221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
940698
Xử lý người đứng đầu: Cần bản lĩnh của cấp trên
1
Article
null
Xử lý người đứng đầu: Cần bản lĩnh của cấp trên
,

(VietNamNet) - Muốn quy trách nhiệm cho người đứng đầu, cần có cơ chế rõ ràng, cơ quan cấp trên phải cương quyết, và trên hết, phải tránh cùng lúc trao quyền cho nhiều người. Trao đổi với Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Truyền, người từng không dưới một lần thẳng thắn đề cập đến việc xác định cơ chế trách nhiệm cá nhân trong phòng, chống tham nhũng.

>>Lấy ý kiến dân về quy định trách nhiệm người đứng đầu
>> Quy trách nhiệm người đứng đầu: Phải trao thực quyền
>>Phân công không rõ, khó quy trách nhiệm người đứng đầu

>> Chưa có người đứng đầu bị xử lý vì thiếu trách nhiệm

a
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: "Cần bổ sung quyền cho Thanh tra".

Một tuần sau khi Thủ tướng chỉ đạo lấy ý kiến rộng rãi đóng góp cho dự thảo Nghị định về trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là người đứng đầu đương chức đầu tiên đồng ý trả lời phỏng vấn của VietNamNet về dự thảo này. Ông không ngần ngại tự nhận bản thân chưa có đủ quyền hạn để thực hiện một cách hiệu quả công việc của thanh tra trên một "mặt trận" hết sức nóng bỏng: Chống tham nhũng.

Muốn tôi chịu trách nhiệm, phải trao cho tôi đủ quyền

Từ cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, ông có thể cho biết vướng mắc chủ yếu khi quy trách nhiệm người đứng đầu là gì?

Cái khó lớn nhất là cơ chế chưa đủ rõ để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu. Muốn tôi chịu trách nhiệm, phải cho tôi đủ quyền. Nhưng thông thường thì quyền chưa đủ, nên khi nói chịu trách nhiệm chung thì ai cũng "hăm hở" chịu, còn khi chịu trách nhiệm cụ thể, nhất là về vật chất thì rất khó.

Có cơ chế đủ rõ thì mới giải quyết được vấn đề này. Đương nhiên, trong quá trình xem xét, vẫn còn sự nể nang, châm chước của cả tập thể đối với cá nhân người có trách nhiệm. Trong thực tế, đúng là có chuyện tập thể xét thấy anh có trách nhiệm, nhưng mà vì lý do này khác mà giảm nhẹ đi.

Trường hợp đó đòi hỏi cơ quan chức năng ở trên phải rất cương quyết, có bản lĩnh để có thể đặt ra những vấn đề vừa xác đáng vừa thuyết phục. Như thế mới có thể xử lý được, chứ không thì người ta tìm cách chống chế, biện hộ để rồi cuối cùng giảm nhẹ đi.

Theo ông, dự thảo nghị định về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu có thể sẽ tạo một cơ chế đủ rõ hay chưa?

Cần phải nói thế này: Với Thanh tra Chính phủ, hệ thống pháp luật như hiện nay đã tạo đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm người đứng đầu rồi, nhưng chúng tôi vẫn cần một nghị định cụ thể làm cơ sở cụ thể để mình xem xét dễ hơn.

Thường Thanh tra Chính phủ kết luận là những vụ việc A - B thuộc trách nhiệm của ai và kiến nghị kiểm điểm xử lý, nhưng khi kiểm điểm, thường người ta cũng hay nhận trách nhiệm kiểu "Tôi thiếu kiểm tra, thiếu sâu sát cho nên mới xảy ra này kia", chứ không đi đến mức độ giải quyết cụ thể họ được.

Nay nếu trong nghị định, mình liệt kê được những hành vi cụ thể, những thiệt hại cụ thể thì sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân thuận lợi hơn, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ có kiến nghị xác đáng hơn, kể cả với những người đứng đầu đã về hưu. Hiện chủ trương đã có, tức là nếu như xét lại trách nhiệm của anh khi anh đương chức gây ra hậu quả thì vẫn phải truy xét, nhưng hình thức, biện pháp truy xét thế nào thì chưa có.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, nghị định này có thể được xem như một văn bản cụ thể hóa những quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Bởi thực tế rất phức tạp: Có những vấn đề thuộc trách nhiệm trực tiếp, có những vấn đề thuộc trách nhiệm gián tiếp của cá nhân người đứng đầu.

Vả lại mức độ chịu trách nhiệm cũng khác nhau. Bản thân anh là thủ trưởng, anh có dính dáng đến tham nhũng thì mức độ chịu trách nhiệm phải khác với việc anh thiếu trách nhiệm mà để xảy ra tham nhũng. Hoặc là vì anh quan liêu, không biết, để xảy ra tham nhũng thì khác nữa. Có rất nhiều mức độ sai phạm xảy ra ở đơn vị mình hay ở đơn vị cấp dưới, cho nên phải có một nghị định quy định nguyên tắc xem xét, nội dung xem xét và cả cách thức xem xét thì mới có thể thực hiện được.

Cần những phương án cụ thể để nghị định có tính khả thi

Ở những vụ Thanh tra Chính phủ đã tiến hành và có kết luận như Vietnam Airlines hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, liệu những người đứng đầu có bị quy trách nhiệm không?

Khi xem xét, chúng tôi đã có kiến nghị kiểm điểm cả tập thể lẫn cá nhân những người có liên quan, trong đó đương nhiên người đứng đầu bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm. Vụ Ngân hàng Nhà nước VN, Thủ tướng đã có kết luận chỉ đạo phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, có biện pháp xử lý thích đáng.

Tôi nghĩ không thể để anh em cấp dưới chịu trách nhiệm và bị xử lý mà người đứng đầu lại không chịu trách nhiệm. Nhưng mức độ chịu trách nhiệm thế nào thì còn tùy thuộc ở việc kiểm điểm này và không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

Nhưng việc lùi nhiều lần thời hạn công bố việc xử lý này liệu có đồng nghĩa với việc sẽ không có cá nhân nào bị xử lý cả?

Việc của Ngân hàng NN, Thủ tướng đã có kết luận rồi, nhưng do vấn đề phức tạp, nên phải cân nhắc thời điểm công khai nội dung, để không gây ra rắc rối cho việc quản lý tiền tệ.

Vụ Vietnam Airlines thì Thủ tướng chưa sắp xếp được thời gian, chứ chúng tôi đã báo cáo lâu rồi.

Trong dự thảo Nghị định có quy định trách nhiệm vật chất. Nhưng nếu số tiền thất thoát lớn thì người đứng đầu lấy đâu ra tiền để đền? Theo ông đó có phải là một khó khăn khi triển khai Nghị định?

Đúng, chính vì khó khăn đó nên Chính phủ mới đưa Nghị định ra lấy ý kiến rộng rãi. Thứ nhất là để xác định trách nhiệm người đứng đầu thế nào để xử lý. Nói thế chứ làm cán bộ nếu phải chịu trách nhiệm chung hết  thì cũng khó.

Thứ hai, cần xem xét trách nhiệm vật chất của người đứng đầu phải như thế nào. Thiệt hại do khách quan thì có phải chịu trách nhiệm không? Nếu không phải do mình mà do cấp dưới thì có phải chịu trách nhiệm không? Nếu anh không khắc phục được hậu quả thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có những vụ thiệt hại đến hàng chục tỷ đồng thì cá nhân người đứng đầu, tài sản có khi chưa tới năm ba trăm triệu thì làm sao có thể đền được hàng chục tỷ, cho nên có thể thấy rất khó quy trách nhiệm vật chất cho một cá nhân. Vì thế, tôi nghĩ cần phải tính đến những phương án rất cụ thể để đảm bảo được tính khả thi của nghị định.

Cũng cần hiểu rằng, ý tưởng của việc đề ra nghị định này xuất phát từ nhu cầu luật phải cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Anh không thể thiếu trách nhiệm, để xảy ra quá nhiều sai phạm mà không chịu trách nhiệm được.

Tránh để một việc, một lĩnh vực, nhiều người có quyền

Bản thân là người đứng đầu một cơ quan thuộc Chính phủ, ông có sẵn sàng đương đầu với việc bị quy trách nhiệm không?

Ở ngành này thì càng phải đề cao trách nhiệm. Hiện chưa có Nghị định nhưng tôi vẫn đang rốt ráo việc này bởi vì riêng với ngành thanh tra, trên tất cả lĩnh vực người ta đang rất tin cậy, kỳ vọng. Nếu cứ để xảy ra việc này việc kia hoặc chỉ cần có dư luận về tiêu cực thôi, mình đã không hài lòng rồi chứ đừng nói bắt tay vào việc mà xảy ra tiêu cực.

Tôi đang tìm mọi cách ráo riết để chấn chỉnh quản lý anh em. Theo tôi, điều quan trọng với một người đứng đầu là giám sát để ngăn ngừa sai phạm ngay từ đầu chứ không phải để xảy ra rồi mình mới chịu trách nhiệm. Và đương nhiên, nếu việc đó xảy ra, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Tổng Thanh tra Chính phủ thấy mình cần có thêm quyền gì?

Để Thanh tra hoạt động có hiệu quả, Tổng Thanh tra nói riêng và thanh tra nói chung chắc phải cần nhiều điều kiện hơn nữa. Việc này tôi chưa thể nói ngay ở đây, vì vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật của ta. 

Tôi chỉ muốn tâm sự thế này. Mới đây, chúng tôi tiếp một đoàn Thanh tra của Hàn Quốc sang làm việc. Quyền của họ rất lớn. Sau khi Thanh tra đã có kết luận rồi thì không ai được quyền "cãi" nữa.

Họ cũng có thể bãi miễn chức vụ của những người đang làm việc, đình chỉ công việc những người có sai phạm. Họ có quyền kiến nghị thẳng để quy trách nhiệm hình sự người này người kia chứ không phải kiến nghị điều tra. Nhưng tất nhiên, cơ chế của họ khác cơ chế của mình. Mình không thể bắt chước máy móc.

Nhưng để thanh tra có đủ năng lực, đủ quyền để thực hiện trách nhiệm của mình, có lẽ cũng phải có những bổ sung cần thiết.

Cá nhân ông có bao giờ có cảm giác bất lực khi mình đã kết luận những vụ việc mà những kiến nghị của mình không được thực hiện?

Đương nhiên, khi Thanh tra có kết luận mà vụ việc không được xử lý đúng mức thì cũng có khi tôi cảm thấy bức xúc.

Nhưng ở đây, mình cũng phải xem xét hai mặt của vấn đề. Một mặt, mình làm chưa thấu đáo, chưa thuyết phục được nên chưa tìm ra phương án xử lý rốt ráo. Mặt khác, cũng phải thấy trong bối cảnh chung hiện nay, còn rất nhiều vấn đề phải suy xét, cân nhắc. Xử lý một vụ việc, một cá nhân như thế nào có lợi nhất mới là quan trọng. Cái lợi ở đây là lợi ích chung, của Nhà nước, của nhân dân chứ không phải của người này người kia. Chính vì thế, cũng phải nén lòng chờ đợi tuy rất bức xúc vì nhiều việc chưa được như ý.

Qua thực tiễn công việc của Thanh tra, tôi thấy điều quan trọng để xem xét trách nhiệm một người đứng đầu, đó là khi có đủ quyền người ta sẽ mạnh dạn làm và sẽ chịu trách nhiệm.

Đừng để một việc, một lĩnh vực mà có nhiều người, nhiều chỗ có quyền, hoặc là có quyền nhưng quyền không đến nơi đến chốn. Ví dụ, chúng tôi chỉ có quyền kiến nghị. Nếu có ai hỏi về những vụ việc tiêu cực, tại sao tôi không xử đến nơi đến chốn, thì tôi sẽ trả lời là tôi không chịu trách nhiệm về việc này.  

  • Vân Anh (thực hiện)
     
    Ý kiến của bạn?
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,