(VietNamNet) - "Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ có mệnh giá 80.000 đồng, một ca chạy thận giá 80 triệu, như thế một nghìn ông cả năm không được khám chữa gì cả để cõng một ông, vì thế phải tăng mệnh giá thẻ lên". Lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trần tình trước Quốc hội. Ông cũng đề nghị Quốc hội xem xét ủng hộ nhiều chi tiêu cho ngành.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế sáng nay (19/11) diễn ra sôi động với những tiếng vỗ tay của Đại biểu sau khi nghe những tâm sự có phần "thật thà" của ông Triệu cũng như những lời hứa cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là cho người nghèo.
Bảo hiểm y tế tự nguyện: Bỏ ngay những quy định bất hợp lý
"Tôi hứa sẽ làm việc với Bộ Tài chính sửa thông tư liên tịch giữa 2 Bộ. Quan điểm của Bộ Y tế là không nên quy định 10% hộ gia đình trong xã, 100% thành viên gia đình đăng ký thì mới được mua BHYT", Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) khi ông này cho rằng, quy định bắt buộc trên dẫn đến hệ quả, người nghèo phải chờ và dư luận cho đây là một loại hình kinh doanh của y tế, không hợp lòng dân.
Ông Kiệt cũng yêu cầu Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân bội chi quỹ BHYT, có phải do cơ chế quản lý của Bộ còn nhiều kẽ hỡ, tùy tiện lợi dụng không.
Bộ trưởng Bộ Y tế: "Ngăn cản bác sỹ sang bệnh viện tư thì không đúng lắm, trong quy luật cạnh tranh, không thể dùng mệnh lệnh hành chính được". Ảnh: Vũ Dũng
Ông Triệu trả lời: Mới nhận nhiệm vụ, phần soạn thảo là do đội ngũ tiền nhiệm, nhưng ông đã hỏi bộ phận soạn thảo lý lẽ của quy định 10%. Bộ trưởng nói, nguyên nhân là người có nhu cầu khám chữa bệnh, đã có bệnh mới mua, số đóng vào ít, số chi nhiều.
Chính sách viện phí tất yếu phải sửa đổi Chính sách thu một phần viện phí áp dụng từ 1994 chưa bù đắp đủ các chi phí để phục vụ người bệnh, chưa phân định rõ, nên người có thu nhập thấp được bao cấp ít, bao cấp ngược, tràn lan. Điểm mới là thực hiện tính đúng, tính đủ, trợ giúp người có chính sách, người nghèo, công khai minh bạch thu chi. Không bao cấp tràn lan, mà đối tượng có khả năng chi trả thì phải trả đủ hơn. Đối tượng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi miễn 100%. Bộ Y tế đang đề nghị, với người cận nghèo, học sinh, sinh viên sẽ miễn 50%. |
"Về tài chính học là đúng, nhưng về y tế học và xã hội học thì đa số đây là lao động nghèo, chúng tôi sẽ tìm giải pháp chống bội chi, sửa chữa quy định", ông Triệu hứa.
Nhưng các đại biểu chưa hài lòng với lời hứa này. Đại biểu Phạm Văn Xướng (Long An) nhấn mạnh: Phải chăng nguyên nhân cơ bản là phục vụ còn quá kém, các bệnh viện không công nhận xét nghiệm của nhau, chi phí chiếm 40 - 50% kinh phí mà quỹ bảo hiểm phải chi trả, rồi có hình thức lạm dụng khác, có bệnh án khám chữa nội trú nhưng vẫn đi làm.
Công nhận chuyện lạm dụng này, Bộ trưởng Y tế cho biết, sẽ kiểm tra, thanh tra quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Ông Triệu cũng "thật thà" nêu thực tế là mệnh giá thẻ BHYT còn quá thấp: "Chỉ có 80.000 đồng/thẻ trong khi chạy thận một ca hết 80 triệu, một nghìn "ông" phải cả năm không khám chữa gì cả mới cõng được một "ông", tôi nghĩ Quốc hội nên xem xét nâng mức mệnh giá này lên. Tiền ít thì chữa bệnh lâu khỏi".
Đại biểu Dao Nhiêu Linh (TP. HCM) "truy": Bộ trưởng cần cho cử tri biết, tháng nào, năm nào sẽ hoàn thành lời hứa sửa nghị định?
Bộ trưởng Triệu cười tươi trước đề nghị này: "Chắc Đại biểu muốn hỏi lại cho chắc chắn, tôi tin là Bộ trưởng Tài chính cũng ủng hộ thôi vì chuyện bỏ quy định 10% là hợp đạo lý".
Ông cũng khẳng định chỉ đạo của Bộ Chính trị, sẽ không quay lại chế độ bao cấp y tế như trước, "tràn lan mà không hiệu quả": Tương lai, sẽ cố gắng tiến tới BHYT toàn dân, bệnh viện không nhận tiền trực tiếp từ bệnh nhân. BHYT sẽ phủ 75% dân số.
Giữ người giỏi: Bệnh viện công hãy chuyển đổi chính sách đi!
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thẳng thắn đề nghị Quốc hội xem lại ngân sách cho y tế chỉ bằng 1/3 giáo dục: "Tôi không so bì hay cho rằng ngân sách cho giáo dục cao quá, nhưng Quốc hội phải có ý kiến, phải có giám sát, y bác sỹ vất vả phải có phụ cấp, phải có chế độ đãi ngộ".
Đó chính là quan điểm của Bộ trưởng sau 6 tháng nắm quyền, khi nghe nhiều Đại biểu "kêu" về tình trạng thiếu bác sỹ ở cơ sở, gây quá tải ở trung ương, cũng như xu hướng nhiều bác sỹ trẻ, giỏi ở bệnh viên công chuyển sang làm việc ở bệnh viện tư.
Giá thuốc tăng như thế vẫn là dưới ngưỡng Trả lời ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về việc rác thải bệnh viện bị đưa ra ngoài tái chế, dùng trong cuộc sống, ông Triệu "hồn nhiên" cho hay: "Báo chí cứ tranh luận, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, chứ vi trùng cứ hấp 121 độ trong 30 phút là chết hết". Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,12%, giá thuốc chỉ tăng 6,06% là "dưới ngưỡng". Đồng thời ông cho biết, Thủ tướng đã có thông báo, không cổ phần hóa bệnh viện nhà nước lớn, có thương hiệu. |
Các đại biểu Lê Thị Nga (Hải Dương), H’Luộc N’Tor (Đăk Lăk), Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Lê Thị Yến (Phú Thọ), Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đều chung bức xúc này và yêu cầu ông Triệu nêu giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng nói thẳng: "Ngăn cản bác sỹ sang bệnh viện tư thì không đúng lắm, trong quy luật cạnh tranh, không thể dùng mệnh lệnh hành chính được. Các bác sỹ đều muốn làm việc ở nơi nào trả lương cao và có điều kiện kỹ thuật tốt để phát triển về chuyên môn".
Từng làm bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai, giữ chức Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Triệu có cái nhìn thực tế: "Phải nhìn rộng, bệnh viện tư cũng là phục vụ nhân dân, thời gian qua, bệnh viện tư nhân đã chia sẻ tốt cho bệnh viện nhà nước".
Không khí tranh luận lên đến cao trào khi Bộ trưởng kể: "Một thứ trưởng Bộ tôi vừa về hưu đã được một bệnh viện tư trả lương 30 triệu/tháng để làm giám đốc. Như vậy, muốn giữ được người giỏi thì bệnh viện công phải chuyển đổi chính sách đi, để bệnh viện công có cơ chế tự chủ về tài chính và phải đầu tư vào trang thiết bị. Chứ thực tế, Nhà nước luôn đi sau tư nhân, các cán bộ cấp cao phải vào bệnh viện Hoàn Mỹ trong TP. HCM để chụp máy 64 lớp".
"Quốc hội cần ủng hộ để nâng cấp bệnh viện, thay đổi chính sách phù hợp và cũng phải tăng cường đào tạo để thỏa mãn cả công lẫn tư, chứ 7 bác sỹ/vạn dân là tỷ lệ còn thấp lắm. Phải có bước đi quyết liệt mới được", ông Triệu mạnh dạn yêu cầu Quốc hội.
Bộ trưởng Triệu cũng không ngại nêu giải pháp cho việc tăng cường y bác sỹ cho tuyến xã, huyện: Thay vì bắt buộc y bác sỹ về vùng sâu, vùng xa, phải tính đến biện pháp khả thi hơn là luân chuyển cán bộ, như thời ông làm GĐ Sở Y tế Hà Nội: Cho bác sỹ ở Sóc Sơn ra các bệnh viện lớn thực tập, làm việc một thời gian để nâng cao tay nghề rồi trở về phục vụ bà con, chứ "ở xã, cả đời chả nhìn thấy xương thì làm sao phẫu thuật được". Đồng thời, bác sỹ tuyến trên sẽ được thay nhau về tuyến dưới hỗ trợ.
Xin người sản xuất mắm tôm "thông cảm"
Đã hết giờ chất vấn nhưng phần trả lời của Bộ trưởng Triệu vẫn "nóng" sau chất vấn của GS Nguyễn Lân Dũng. Chuyên gia vi sinh này yêu cầu Bộ trưởng Y tế trả lời về tổn thất đối với người sản xuất mắm tôm, cơ sở khoa học nào đã phân lập vi khuẩn tả trong loại nước chấm "bị" Bộ Y tế cho là "thủ phạm" gây tiêu chảy cấp.
Ông Dũng cũng yêu cầu Bộ trưởng giải thích, vì sao hôm nay ông dùng thuật ngữ "tiêu chảy cấp có nguồn gốc vi khuẩn tả", mà không công bố ngay từ đầu ra công luận, vậy trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế như thế nào, nếu người nước ngoài mang bệnh về nước họ.
"Mắm tôm có độ mặn 6% thì vi khuẩn tả đã có thể sống được 5 tiếng. Với tốc độ đi lại như hiện nay, 5 tiếng thì vi khuẩn có thể lên tận Tuyên Quang rồi, bà con sản xuất thông cảm tạm dừng trong giai đoạn này", ông Triệu đáp.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về "thủ phạm mắm tôm" nhưng Hội đồng chuyên môn căn cứ vào lâm sàng 93% người bệnh ăn mắm tôm cũng như "tiền sử" thứ nước chấm này đã từng gây ra dịch những lần trước.
"Hội đồng chuyên môn kiến nghị trong thời gian dịch, không dùng mắm tôm sống, kết thúc dịch rồi thì lại ăn như với thịt gà sau dịch cúm gà thôi".
Vế thứ 2 trong câu hỏi của Đại biểu Dũng không được ông Triệu trả lời.
-
Vân Anh