(VietNamNet) - Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đem lại cánh cửa thoát nghèo cho người dân. Để chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình này, Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn và một quy hoạch ngay từ bây giờ. Trong quy hoạch, cần một chính quyền đủ mạnh để giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích công và lợi ích thương mại. Việt Nam cần xây dựng 6-10 trung tâm phát triển, không chỉ riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Quan điểm của chuyên gia LHQ, trưởng đại diện UNFTA tại Việt Nam Ian Howie.
Đô thị hóa mở cánh cửa thoát nghèo
Báo cáo thực trạng dân số thế giới 2007 với chủ đề: "Giải phóng tiềm năng phát triển đô thị" nhấn mạnh, đô thị hóa tại Việt Nam là một thực tế không thể đảo ngược. Việt Nam hiện nay có khoảng 500 khu đô thị với quy mô khác nhau, nhưng mới chỉ có 27% dân số đang sống ở trong các khu đô thị này. Con số này ước tính sẽ tăng lên 45%, tức 46 triệu dân vào năm 2020. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo, năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn một nửa dân số thế giới sẽ sống trong các khu đô thị. Phần lớn các cư dân mới này sẽ là người nghèo".
Không chỉ cần tầm nhìn 10, 20 năm, Việt Nam cần có những nhà quy hoạch có tầm nhìn 50 năm. Ảnh minh họa.
Không giống như các nước khi gia tăng tự nhiên (cha mẹ ở đô thị sinh con) là nguyên nhân chính dẫn đến tăng dân số ở các đô thị, sự di cư nội địa từ nông thôn lên thành phố là động lực chính cho quá trình đô thị hóa tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 1 triệu lao động, đặc biệt là phụ nữ di cư từ nông thôn lên thành thị. Ngay tại phòng họp báo công bố Báo cáo, hơn một nửa số người trong phòng không sinh ra tại Hà Nội mà từ các vùng nông thôn trong cả nước.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thành phố là nơi tập trung người nghèo và cũng là nơi tạo điều kiện tốt nhất để người dân thoát nghèo. Người lao động từ nông thôn ra thành phố với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đô thị mang đến cho họ nhiều cơ hội và tiềm năng cải thiện cuộc sống, với cơ hội học hành, công việc và điều kiện chăm sóc y tế, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú hơn...
"Các đô thị mở cánh cửa rộng hơn cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tham gia vào đời sống xã hộ. Với thanh niên, các đô thị không chỉ giúp họ thoát nghèo, tiếp xúc với đời sống văn hóa qua âm nhạc, thời trang... mà còn giúp nhận thức chính mình và xây dựng bản sắc mới".
"Giá của quy hoạch lại sẽ là quá đắt"
"Không có quốc gia nào phát triển hiện đại mà không trải qua quá trình đô thị hóa". Để tranh thủ tối đa cơ hội, "Việt Nam phải chẩn bị cho sự gia tăng dân số thành thị bằng một tầm nhìn dài hạn và chính sách đi trước đón đầu, mang lợi ích cho người nghèo".
"Đã đến lúc Việt Nam phải lập một kế hoạch, quy hoạch cụ thể cho phát triển đô thị", trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khuyến nghị. "Nhìn vào các thành phố lớn trên thế giới, nơi có trình độ công nghiệp hoá mạnh mẽ, đều cần những nhà quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. New York, Paris là ví dụ".
"Việt Nam không chỉ cần nhà quy hoạch có tầm nhìn 10 năm, 20 năm mà phải tính tới 50 năm tới, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ ra sao". "Chính quyền phải lập quy hoạch, chuẩn bị cho việc di dân này, tạo điều kiện tốt nhất cho cuộc sống của họ".
Người dân vì nhu cầu sống mà ra thành phố, chính quyền phải chấp nhận thực tế đó. Bạn không thể cưỡng lại xu thế này, và cũng không thể ép buộc họ quay trở lại nơi họ đã ra đi.
Người dân có xu hướng tập trung ở khu vực nội thành, nơi họ có đủ điều kiện chi trả cho cuộc sống. Họ thường tập trung ở nơi có thể thuê nhà thay vì sống ở ngoại ô, nơi họ phải mua đất, làm nhà, và chi trả một lượng lớn chi phí đi lại. Thành phố cần xác định rõ vị trí nào người dân có thể sinh sống, từ đó, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng cho họ, như cung cấp hệ thống điện, nước, đường sá... Không thể để người dân phát triển tự phát.
"Cái giá của việc quy hoạch lại sẽ là quá đắt!", ông Ian nhấn mạnh.
Cần chính quyền mạnh để dung hòa lợi ích thương mại và công chúng
Trong quá trình phát triển của một quốc gia, công nghiệp hóa sẽ đi trước nhiều năm, tạo sức hút, lôi kéo người dân từ nông thôn ra thành thị kiếm việc. Thành phố cũng là nơi tập trung các trường đại học, do đó, nếu không dàn đều, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng mất cân đối về phân bố sức trẻ. Việt Nam cần phân bố trải dài theo chiều rộng các trường đại học, rải đều việc xây dựng các khu công nghiệp trong cả nước thay vì tập trung ở một vài thành phố lớn.
Và để tránh bài học của các quốc gia Nam Á, nơi 1/4 dân số quốc gia sống tập trung tại một thành phố, Việt Nam cần xây dựng 6 - 10 trung tâm phát triển, đảm bảo sự phân bổ đồng đều về dân số, không chỉ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bản thân mỗi thành phố phải phát triển, mở rộng hệ thống các thành phố vệ tinh. Bao quanh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải có được 5 - 10 thành phố vệ tinh, ông Ian chia sẻ.
Theo ông Ian, trong quá trình quy hoạch, mỗi thành phố cần phải xem xét kỹ những ưu thế cần giữ gìn, tránh để cho quá trình đô thị hóa làm mất đi. Ví dụ, Hà Nội có nhiều ưu thế: thành phố với nhiều đường phố rộng, nhiều cây, vỉa hè thông thoáng, và hệ thống nhà tầng thấp hơn nhiều so với New Dehli, Bangkok. Hà Nội cũng chưa chuyển sang giai đoạn đường phố tràn ngập xe hơi. Đó cũng là một ưu thế... Hà Nội có nhiều ưu điểm tích cực mà người lập quy hoạch cho tương lai phải xem xét, phát huy và giữ gìn.
Trong quá trình đô thị hóa, mâu thuẫn giữa lợi ích thương mại và lợi ích cộng đồng nổi lên. "Cần phải có một chính quyền thành phố mạnh để giải quyết và dung hòa được mâu thuẫn đó", ông Ian khuyến nghị.
-
Phương Loan