(VietNamNet) - 1 tháng sau ngày qui chế miễn thị thực cho người VN định cư ở nước ngoài bắt đầu có hiệu lực, gần 3.000 kiều bào đã nhận được giấy miễn thị thực.
- Thủ tướng quyết định miễn thị thực cho kiều bào từ 1/9
- Khai trương website hướng dẫn miễn thị thực cho Việt kiều
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình
Đó là thống kê sơ bộ mà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt ở nước ngoài Nguyễn Phú Bình cho biết trong cuộc gặp mặt báo chí tại Hà Nội chiều nay (4/10).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình, hầu hết những trường hợp đến xin cấp giấy miễn thị thực, nếu đủ điều kiện đều được giải quyết nhanh chóng. Chỉ có sáu trường hợp không được giải quyết do không đủ điều kiện là phải có quốc tịch Việt Nam.
Trước khi áp dụng quy chế mới này, Bộ Ngoại giao đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về bộ máy và nhân lực. Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã làm việc với nhau rất cụ thể. Ở nước ngoài, cơ quan chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ là các cơ quan đại diện tại nước sở tại hoặc tại nơi thuận tiện nhất nếu ở nước sở tại chưa có cơ quan đại diện VN. Trong nước là cơ quan xuất nhập cảnh của Bộ Công an. Bộ Ngoại giao đã chuyển các tài liệu như mẫu tờ khai, tài liệu hướng dẫn... cho các cơ quan đại diện. Bộ Công an đã tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ trực tiếp làm việc này của cả hai bộ.
Trong tháng qua, cán bộ làm công tác này đã tỏa đi các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... để tập huấn cho cán bộ các cơ quan đại diện để kịp thời giải đáp những khúc mắc của bà con Việt kiều. Ngay trong ngày 1/9, nhiều kiều bào tại Pháp đã được nhận giấy miễn thị thực ngay tại chỗ.
Đại diện Việt kiều về nước dự ĐH Hội LHPNVN lần thứ X
Liên quan đến chuyện cấp giấy miễn thị thực là vấn đề Việt kiều muốn nhập lại quốc tịch cũ.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình cho biết, sau gần 10 năm thi hành Luật Quốc tịch, bà con kiều bào vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc làm thủ tục xin thôi quốc tịch hoặc xin quay lại quốc tịch cũ (quốc tịch Việt Nam). Thời gian từ khi nộp đơn cho đến khi xét duyệt kéo dài cả năm trời.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ có những tổng kết cụ thể về vấn đề này để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Quốc tịch. Cụ thể, sẽ đơn giản hóa dần các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho kiều bào thôi hoặc được quay lại quốc tịch.
Ngay sau buổi họp báo, Bộ Ngoại giao và Ủy ban người Việt ở nước ngoài đã có cuộc gặp gỡ với 8 đại diện Việt kiều vừa về nước tham dự ĐH Hội Liên hiệp Phụ nữ VN lần thứ X.
-
Lê Nhung