy bà có nhắc đến chương trình đưa giáo dục PCTN vào nhà trường. Chương trình giảng dạy về PCTN nên được “thiết kế” như thế nào cho phù hợp, theo bà?
Tôi được biết đang có những thảo luận khác nhau về ý tưởng này, trong đó có tranh luận nên giảng dạy cho đối tượng lớn hay cho con người từ khi trẻ nhỏ.
Tôi thì cho rằng, nên bắt đầu việc này từ khi còn bé, đó là lứa tuổi dễ thích ứng, linh động học những điều mới mẻ. Tất nhiên với một đứa trẻ chỉ mới 5-6 tuổi, bạn không thể nói với nó về Luật PCTN, thay vào đó, nên dạy cho trẻ điều gì là đúng, điều gì là sai và làm thế nào để làm một con người tốt. Và tất nhiên, phải nói với trẻ theo ngôn ngữ mà chúng hiểu.
Vậy tại cuộc đối thoại lần 2 này, Thụy Điển sẽ có những đề xuất gì với phía VN?
Các nhà tài trợ sẽ có đóng góp, kiến nghị cho VN để giúp cho VN có thể tìm ra một cơ chế theo đó xã hội, mỗi cá nhân sẽ được tham gia một cách tích cực hơn vào công cuộc PCTN, làm thế nào để người dân cảm thấy an toàn.
Cuộc đối thoại diễn ra sáng 3/12 gồm hai phần: Phần 1 liên quan đến các báo cáo về hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiến độ, những thách thức trong năm 2007. Phần 2: Thảo luận về cơ chế để có sự tham gia hơn nữa của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. |
-
Vân Anh