(VietNamNet) - Hai Giám đốc đầu tiên thay mặt UBND trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hà Nội sáng nay, 12/7 là GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc và GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư. Phần trả lời về hướng xử lý nhà "siêu mỏng", "siêu méo" cũng như nguyên nhân chậm tiến độ xây cầu Vĩnh Tuy chưa làm đại biểu thỏa mãn.
>> Hà Nội: Nhà ’’siêu nhỏ’’, tiền bán "siêu to"
>> Mặt tiền của phố: Dị ứng hậu thẩm mỹ viện
Giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Tô Anh Tuấn: Nguyên nhân dẫn đến nhà siêu mỏng do chủ công trình, chính quyền phường quận và quy định, cơ chế. Ảnh: LAD
Nhà siêu mỏng: Câu trả lời cũ cho một câu hỏi cũ
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tô Anh Tuấn tỏ ra lúng túng ngay từ đầu, khi có 2 câu hỏi chất vấn dành cho ông nhưng câu đầu tiên ông cho biết "chưa chuẩn bị kịp" và xin trả lời câu thứ 2 trước, về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và hướng xử lý với tình trạng lộn xộn, cụ thể là nhà "siêu mỏng", "siêu méo" ở hai bên đường vành đai 1, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Các đại biểu HĐND được xem một phóng sự ngắn của Đài TH Hà Nội về một "bức tường có giá 3 tỷ", một "ngôi nhà sâu 80 cm, giá 60 triệu". Đây thực sự là "bài toán chưa có lời giải" trên đoạn đường dài vẻn vẹn 1.000 m này.
Trong câu trả lời được trình bày bằng văn bản, ông Tô Anh Tuấn trích dẫn rất nhiều Quyết định của Thành phố để giải trình về tình trạng nhà siêu mỏng trên tuyến đường, và chỉ ra 3 nguyên nhân, thuộc về chủ của các công trình (không chấp hành quy định), chính quyền phường, quận (không kiên quyết xử lý) và quy định, cơ chế (chưa đầy đủ).
Các đại biểu không hài lòng với phần trả lời này, cho rằng ông Tuấn chưa chỉ ra được giải pháp để chấm dứt tình trạng này cũng như không để nó tái diễn trên các con đường khác mà TP đang chuẩn bị làm. Đại biểu Đỗ Hoài Nam yêu cầu GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết con số thống kê nhà siêu mỏng trên toàn thành phố. Câu trả lời của ông Tuấn là "Khó mà thống kê được, TP chưa thể có con số chính xác".
Dãy nhà siêu mỏng ở phố Đào Tấn, Hà Nội. Ảnh: PL
Đại biểu Ngô Văn Ny giơ tập văn bản của kỳ họp thứ 6 dài 6 trang, nói: "Đây không phải là chất vấn mà là tái chất vấn. Câu trả lời của GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc không có gì khác câu trả lời ở kỳ họp thứ 6, cách đây 1 năm". Ông Ny gay gắt: "Tôi nghĩ, sau 1 năm, biện pháp tốt nhất là UBND ra quy định để xử lý dứt điểm, nếu cần thì HĐND ra quyết nghị, diện tích đất như thế nào thì không được xây".
Về việc triển khai chủ trương "mở đường đồng thời với xây dựng phố" chưa thực hiện được ở các tuyến đường đi qua khu dân cư, GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, một trong những khó khăn chủ yếu vẫn là công tác giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Vũ Đức Hùng thẳng thắn phản bác: "Cơ chế chính sách là do ta. Dân ta rất tốt, nếu làm tốt từ những khâu đầu tiên thì chắc chắn không có vi phạm. Chính UBND và HĐND cũng phải nhìn lại nghiêm túc và khoa học những quyết định của mình. Phải chăng còn tính vô cảm của cán bộ?".
Nhiều đại biểu cho rằng, chỉ định ông Tô Anh Tuấn trả lời là chưa thỏa đáng, thẩm quyền quyết định xử lý không phải của Sở Quy hoạch Kiến trúc mà phải là của UBND TP. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Triệu cho biết sẽ lên tiếng về vấn đề này đầu giờ chiều nay.
Cầu Vĩnh Tuy chậm tiến độ: Phát sinh 150 tỷ tiền lãi
Người thứ 2 trả lời chất vấn là GĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư Triệu Đình Phúc. Câu hỏi là: Theo kế hoạch, cầu Vĩnh Tuy sẽ được hoàn thành vào tháng 2/2007 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân chậm tiến độ là gì? Bao giờ cầu hoàn thành? Kinh phí phát sinh cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Triệu Đình Phúc. So với mục tiêu rất cao mà TP đề ra thì công trình bị chậm, nhưng so với nhiều cầu đã xây dựng thì nhanh hơn nhiều" .Ảnh: LAD
Theo giải trình bằng văn bản được chuẩn bị trước, ông Phúc nêu những khó khăn có tính khách quan khiến công trình bị chậm trễ: Cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi, lũ lụt làm chậm 2 tháng thi công, công tác giải phóng mặt bằng và khó khăn của các công trình chung thuộc Bộ GTVT cũng như năng lực tài chính của các nhà thầu.
Ông Phúc đưa ra thời hạn mới: Trước Tết năm 2008 thông xe kỹ thuật và khánh thành cầu Vĩnh Tuy trong quý 2 năm 2008. Đánh giá chung, ông cho rằng: "So với mục tiêu rất cao mà TP đề ra thì công trình bị chậm, nhưng so với nhiều cầu đã xây dựng thì nhanh hơn nhiều".
"Thành tích" mà GĐ Sở KHĐT nêu ra ngay lập tức nhận được sự phản bác của các đại biểu.
Đại biểu Phạm Thị Loan đặt một loạt câu hỏi: "Có nhiều điểm tôi chưa thỏa mãn trong câu trả lời của GĐ Sở. Tôi chia sẻ khó khăn mà ông đưa ra: thời tiết, cơ chế, giải phóng mặt bằng... Song những khó khăn này phải nằm trong tầm kiểm soát chứ. Khi đưa ra kế hoạch, tại sao không đặt mục tiêu 3 - 4 năm mới hoàn thành, mà phải là 2 năm? Đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu thế nào? Trượt giá có ảnh hưởng thế nào tới tổng dự toán dự án?".
Bà Loan cho biết, tổng dự toán cầu Vĩnh Tuy là 3.500 tỷ đồng, trong đó trên 2.000 tỷ từ ngân sách từ TW. Thành phố HN đã phát hành trái phiếu, mỗi năm phải trả lãi trên 91 tỷ. Vậy phần lãi suất này có được tính vào dự toán chi phí công trình? Ai là người chịu chi phí đó?
Đại biểu Vũ Đức Tân đặt vấn đề: Có lẽ phải rút kinh nghiệm ở chính HĐND và UBND đã thông qua dự án này, liệu có yếu tố chưa thực sự khoa học hay phần nào duy y chí ở đây không.
Trả lời 2 đại biểu, ông Triệu Đình Phúc cho hay, mọi vi phạm chậm tiến độ sẽ bị xử lý theo hợp đồng. "Chủ đầu tư nếu thi công chậm thì phạt 10 - 20 triệu đồng".
Trước con số này, lập tức đại biểu Nguyễn Tiến Thắng hỏi: "Tiền phạt chậm tiến độ có đủ trả chi phí phát sinh hay không"? Giám đốc Sở KHĐT khẳng định lại: "Theo Luật Xây dựng, mọi khoản phạt phải ghi trong hợp đồng, ngay tại hội nghị này, không giở hợp đồng chi tiết ra cho HĐND xem được".
Đại biểu Lê Văn Hoạt, Trưởng ban Kinh tế ngân sách của HĐND nêu ý kiến: "Hiện nay, trong xây dựng, để đỡ phức tạp, chúng ta thích chỉ định thầu, nhưng trong quá trình thi công, có vấn đề gì phát sinh thì dễ dàng nói "do nhà thầu". Công trình này do Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, vậy đề nghị UBND làm rõ. trách nhiệm của các cơ quan đã chọn nhà thầu".
Ý kiến của ông Hoạt được bà Phạm Thị Loan đồng tình. Bà chất vấn tiếp: "Nếu nhà thầu không đủ năng lực thì loại ra hay bổ sung nhà thầu? Đợi sai rồi phạt thì rõ ràng không chủ động".
Giám đốc Sở KHĐT trả lời: "Các công trình lớn, trừ các nhà thầu quốc tế, chỉ có các nhà thầu thuộc Bộ GTVT có đủ khả năng đảm nhận thi công. Toàn bộ các công trình của Bộ trên cả nước đều có vấn đề, chúng ta không thể lấy Bộ khác ra làm thay được".
-
Vân Anh